Chinese Super League, bí ẩn về giải đấu có thể mua cả Messi lẫn Ronaldo

Mạnh Hào, Theo Trí Thức Trẻ 09:14 16/07/2016

Sự kiện tiền đạo Graziano Pelle tới Shandong Luneng và nhận mức lương cao thứ 6 thế giới có lẽ không làm tất cả ngạc nhiên bằng việc một lần nữa Trung Quốc cho thấy tham vọng bóng đá của họ…

Chinese Super League, bí ẩn về giải đấu có thể mua cả Messi lẫn Ronaldo - Ảnh 1.

Pelle vừa gia nhập Shandong Luneng và trở thành cầu thủ có thu nhập cao thứ 6 thế giới.

Để thấy rõ hơn thì trong Top 10 những cầu thủ có thu nhập cao nhất thế giới, về lương, tiền đạo người Italia, với 16 triệu euro, chỉ đứng sau Cristiano Ronaldo (21 triệu euro), Lionel Messi (20 triệu euro), Hulk (20 triệu euro), Neymar (19 triệu euro), Zlatan Ibrahimovic (16 triệu euro) và trên Thomas Muller (13,5 triệu euro), Ezequiel Lavezzi (13 triệu euro), Jackson Martinez (12,5 triệu euro) và Thiago Silva (12 triệu euro).

Điều thú vị là trong Top 10 này, có đến 5 người đang thi đấu ở giải vô địch Trung Quốc (CSL), nghĩa là bất chấp việc bóng đá nước này chỉ là vùng trũng của bóng đá thế giới, CSL giờ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất xét về mặt thu nhập nếu so với Premier League của Anh, La Liga của Tây Ban Nha hay Bundesliga của Đức…

Chinese Super League, bí ẩn về giải đấu có thể mua cả Messi lẫn Ronaldo - Ảnh 2.

Ramires, cựu sao Chelsea hiện cũng thi đấu ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Vì thế, cứ cho là châu Âu vẫn là nơi tập trung chủ nhân của 8 Quả bóng vàng FIFA gần đây và quy tụ đầy đủ những chiến lược gia được đánh giá là hàng đầu thế giới hiện nay như Pep Guardiola, Luis Enrique, Diego Simeone, Jose Mourinho, Carlo Ancelotti…, trong thời điểm CSL giống như thỏi nam châm hút tất cả về phía họ, chẳng ai có thể đảm bảo rằng, một ngày nào đó, những Neymar, Luis Suarez, Wayne Rooney, John Terry hay Zlatan Ibrahimovic lại không khoác lên người chiếc áo của Guangzhou Evergrande, Shanghai Shenhua, Shanghai SIPG… Bởi như đã nói ở trên, CSL tuy chưa phải là giải đấu số 1 thế giới nhưng nếu xét về lương thưởng mà họ đưa ra mời chào các cầu thủ, họ không thua La Liga của Tây Ban Nha hay Premier League của Anh.

Câu hỏi đặt ra là liệu một ngày nào đó, các trận đấu tại CSL sẽ phủ sóng khắp thế giới như Premier League nếu xu thế những cầu thủ hàng đầu vẫn tiếp tục đổ xô về lục địa trong thời gian tới?

Để thấy rõ hơn thì trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, chính phủ Trung Quốc đã xác định thể thao như là một trong những nhân tố cơ bản để duy trì kinh tế quốc gia phát triển bền vững và dự tính nền công nghiệp này sẽ tạo ra doanh thu lên đến hơn 500 tỷ USD.

Chinese Super League, bí ẩn về giải đấu có thể mua cả Messi lẫn Ronaldo - Ảnh 3.

Jackson Martinez hiện cũng chơi bóng ở Trung Quốc dù được rất nhiều đội bóng châu Âu mời chào.

Thực tế thì chưa nói gì đến việc thể thao sẽ đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự lớn mạnh của thể thao Trung Quốc như là một cường quốc đồng nghĩa họ sẽ thu hút được nhiều nhà tổ chức sự kiện và tài trợ tới đây. Cộng với việc Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, người lục địa tin rằng dựa trên những nền tảng thành công của Olympic Bắc Kinh 2008, họ sẽ tạo ra một ngành công nghiệp thể thao có doanh thu lên đến hơn 500 tỷ USD vào năm 2025. 

Đây cũng là lý do giải thích tại sao mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là bên cạnh việc xã hội hóa thể thao và nâng tỷ lệ người tập luyện thể thao lên hơn 500 triệu người, gần 1/3 dân số hiện tại, lĩnh vực thể thao còn là nhân tố duy trì kinh tế quốc gia bền vững. Để làm được điều này, Trung Quốc cũng có kế hoạch nâng tỷ lệ diện tích cơ sở hạ tầng cho thể thao trung bình từ 1,2m2 năm 2010 lên 2m2. Và lực lượng góp phần vào sự tăng trưởng của thể thao và nghỉ dưỡng của Trung Quốc là giai cấp trung lưu nhờ có thu nhập và thời gian.

Hay hồi tháng 3 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã thông báo kế hoạch cải thiện hình ảnh thể thao quốc gia, bắt đầu với bóng đá nhằm cắt giảm tham nhũng, tăng tính chuyên nghiệp và đưa đội tuyển Trung Quốc trở lại World Cup kể từ lần đầu tiên vào năm 2002.

Cùng với đó là tham vọng đưa World Cup đến lục địa như Olympic 2008 và Olympic mùa đông 2022 khi Trung Quốc xem việc tổ chức World Cup 2026 chứng tỏ quyền lực mềm của họ. Ý nghĩ này giải thích tại sao một mặt các CLB ở CSL vung tiền chèo kéo nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới đến Trung Quốc, một mặt các tập đoàn, các doanh nhân âm thầm thâu tóm những đội bóng ở châu Âu như CMC/Citic Capital sở hữu 13% cổ phần tại City Football Group (công ty mẹ của Man City); Rastar Group có 56% cổ phần ở Espanyol, Tây Ban Nha; Dalian Wanda Group - 20% cổ phần ở Atletico Madrid, Tây Ban Nha; CEFC China Energy Company thâu tóm 60% cổ phần ở Slavia Prague, Czech; Ledus sở hữu Sochaux, Pháp và United Vansen International Sports Company - cổ đông lớn ở ADO Den Haag, Hà Lan.

Chinese Super League, bí ẩn về giải đấu có thể mua cả Messi lẫn Ronaldo - Ảnh 4.

Nhìn bề ngoài, người Trung Quốc có vẻ muốn phát triển bóng đá cấp CLB và đội tuyển, xây dựng thế hệ người hâm mộ mới hay chỉ đơn giản là các nhà đầu tư và các công ty muốn sử dụng bóng đá để quảng bá hình ảnh tại châu Âu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Trung Quốc trong tương lai có thể tổ chức World Cup và mục tiêu cao nhất là giành chức vô địch. Vì thế, họ cũng cần phải học hỏi thêm về bóng đá và điều này là rất quan trọng. Đây là lý do giải thích tại sao họ thâu tóm các CLB ở châu Âu bởi họ muốn có thêm những kinh nghiệm trong bóng đá, về quản lý, điều hành, kinh doanh, tổ chức…"

Việc thành lập giải vô địch quốc gia (CSL) đã cho thấy Trung Quốc chịu ảnh hưởng rất lớn từ giải J-League của Nhật Bản. Trước khi J-League ra đời vào năm 1993, đội tuyển Nhật Bản chưa một lần tham dự World Cup nhưng kể từ năm 1998, họ đã 5 lần liên tiếp có mặt ở World Cup, trước lúc họ vận dụng thêm mô hình của Mỹ, và học hỏi kinh nghiệm từ những CLB bóng đá của châu Âu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày