Charles Dickens – Nạn nhân của lạm dụng lao động trẻ em

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 14:00 07/01/2014

Không một ai, láng giềng, bạn bè, gia đình giang tay cứu vớt số phận khủng khiếp có vẻ như đã an bài cho thần tượng văn học của người Anh. Tình cảnh gia đình đã chắn hết mọi lối tới ước mơ của cậu bé mộng mơ.

Năm 1922, khi tác giả của một trong những cuốn sách Giáng sinh nổi tiếng nhất mọi thời đại, Christmas Carol (Bài hát Giáng Sinh), Charles Dickens lên 10 tuổi, gia đình ông lâm vào cảnh khốn khó. Mặc dù người cha, ông John Dickens là nhân viên của văn phòng Hải quân nhưng cũng không kham nổi gánh nặng gia đình với tám đứa con. Họ đã phải chuyển nhà tới 6 lần và cuối cùng Charles Dickens theo gia đình tới London. Thời điểm này, gia cảnh của nhà văn tương lai đã vô cùng thảm hại. Ông John Dickens thú nhận với cậu con trai thứ hai rằng mình đã trở thành “chúa chổm” và không thể nào có thể để cậu tiếp tục đến trường được nữa. Tin này làm trái tim Charles Dickens tan nát. Ngay cả ông hiệu trưởng tại trường trung học cũng phải công nhận rằng cậu là một học sinh hết sức thông minh, có trí tưởng tượng đặc biệt. Charles đã mơ tới một ngày nào đó trở thành một người viết truyện nổi tiếng, và giờ đây, tình cảnh gia đình đã chắn hết mọi lối tới ước mơ của cậu.

 Charles Dickens – Nạn nhân của lạm dụng lao động trẻ em 1
Vào đầu triều đại Nữ hoàng Anh Victoria (1837), nhiều trẻ em làm việc trong các nhà máy với mức thù lao rẻ mạt, thậm chí có những em chỉ mới 5 tuổi. Không có môt điều luật nào bênh vực, bảo vệ quyền lợi của trẻ em

Để thanh toán tiền thịt và bánh mì, gia đình đã bán những cuốn sách yêu mến của Charles Dickens cho tiệm cầm đồ cùng với những đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi để thanh toán các khoản nợ nần, cứu người cha khỏi cảnh tù tội. Căn phòng nhỏ trên gác mái của mình ở Chatham, nơi hàng ngày mê mẩn với Robinson Crusoe và Peregrine Pickle đã trống trơn cùng với nỗi tuyệt vọng, chán nản của cậu bé thiếu may mắn. Sau đó, John Dickens được gửi tới làm việc tại nhà máy Warren’s Blacking với thù lao 6 shilling (Tương đương 1.40 USD)/ tuần. Hồi tưởng lại thời điểm khủng khiếp ấy, tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất thời đại Nữ hoàng Victoria không tránh khỏi cảm giác chua chát: “Thật tuyệt vời vì tôi đã được nhận ở độ tuổi ấy. Cha mẹ tôi đã khá hài lòng. Họ nghĩ rằng tôi không thể sinh lời nếu đã 20 tuổi, học hành cẩn thận và tới Cambridge”. 

 Charles Dickens – Nạn nhân của lạm dụng lao động trẻ em 2
Thời thơ ấu cùng cực ảnh hưởng rất lớn tới con người Charles Dickens trưởng thành

Đã không một ai, láng giềng, bạn bè, gia đình giang tay cứu vớt số phận khủng khiếp mà cuộc sống có vẻ như đã an bài cho Charles Dickens. Chính thức từ ngày 9/2/1824, 12 tuổi, cậu bé mộng mơ bắt đầu bước vào guồng máy lao động cực nhọc để kiếm tiền cho gia đình. Từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, đều đặn 6 ngày một tuần, Charles Dickens cùng với các cậu bé khác làm công việc đánh bóng và dán nhãn cho xô chậu trong một căn phòng tối tăm đầy chuột bọ, bụi bặm. Và Charles Dickens không phải là trường hợp trẻ em bị lạm dụng lao động duy nhất. Vào đầu triều đại Nữ hoàng Anh Victoria (1837), nhiều trẻ em làm việc trong các nhà máy với mức thù lao rẻ mạt, thậm chí có những em chỉ mới 5 tuổi. Không có môt điều luật nào bênh vực, bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

 Charles Dickens – Nạn nhân của lạm dụng lao động trẻ em 3
Tiểu  thuyết Oliver Twist (1839) đã được dựng thành phim vào năm 2011

Sau đó hai tuần, người cha, ông John Dickens bị tống giam vào nhà tù Marshalsea cho tới khi nào thanh toán hết các khoản nợ nần. Đặc biệt, người vợ và 7 đứa con của ông được phép chuyển tới nhà tù sống cùng chồng và cha trong một căn phòng. Riêng Charles Dickens, vì nhà máy đang làm việc quá xa, khi tan ca nhà tù đã đóng cửa, người ta đành gửi cậu tới một nhà trọ giá rẻ. Tan ca, Charles Dickens thường lang thang trên đường phố tối tăm, cô độc, khốn khổ, ăn vận rách nát trước khi về phòng trọ tồi tàn và ăn bữa tối chỉ có bánh mì và pho mát. 

Thời thơ ấu cùng cực ảnh hưởng rất lớn tới con người Charles Dickens trưởng thành, khi ông đã có gia đình riêng và trở nên nổi tiếng với ngòi bút hiện thực sắc bén. Ông có niềm cảm thông sâu sắc với các số phận bần cùng của xã hội, kêu gọi cải thiện đời sống của người nghèo mà tiểu thuyết Oliver Twist (1839) là một thí dụ.