Túi Hermes đắt, rất đắt. Không cần phải nói nhiều thì ắt ai cũng biết. Chúng đắt đến mức ngay cả những chiếc túi Hermes fake cũng có mức giá gần bằng các sản phẩm túi hiệu chính hãng khác, ở mức tầm trung.
Chưa kể đến chuyện có tiền cũng chưa chắc rước ngay về nhà được một chiếc túi Hermes, đặc biệt là dòng Birkin hay Kelly. Cần phải có rất nhiều yếu tố như địa vị, mối quan hệ, lòng kiên nhẫn và thậm chí đôi chút chiêu trò. Thế mà vẫn bán chạy như tôm tươi dù chẳng phải marketing bao giờ. Chẳng hạn như cách đây vài năm, có câu chuyện về một doanh nghiệp Việt nhập về 4 bộ túi xách nhãn hiệu Hermès, giá mỗi bộ gồm 4 chiếc là 300.000 USD (giá tương đương 1,6 tỷ đồng/chiếc), chỉ sau mấy ngày đã được mua hết dù doanh nghiệp không bán lẻ.
Những chiếc túi Hermes luôn được xem như món phụ kiện thượng đẳng của các tay chơi thời trang.
Vì sao lại thế?
Đã đắt lại còn cực? Thế thì sắm một chiếc túi Hermes có đáng không, có bõ bèn không so với tiền bạc và thời gian mà người mua bỏ ra?
Đối với phần đa những người đã từng nghe đến túi Hermes thì Birkin hay Kelly chỉ đơn thuần là những món phụ kiện để cầm cho vui cái tay, đựng ít đồ bên trong - chẳng khác gì chức năng của bất kỳ chiếc túi nào khác trên đời này. Thế nhưng, điều khiến những chiếc túi Hermes thực sự đắt đỏ như vậy không chỉ là nhờ cái tên, nhờ chất liệu và công sức của những người thợ làm ra sản phẩm, mà đó còn là câu chuyện về một chính sách bán hàng giúp nâng tầm thương hiệu.
Cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác thời trang được làm từ bàn tay của các người thợ Hermes.
Thực tế, Hermes có rất ít xưởng chế tạo túi, đặc biệt là những chiếc túi Hermes Birkin hay Kelly, và số lượng mà mỗi xưởng này có thể chế tạo trong vòng một năm cũng là rất hiếm hoi, thường không vượt quá 2 con số. Chưa kể mỗi người thợ phải mất đến 2 năm học nghề tại Hermes và 1 năm làm thợ phụ. Số lượng người thợ có khả năng tạo ra túi Hermes vô cùng hạn chế.
Từng công đoạn như thuộc da, khâu túi, đánh bóng… đều được làm bằng tay và mất khoảng 48 tiếng để một người thợ lành nghề hoàn thành một chiếc túi. Một người thợ sẽ làm tất cả các bước để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, và điều đó khiến mỗi chiếc túi Hermes là một sản phẩm mang tính cá nhân, có một không hai, và được định giá dựa trên chính tên tuổi của người làm ra nó.
Trước đây chỉ nam giới mới được phép làm túi này, nhưng đến nay, với nhu cầu ngày càng gia tăng, Hermes đã cho phép phụ nữ được trực tiếp làm các sản phẩm của mình.
Điều đặc biệt và khác biệt ở những chiếc Hermes Birkin hay Kelly là chúng được làm một cách chính xác nhất, không có sự sai lệch dù là ở tỷ lệ rất nhỏ. Những mũi khâu được khâu một cách đặc biệt và hoàn hảo đến nỗi, cho dù người thợ trót làm đứt một mối khâu, họ sẽ phải gỡ bỏ toàn bộ những gì đã làm được và khâu lại từ đầu.
Phần quai túi được coi là phần khó nhất, đòi hỏi sự tỷ mẩn nhất. Những người thợ học nghề thường được dạy cách làm quai túi đầu tiên, bởi toàn bộ những gì học được từ việc làm quai túi hoàn toàn có thể ứng dụng vào việc chế tác các bộ phận khác. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm túi, những người thợ sẽ bắt tay vào làm phần thân túi đầu tiên.
Khác với các loại túi khác, Hermes Birkin không có lớp lót bằng lụa bên trong như thường thấy. Các phụ kiện của túi làm từ chất liệu kim loại như khóa, chìa khóa, các móc và đinh ghim đều được mạ vàng hoặc bạch kim để tránh tình trạng bị oxi hóa.
Chưa kể với từng loại da đều phải có những cách xử lý khác nhau như da bê, thằn lằn, đà điểu... Ở đây ta đề cập đến da cá sấu - một trong những biểu tượng của sự xa xỉ bậc nhất. Đây là loại da khá cứng và khó xử lý. Với một chiếc túi Hermes làm bằng da cá sấu, người thợ sẽ phải khâu "ngược", sau đó, mới lộn lại vào trong. Quá trình lộn lại rất dễ bị rách, và những người thợ làm túi Birkin, dù có tay nghề đến mấy, vẫn phải vô cùng cẩn thận với da cá sấu.
Và một trong những điều tuyệt vời khiến chiếc túi Hermes trở nên cao cấp thật sự là chế độ bảo hành tối ưu. Hermes sẽ khắc số và năm sản xuất lên từng sản phẩm bởi không có chiếc Birkin nào giống chiếc Birkin nào 100%. Đồng thời, nhằm đảm bảo tính độc quyền và hiếm có của thương hiệu, dòng Hermes Birkin chỉ sản xuất thủ công với số lượng giới hạn mỗi năm. Riêng với các phiên bản giới hạn thì chỉ những nhân vật thanh thế lẫy lừng mới có đủ khả năng sở hữu.
Ngoài ra thì một trong những điểm khiến túi Hermes không lo bị "ế" là bởi chúng khá giống vàng với kim cường, cái giống ở đây là chỉ có tăng giá chứ chẳng giảm bao giờ. Đầu tư vào một chiếc túi Hermes là đầu tư vào món hời, càng để lâu thì lời lãi càng cao.
Từng đấy lý do đã đủ để khiến bạn cảm nhận được chữ "Đáng" khi đi kèm với chữ "Đắt" của túi Hermes chưa nào?
Nguồn: BusinessInsider, PurseBlog...