Cặp đôi bị ngăn cản tình yêu: Khi cha mẹ chẳng trao quyền

Khải Đơn, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 02/12/2016

Hình ảnh chàng trai khóc lóc vì bị cha mẹ lôi về nhà, dù anh nói đã đăng ký kết hôn với người vợ trẻ, hay những lời phân bua buộc tội con dâu trên báo khiến nhiều người xôn xao. Tuy nhiên, khi chúng đã trưởng thành thay vì ép buộc thì cha mẹ nên góp ý để con cái có thể tự mình lựa chọn hạnh phúc.

Đoạn clip lan truyền chỉ sau vài giờ với hàng chục ngàn lượt chia sẻ, chàng trai khóc lóc vì bị cha mẹ lôi về nhà, dù anh nói đã đăng ký kết hôn với người vợ trẻ của mình. Hình ảnh anh khóc, cha phân bua trên báo, ghim lỗi cô con dâu làm tôi nhớ lại hình ảnh cậu bé cao 1m80 ngồi sau xe đợi mẹ chở đến trường.

Hình ảnh cậu học trò cấp ba cao 1m80 ấy quen thuộc khắp các nẻo đường ở đô thị lớn ở Việt Nam. Cứ giờ tan trường, cha mẹ đứng đặc nghẹt cổng, nghển cổ chờ đứa con cao lêu nghêu của mình ra, đợi cậu leo lên xe máy và chở đến một lớp học thêm nào đó. Bạn tôi từng hỏi: "Tại sao hồi đó học lớp 5 tụi mình phải tự đạp xe đi học, mà giờ vẫn còn những đứa to cao khoẻ mạnh vậy mà còn ngồi bám váy mẹ suốt cả ngày được vậy?" Dù được sinh ra dưới một bầu trời đủ đầy vật chất không thiếu thứ gì, nhiều cha mẹ vẫn không hề trao cho con mình sự tự lập.

Bài học đầu tiên của sự tự lập bắt đầu từ những đứa trẻ biết tự mình đi đến trường, tự đạp xe, tự ý thức qua đường đôi khi nguy hiểm, tự mở lời nhờ một người lớn dắt qua đường. "Cao cấp hơn", sự tự lập là đứa trẻ biết từ chối một người lạ dụ dỗ em, biết tránh xa nơi vắng vẻ dễ bị bắt nạt, cướp giật, biết đạp xe tới lớp học thêm đúng giờ và chịu trách nhiệm về "chuyến đi" đến trường đó.

Lớn hơn một chút, sự tự lập có nghĩa là người con trai phải tự giặt đồ thay vì mặc kệ mẹ cực nhọc lôi cả đống quần áo hôi nhét đầy trong tủ ra giặt. Tự lập là bà mẹ dạy cô gái biết cách nấu ăn – chỉ để tự phục vụ chính cô trong những ngày đi học xa.

Cặp đôi bị ngăn cản tình yêu: Khi cha mẹ chẳng trao quyền - Ảnh 1.

Nhưng tất cả việc đạp xe, nấu ăn, giặt đồ chỉ là vài viên gạch rất bé nhỏ của tự lập. Lớn hơn tất cả trong việc làm cha mẹ, là trao cho con cái quyền được sống như ý con muốn và được lập gia đình hay yêu người con chọn lựa.

Rất tiếc, điều đó còn rất xa xỉ với nhiều thanh niên trẻ ở Việt Nam.

Cứ đến mùa đại học, người ta lại đọc được những lá thư đẫm nước mắt đăng trên báo mà cô sinh viên nói con không muốn làm bác sĩ nhưng cha mẹ bắt con thi y dược, tôi không thích trở thành giáo viên nhưng cha mẹ bắt phải thi vào sư phạm. Tôi còn nhớ, hồi đó, khi lớp tôi ngồi bên đống lửa trại, quá nửa số bạn bè thú nhận họ đã cãi lời cha mẹ đi thi báo chí, một số bạn còn "lừa" cả cha mẹ để thi vào ngành mình muốn. Quyết định đầu tiên và quan trọng nhất trong đời là nghề nghiệp, nhưng quá nhiều cha mẹ chẳng dũng cảm trao quyền cho con.

Ai học suốt 4 năm vật lộn với cái nghề cha mẹ muốn con không? Ai sẽ sống dằn vặt suốt đời vì không thể làm được nghề mơ ước? Ai sẽ tiếp tục phải tiêu phí bốn năm trời tiếp theo của tuổi trẻ để học lại cái nghề nó muốn – sau khi thoả nguyện cha mẹ? – Câu trả lời rất đắng là con – là đứa trẻ được uốn nắn bởi quá nhiều tình yêu nhưng thiếu sự trao quyền và dũng cảm của cha mẹ.

Và rồi, khi câu chuyện hai bạn trẻ Trần Đức Linh và Huỳnh Minh Thương trở nên ồn ào, với cảnh hai bạn bị cha mẹ chia lìa, và bạn trai khóc trong clip khi bị lôi đi, hàng chục ngàn bạn trẻ khác đã quan tâm với rất nhiều ý kiến qua lại. Hoá ra chẳng phải chỉ có chuyện thi đại học, mà cả chuyện vợ chồng, yêu đương, biết bao người trẻ khác cũng đang gặp phải những tâm sự chẳng khác gì Thương và Linh, có khác thì chắc là... kém phần kịch tính hơn.

Những mùa Tết xuất hiện với bao nhiêu bạn gái than phiền cha mẹ ông bà xúm vào hỏi "chừng nào cưới chồng", hoặc những chàng trai phải vò đầu bứt tóc vì mẹ chê "bạn gái nhìn không khoẻ lắm", hay cha bảo: "Nó chẳng có nghề ngỗng gì". Mọi yêu thương đều có lý, mọi bình phẩm đều là vết cứa đau mà đứa con chẳng thể nào phản kháng. Hoá ra dù đã 20 tuổi, đã ra trường, đã có nghề, rất nhiều cha mẹ vẫn không chấp nhận trao cái quyền tự lập ấy vào bàn tay con cái mình.

Họ chê bạn gái của con kém, cười vào mặt bạn trai của con nghèo, họ cho mình quyền quyết định lễ cưới to hay nhỏ, mời 60 bàn hay 100 bàn, họ tự mời họ hàng bạn bè như ý họ, họ bình phẩm và không chấp nhận váy cưới màu xanh, comple màu trắng. Hai con người trẻ yêu nhau bước tới bàn thờ gia tiên để thề ước hôn nhân – hoá ra vẫn chỉ là những thằng trẻ con không có quyền tự lập.

Hệt như cậu trai 1m80 ngồi sau lưng mẹ chờ đón giờ học thêm, rất nhiều cha mẹ ứng xử với nghề nghiệp và cuộc hôn nhân của con cái mình như thể đó là... cuộc hôn nhân của họ.

Hệt như chuyện của cặp đôi Linh và Thương, cô gái bị cáo buộc không có học vị, đòi cưới đúng ngày giỗ, cha mẹ không vừa lòng. Còn hai bạn trẻ, họ đã làm giấy kết hôn, đã tìm nhà ở trọ, đã sắp có em bé, và đã có công việc tự nuôi sống bản thân. Nhưng chưa đủ, họ không có quyền được làm đám cưới vì yêu cầu từ phía nhà cha mẹ chàng trai.

Nói đến đây, sẽ có ý kiến bảo rằng nếu nó khôn ngoan, tôi chẳng lo, nhưng con tôi khờ dại, tôi phải lo tất cho nó. Nhưng nếu một cậu bé được chở đi học suốt 12 năm trời, nó liệu có biết kẻ nào đang dụ dỗ nó nếu đi học về một mình không? Nếu một thằng con trai được mẹ cặm cụi giặt đống đồ bẩn trong tủ suốt 12 năm trời, nó có biết phải ủi quần áo trong ngày đầu đi xin việc không? Nếu một đứa trẻ đến cả nghề nghiệp cũng cha mẹ chọn giùm, thì có biết "yêu nghề" là khái niệm xa xỉ gì không? Xa hơn, nếu chọn giùm luôn vợ/chồng cho con cái mình, liệu cha mẹ có sẵn sàng ăn đời ở kiếp cùng cuộc hôn nhân bất hạnh mà đứa con phải chịu không?

Cặp đôi bị ngăn cản tình yêu: Khi cha mẹ chẳng trao quyền - Ảnh 2.

Mọi đứa trẻ đều lớn lên. Mọi chú chim đều rời tổ. Mọi đôi cánh đều phải bay, và mọi con người chẳng thể sống thay nhau đời của người khác – kể cả con cái mình.

Nếu cha mẹ hiểu rằng ngày nó lui cui đạp xe đến trường và cha đi theo canh chừng nó, thì sẽ chẳng có đứa con trai khờ khạo đứng cổng trường chờ mẹ đón học suốt 12 năm. Nếu họ hiểu rằng nó sẽ phải sống cả đời với nghề nó chọn, thì thay vì chửi như tát nước bắt nó ngồi khóc điền vào phiếu dự thi, thì đã bỏ công dắt nó đi hỏi thầy cô, người làm nghề để nó biết chọn nghề gì vào đời. Nếu cha mẹ hiểu mình sẽ không thể yêu thay con, cưới thay con, hoặc tệ nhất là đẻ thay con, thì lẽ ra phải dạy nó yêu lấy thân thể nó, yêu một người và tự chịu trách nhiệm về cuộc hôn nhân mà nó chọn, chứ không phải ngồi càu nhàu sao con gái ế rồi mãi chẳng có chồng, hay xông vào nhà lôi cổ con trai về vì chẳng vừa ý với con dâu.

Mọi chú chim đều bay, tình yêu cũng vậy, giữ chặt nó trong lòng bàn tay, nó chỉ chết ngạt trong tay người.

Cặp đôi bị ngăn cản tình yêu: Khi cha mẹ chẳng trao quyền - Ảnh 3.

Sẽ đến một lúc, người làm cha mẹ phải lùi lại để con tự cắn bút chọn trường đại học, tự khóc lóc đau khổ vì yêu. Nhưng đó là chọn lựa của con – là cuộc đời nó – nơi nó đã sống và trải nghiệm – chứ không phải lầm lũi giận dữ sống thay cho những tham vọng dang dở hay ước mơ méo mó của bậc làm cha mẹ.