"Cầu Vồng Không Sắc": Không đột phá nhưng đủ nhân văn về đồng tính

Phong Vân, Theo Trí Thức Trẻ 15:23 20/03/2015

"Cầu Vồng Không Sắc" là một trong những bộ phim đàng hoàng về người đồng tính và có một góc nhìn thiện cảm và nhân văn.

Phim Việt chiếu rạp bây giờ hầu như phim nào cũng có hình ảnh của người đồng tính, nhưng hiếm phim thể hiện tốt, chân thật, nhân văn về cộng đồng này. Cầu Vồng Không Sắc một lần nữa đem chủ đề này lên màn ảnh. Một bộ phim mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, thể hiện góc nhìn cảm thông, mặc dù câu chuyện không mới và thông điệp chưa đủ mạnh.

Nội dung phim khá quen thuộc và dễ xem

Phim kể về hai anh em Hùng (Vũ Tuấn Việt) và Hoàng (Nguyễn Thanh Tú). Hùng là con nuôi trong gia đình, hai anh em yêu nhau, và bi kịch bắt đầu. Có lẽ để an toàn, đạo diễn đã làm bộ phim với một nội dung dễ hiểu và cũng có phần dễ đoán, có thể điều này sẽ mang đến sự thất vọng cho những khán giả khó tính và đòi hỏi. Tuy nhiên, với những bộ phim như thế này, chiêu trò là điều không cần thiết, quan trọng là làm ra được cảm xúc của phim.



Khi khai thác về đề tài này, nếu chỉ kể về chuyện hai người yêu nhau, bị gia đình phản đối, dẫn đến những bi kịch sau đó thì rất nhàm chán. Người xem khó mà tìm thấy được sự hấp dẫn ở một câu chuyện như vậy. Thông điệp của bộ phim cũng chưa mạnh và không rõ ràng. “Đồng tính không phải là bệnh” - một thông điệp mơ hồ và chẳng đi đến đâu. Điểm mấu chốt là giải quyết vấn đề, ứng xử với gia đình, hướng đi cho trong cuộc sống cho những người đồng tính như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Đáng tiếc phim chỉ nêu ra một thông điệp nửa vời và chưa thực sự triệt để.


Ở đâu đó đoạn cuối phim, ta thấy được sự bế tắc, một cái kết không có nhiều niềm vui và mọi thứ vẫn còn đó. Có thể sau này tốt đẹp hơn nhưng thực tế đã cho thấy những đau khổ, điều đó khiến người ta e ngại những cuộc tình đồng tính. Giá như phim có một kết cục tốt hơn cho những người yêu nhau thì mọi thứ sẽ trở nên trọn vẹn. Tuy nhiên, dang dở đôi khi cũng là một điều đẹp đẽ khiến người ta nhớ mãi.

Mất điểm nhịp phim, hình ảnh - âm thanh gỡ gạc

Tuy nhiên, nhịp phim hơi dàn trải và thiếu cao trào, có những đoạn đối thoại quá nhiều khiến cho người xem mệt mỏi và không thiếu những lúc đọc “triết lý”. Đoạn dẫn đầu phim cũng diễn ra quá dài khiến khán giả phải rất lâu mới bắt được nhịp của phim. Nếu như dựng phim cô đọng hơn, bỏ bớt những chi tiết thừa và tập trung vào những cao trào, những cảm xúc, những dằn vặt của hai người yêu nhau trong khổ sở thì nhịp phim sẽ hấp dẫn người xem hơn. 



Phim được đầu tư rất nhiều về cảnh quay, những bối cảnh trong phim rất đẹp, nhất là căn biệt thự bên hồ, con đường độc đáo giữa rừng thông, hay là những cánh đồng hoa khoe sắc. Tất cả trở nên lung linh với góc quay từ flycam, những cú lia máy sáng tạo từ trên cao, từ những góc khuất. Hình ảnh trong phim thực sự đẹp và nó khiến cho người xem đắm chìm hơn vào câu chuyện phim.


Phần nhạc phim hay, nhất là bài hát chủ đề của phim, nó như là nỗi lòng của hai nhân vật trong phim, từng lời, từng nốt nhạc, từng câu hát như chắt lọc để bung ra trong một miền cảm xúc miên man và lắng đọng, một chút đau đớn xót xa, một bài hát hay. Không chỉ bài hát chủ đề, phần nhạc phim trong những phân đoạn khác nhau cũng được chăm chút kỹ lưỡng, nhất là bài hát sôi động khi ở trong quán bar. Về mặt âm thanh và hình ảnh thì phim này đã làm rất tốt.

Diễn xuất của các diễn viên tốt

Nguyễn Thanh Tú đã có một vai diễn xuất sắc, dù không phải là một diễn viên chuyên nghiệp nhưng diễn xuất của anh trong phim này thực sự chạm đến trái tim của người xem. Anh như bộc lộ toàn bộ cảm xúc chân thật nhất của mình, cháy hết mình cho một vai diễn. Tất nhiên, vẫn còn một đôi chỗ xử lý hơi gượng và một vài cảnh quá lên gân nhưng với một diễn viên mới, như vậy là quá tốt. Chính nhờ diễn xuất của Nguyễn Thanh Tú mà dù kịch bản phim không quá hay nhưng vẫn đủ sức thu hút khán giả theo dõi đến kết cục của câu chuyện. Có lẽ đây là vai diễn để đời của anh.


Vũ Tuấn Việt với gương mặt góc cạnh và có nhiều nét thâm trầm, rất thích hợp với một vai như vậy, diễn xuất ổn nhưng nhiều phân đoạn tình cảm anh diễn vẫn chưa tới. Một phần cũng là do kịch bản phát triển tâm lý nhân vật chưa tốt. Còn Việt My trong vai cô em gái không có nhiều đất diễn nhưng có những đoạn diễn rất dễ thương, nhuần nhuyễn, tạo được ấn tượng tốt. 



Kim Khánh trong vai người mẹ giận dữ, điên cuồng khi cả hai đứa con trai đều “bị bệnh”, có lẽ dạng vai này không phải là quá khó với Kim Khánh khi cô diễn rất mạnh mẽ khi nổi giận và rất đau khổ khi phải chứng kiến những bi kịch trong gia đình mình. 



Cảnh nóng được tiết chế

Những bộ phim về đề tài đồng tính thường có những cảnh nóng, như ta từng thấy trong phim Hot Boy Nổi Loạn hay là phim Lạc Giới gần đây. Tuy vậy, trong Cầu Vồng Không Sắc không có quá nhiều cảnh nóng, ngoài một vài cảnh khoe body đẹp của Vũ Tuấn Việt hay là cảnh hai người ngủ trên giường. 



Cảnh nóng trong phim được tiết chế nhiều, nóng nhất có lẽ là nụ hôn của hai nhân vật chính nhưng cảnh này được thể hiện đẹp, vừa phải và không quá phản cảm. Việc hạn chế dùng cảnh quá nóng khiến phim dễ nhận được thiện cảm của người xem hơn và cũng không phải hạn chế độ tuổi khán giả vào rạp.

Kết

Một câu chuyện về những người đồng tính không quá mới nhưng được thể hiện với nhiều cảm xúc và tâm huyết nhất. Phim có nhiều cảnh quay đẹp cộng với nhạc phim hay, diễn xuất của các diễn viên quá tốt. Cầu Vồng Không Sắc là một trong những bộ phim đàng hoàng về người đồng tính, một góc nhìn thiện cảm và nhân văn.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày