Câu đố Tiếng Việt: Nguồn gốc từ "A dua" rất thú vị

Thanh Hương, Theo Phụ nữ Việt Nam 07:54 10/08/2023

Đây vốn là một từ Hán Việt.

Trong cuộc sống, chắc hẳn không ít lần bạn từng nghe đến từ "a dua". Đây là một từ mang nghĩa tiêu cực, chỉ hành động hùa theo người khác một cách vô ý thức hoặc để lấy lòng. Chẳng hạn: "Anh ta chẳng có chút kiến thức nào, chỉ a dua theo người khác nói là nhanh"; "a dua theo thời thượng";...

Tuy đã nghe hoặc đã dùng từ này trong cuộc sống nhưng bạn có biết, từ này có nguồn gốc ra sao không? Tại sao lại gọi hùa theo là a dua?

Được biết, a dua vốn là một từ Hán Việt và là biến âm của từ "a du" - 阿諛, trong đó "a" (阿) có nghĩa là "gò đống" hoặc "nương tựa", "dựa vào", còn "du" (諛) có nghĩa là "nịnh hót".

Thời phong kiến Trung Quốc, "a" được dùng đặt tên chức quan, lấy ý rằng người ấy có thể nương tựa được, dựa vào được; như "a hành" 阿衡 là chức quan nhiếp chính của Y Doãn - người có công to giúp vua Thành Thang đánh vua Kiệt, diệt nhà Hạ, dựng nghiệp nhà Thương. "Du" 諛 có nghĩa là "nịnh hót", "bợ đỡ"; như "diện du" 面諛 có nghĩa là "nịnh hót trước mặt".

Như vậy, "a du" (sau này là "a dua") có thể được dịch thuần là "dựa theo mà xu nịnh".

Trong Việt Hán thông thoại tự vị, tác giả Đỗ Văn Đáp đã giảng về từ này như sau: "A (阿): Gồ to, chỗ góc, như: Sơn a (góc núi), Thủy a (bờ sông). (A) - du (阿諛): nói nịnh không tỏ phải trái. Tính a du. A du người ta". Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng giải thích: "A du (阿諛): Hùa theo mà nịnh bợ, ta thường đọc trại thành 'A dua'; ta còn hiểu là hùa theo, bắt chước theo".

Như vậy "a dua" vốn bắt nguồn từ "a du", là một từ Hán Việt, với nghĩa ban đầu là "xu nịnh", sau mở rộng thêm nghĩa "hùa theo".

Ngoài ra, ta còn có một từ tương tự là "a tòng" vốn cũng là từ Hán Việt, viết bởi hai chữ 阿從, trong đó "a" (阿) như đã nói ở trên, còn "tòng" (從) nghĩa là "đi theo". "A tòng" (阿從) được giảng là "đua theo", ví dụ như: "Hắn chỉ a tòng theo người ta để kiếm ăn".

Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường thấy người ta dùng cả 2 từ a dua, a tòng cùng nhau để chỉ việc hùa theo. Chẳng hạn: "Đúng là cái lũ a dua a tòng", hay "chỉ a dua a tòng là giỏi",...