Lần đầu tiên
Lương Mạnh Hải không đóng phim của Vũ Ngọc Đãng. Lần đầu tiên anh cùng với Vũ Ngọc Đãng cho ra đời công ty sản xuất riêng. Và lần đầu tiên họ làm phim kinh dị cho mùa Halloween. Dưới đây là cuộc trò chuyện rất cởi mở với Lương Mạnh Hải về một vai trò hoàn toàn mới: nhà sản xuất.
Trở lại với điện ảnh lần này, có vẻ anh và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tạo ra nhiều sự kiện quá?
Tôi nghĩ đã trở lại thì nên lợi hại hơn xưa (cười)! Năm nay tương đối thuận lợi nên chúng tôi quyết định phải tăng tốc để rẽ vào một khúc quanh mới. Mục tiêu của chúng tôi là bộ phim đầu tiên của công ty,
Con Ma Nhà Họ Vương sẽ trở thành phim kinh dị được mong đợi và ăn khách nhất 2015.
Tại sao không phải là Con Ma Nhà Họ Hứa? Anh làm lại một giai thoại nổi tiếng như thế thì bán vé dễ hơn không?
Nếu chúng tôi làm lại Con Ma Nhà Họ Hứa thì chắc chắn bạn cũng sẽ hỏi tại sao? Rõ ràng nếu làm lại một bộ phim nổi tiếng đã trở thành khẩu ngữ của người Việt như Con Ma Nhà Họ Hứa thì dự án của chúng tôi cũng dễ ồn ào và nhanh chóng trở thành tâm điểm. Còn chuyện ăn khách thì cũng không biết chắc đâu! Cách đây sáu năm, tôi và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng nghĩ tới việc làm lại bộ phim này. Nhưng chính vì giai thoại này quá nổi tiếng nên mình phải làm đúng thời đại ấy, bối cảnh ấy với những điểm mấu chốt tương tự nên tưởng dễ mà hoá lại thành khó. Trong khi nếu làm một câu chuyện kinh dị đương đại thì sẽ dễ dàng hơn và quan trọng là tiết kiệm chi phí hơn. Tên phim
Con Ma Nhà Họ Vương có thể làm bạn liên tưởng tới Con Ma Nhà Họ Hứa nhưng chắc chắn là một câu chuyện hoàn toàn mới với những nhân vật khác biệt trong một gia đình khác biệt.
Bốn diễn viên chính của “Con Ma Nhà Họ Vương”
Hẳn là anh rất thích dòng phim kinh dị?
Tôi không mặn mà lắm với thể loại kinh dị nhưng tôi lại cực kỳ thích cái cảm giác nghe người khác la hét, hoảng sợ trong rạp. Mỗi lần đi xem phim kinh dị thấy bạn bè ngồi cạnh cứ bấu víu lấy tay tôi vì sợ thì tôi lại cười thích thú. Không hiểu vì tôi mất cảm giác hay biết thừa đó là mấy trò kỹ xảo nên chả thấy sợ gì lắm, chỉ giật mình. Tôi nhận ra phim kinh dị là thể loại duy nhất khiến cho khán giả tương tác với nhân vật, với câu chuyện từ đầu cho tới cuối. Lúc ấy mọi giác quan đều hoạt động hết công suất. Nó khơi gợi cảm xúc cũng như sự tò mò nhiều nhất và mạnh mẽ nhất. Mà tôi thấy cái gì càng vô hình, càng trừu tượng lại càng làm người ta sợ. Cả phim nhiều khi chẳng có con ma nào nhưng lúc ngồi xem vẫn cứ sợ con ma sẽ đột ngột xuất hiện. Sợ ma đúng là một nỗi sợ vừa hấp dẫn vừa vớ vẩn.
Tôi lại cực kỳ thích cái cảm giác nghe người khác la hét, hoảng sợ trong rạp
Vậy điều gì mới có thể làm anh sợ hãi?
Tôi cũng sợ nhiều thứ lắm. Vì chắc chắn sợ điều gì đó không hẳn là tiêu cực. Có sợ điều gì đó, chúng ta mới biết mình yếu, mình cần phấn đấu hay thay đổi để tốt hơn. Tôi có nỗi sợ đơn thuần như sợ độ cao, sợ gián hay to lớn hơn là sợ làm người khác tổn thương, sợ không được làm điều mình thích…
Anh làm gì để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình?
Thực ra chúng ta càng lớn, càng hiểu biết nhiều thì lại càng sợ nhiều. Nhưng chúng ta cũng nhận ra nếu mạnh mẽ và quyết liệt thực sự, chúng ta sẽ lý giải và đối mặt được nỗi sợ hãi của mình. Cái này cần phải tập và có thời gian, chứ không ai ngay lập tức mà chiến thắng được nỗi sợ hãi. Tôi không nhớ nhân vật trong bộ phim nào đó đã nói: Hãy làm những gì chúng ta sợ hãi, và chắc chắn cái chết của nỗi sợ sẽ tới.
Hãy làm những gì chúng ta sợ hãi, và chắc chắn cái chết của nỗi sợ sẽ tới.
Làm nhà sản xuất phim cũng từng là nỗi sợ hãi, ám ảnh nhiều người đi trước anh rồi đấy chứ? Công việc này hấp dẫn nhiều mà rủi ro cao!
Làm gì cũng vậy, dù thất bại hay thành công thì chính những trải nghiệm, kinh nghiệm bạn có được cũng là một dạng thành công rồi. Chưa làm mà đã sợ mình làm không được thì nó sẽ là sai lầm lớn nhất. Chỉ có người lười biếng, không chịu làm gì thì mới không mắc sai lầm. Tôi chỉ sợ mình không làm tốt việc mình muốn làm thôi. Mọi thứ trong cuộc sống không bao giờ dễ dàng cả, nhất là khi bạn lên kế hoạch đạt được điều gì đó có giá trị.
Điều phức tạp hoặc mâu thuẫn nhất của 1 nhà sản xuất theo anh là gì?
Là biết chi tiền hiệu quả nhưng cũng biết kiên quyết cắt tiền khi cần thiết. Tôi nghĩ nhà sản xuất có lẽ thường bị ghét nhất đoàn phim ấy (cười).
Với anh, điện ảnh là trò chơi của đạo diễn hay nhà sản xuất?
Ở nền điện ảnh nào thì trò chơi ấy cũng là của đạo diễn, ngoại trừ trường hợp đạo diễn đồng thời là nhà sản xuất. Đạo diễn Oliver Stone nhấn mạnh: Bộ phim là quan điểm rất cá nhân của đạo diễn, mọi thứ còn lại chỉ là trang trí. Cùng 1 kịch bản vào tay các đạo diễn khác nhau sẽ cho ra các bộ phim khác nhau, có khi khác hẳn cả về màu sắc lẫn tinh thần. Nhà sản xuất chỉ nên là người chia sẻ các ý đồ nghệ thuật tổng thể với đạo diễn mà thôi. Theo quan sát của tôi thì các đạo diễn cực kỳ sợ những nhà sản xuất nghĩ mình giỏi cả việc kinh doanh lẫn nghệ thuật nên hay can thiệp thô bạo vào công việc của đạo diễn và cuối cùng cho ra đời những bộ phim hết sức ngớ ngẩn, kệch cỡm. Tôi hay nói thế này về công việc của nhà sản xuất: “Bạn chỉ cần lo đủ tiền làm phim, việc còn lại cứ để đạo diễn lo”.
Bạn chỉ cần lo đủ tiền làm phim, việc còn lại cứ để đạo diễn lo
Một ông đạo diễn người Pháp có phân biệt hai kiểu nhà sản xuất: một là giỏi, hai là tồi. Trong đó kiểu thứ 2 rất dễ biết vì họ chỉ muốn chi tiền tối thiểu và thu lợi tối đa. Còn nhà sản xuất giỏi là ngoài hai điều liên quan đến tiền, họ còn muốn làm một bộ phim giá trị. Hiển nhiên không ai muốn bị xếp vào kiểu tồi đúng không?
Nghe rất lý thuyết, tôi không tán thành lắm. Vì khi kinh doanh thì người ta phải đặt ra những mục tiêu khác nhau cho từng thời điểm. Biết đâu anh ta làm một phim hoàn toàn chiều khán giả để thu lời, rồi sau đó sẽ sản xuất 1 phim rất nghệ thuật thì sao? Tôi chưa biết là mình giỏi hay tồi. Vì phim sắp sửa quay. Tiền chỉ thấy chi ra chưa thấy thu vào. Nói chung là hồi hộp. Chưa làm gì ra trò mà đã nghĩ mình giỏi thì cũng kỳ mà tự nhận mình tồi thì còn kỳ hơn, rất nhụt ý chí chiến đấu (cười lớn).
Nhưng gần đây có nhiều diễn viên cũng bắt tay vào sản xuất những bộ phim giải trí và họ đã thu về vài chục tỷ. Điều này có làm anh bị áp lực?
Phải nói là vui mừng chứ sao lại áp lực. Điều đó cho thấy là thị trường phim ảnh đang thay đổi rất nhanh và mang lại những tín hiệu tốt. Đừng lo lắng khi thấy người khác giỏi hơn mình. Hãy tập trung vào việc “phá kỷ lục” của chính mình mỗi ngày. Thành công chỉ là một cuộc chiến giữa bạn và bản thân bạn mà thôi.
Thành công chỉ là một cuộc chiến giữa bạn và bản thân bạn mà thôi
Chúc anh thật thành công trong dự án tâm huyết này!