Cảnh "gà trống nuôi con" của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn

Toàn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 08/11/2016

Từ ngày vợ qua đời, một mình ông Phương gà trống nuôi con. Ngày cô con gái bước vào đại học, cũng là lúc gánh nặng trên vai người đàn ông ấy thêm phần nặng nhọc. Suy nghĩ mãi, rồi ông quyết định dùng tiếng đàn của mình để nuôi sống hai cha con giữa chốn phố thị.

Đèn đỏ, mọi người dừng xe lại, bên tai bỗng nghe tiếng nhạc lúc trầm lúc bổng của người nghệ sĩ già bên vệ đường. Ông ngồi đó, tựa mình vào chiếc xe máy đã tàn theo năm tháng, đôi tay lướt nhẹ trên những dây đàn, và thả mình theo âm nhạc...

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 1.

Người nghệ sĩ già trên đường phố Sài Gòn.

Gà trống lầm lũi nuôi con

Nghệ sĩ đàn Guitar Hawaii (hạ uy cầm) Trần Vĩnh Phương (69 tuổi) sinh ra tại Bình Định. Năm 1968 ông rời quê hương để vào Sài Gòn lập nghiệp. Cả tuổi trẻ ông trải qua rất nhiều thăng trầm với nghệ thuật, chính ông tự nhận mình là người ngoài hành tinh, không ai có thể quản thúc được.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 2.

Ông Phương có một thời gian dài gắn bó với mảnh đất Sài Gòn.

Thế rồi sau rất nhiều biến cố, ông cũng lập gia đình với một người phụ nữ ở Long An và dừng chân tại mảnh đất Bến Lức. Vài năm trước, người vợ không may bị đột quỵ, ông Phương đã bán gần hết những thứ có giá trị trong gia đình để lo chạy chữa thuốc men. Nhưng bà cũng không qua khỏi.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 3.

Vợ ông qua đời đã tròn 3 năm.

Gạt đi nỗi buồn, ông Phương cố gắng dành hết tình thương của mình cho người con gái. Gà trống nuôi con, người đàn ông lầm lũi từng ngày chăm lo cho cô con gái đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Không phụ lòng cha, con gái ông Phương đã nỗ lực thi đậu vào trường Đại học sư phạm TP.HCM.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 4.

Con gái ông Phương đã đậu vào khoa sư phạm mầm non của trường Đại học sư phạm TP.HCM.

Mừng thì mừng thật đấy, nhưng nỗi lo lại càng nặng trĩu trên đôi vai người cha già. Học đại học trên thành phố tốn rất nhiều khoản chi phí, và ông Phương cũng đã lớn tuổi, chuyện trang trải cuộc sống và học tập cho con là một bài toán không đơn giản.

Sau nhiều lần suy nghĩ, ông Phương quyết định sẽ lên Sài Gòn vào mỗi buổi tối để biểu diễn đàn guitar trên đường phố nhằm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, vì sợ con gái mặc cảm với bạn bè, ông vẫn còn chút lưỡng lự.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 5.

Ban đầu ông sợ con gái sẽ mặc cảm vì công việc của mình.

Ông kể: "Hôm đó tôi nói với con gái rằng:

- Ba tính sẽ đi biểu diễn guitar trên đường phố để kiếm thêm thu nhập. Thật ra nếu ba nhận đi đàn cho các đám ở quê thì cũng có tiền, nhưng việc đó không đem lại cho ba nguồn cảm hứng, làm việc mà không có đam mê, không có cảm hứng thì sẽ gây ức chế, có khi ảnh hưởng đến cả sức khỏe. Vậy con có cảm thấy ngại với bạn bè khi ba làm công việc này hay không?

Lúc đó con tôi quay sang trả lời:

- Ba nghĩ sao mà hỏi con như vậy? Ba sợ con xấu hổ với bạn bè khi ba làm công việc này sao?

Ngừng giây lát rồi con gái tôi nói tiếp:

- Có thể người khác cho rằng công việc của ba là thấp kém, nhưng với con, con luôn tôn trọng những quyết định của ba. Con tin là trước khi quyết định điều gì ba cũng đã tính toán suy nghĩ rất kỹ rồi. Ba cứ yên tâm, dù ba làm bất cứ công việc gì con cũng sẽ ủng hộ.

- Điều thứ hai con muốn nói với ba là bạn bè của con đều là những đứa có điều kiện, nhà nó có thể giàu hơn con, nhưng đôi khi nó vẫn ganh tị với con vì cha mẹ nó chỉ cho nó tiền mà không có thời gian quan tâm chăm sóc nó. Có thể con không có nhiều tiền để tiêu xài, nhưng con vẫn được đi học, vẫn không đói, và có ba luôn quan tâm chăm sóc, như vậy là đã quá đầy đủ để gọi là hạnh phúc rồi".

Ông Phương hào hứng nói với tôi rằng sau khi nghe con gái chia sẻ những điều ấy, ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, chiều hôm đó ông chạy xe từ Bến Lức lên khu vực nhà thờ Đức Bà để biểu diễn buổi đầu tiên. "Trong túi tôi còn đúng 50.000 đồng. Tôi đổ xăng hết 30.000 đồng, và còn lại vỏn vẹn 20.000 đồng để dằn túi. Thế mà tôi vẫn không hề lo ngại, vẫn hào hứng đi biểu diễn" - ông tâm sự.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 6.

Và thế là ông chính thức bước vào nghiệp diễn của mình với cây đàn Guitar Hawaii.

Còn một khán giả đứng nghe, tôi sẽ vẫn còn biểu diễn

"Kể từ đêm đầu tiên, tôi diễn liên tục trong 161 ngày, không nghỉ ngày nào. Đến ngày thứ 162 thì trời đổ mưa, không thể đi diễn được. Nằm ở nhà mà không thể nào nhắm mắt ngủ được, cứ trằn trọc, nhớ phố, nhớ đàn, nhớ khán giả, rồi thấy như thiếu điều gì đó rất quan trọng trong cuộc sống của mình" - người nghệ sĩ già trầm tư.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 7.

Được biểu diễn là một trong những niềm hạnh phúc nhất của ông Phương.

Những bản tình ca da diết của Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9 hay những ca khúc thấm đẫm triết lý của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên du dương hòa lẫn với âm thanh của phố phường tạo nên một cảm giác hoàn toàn khác lạ với những bản thu hay những bài biểu diễn của các nghệ sĩ trong phòng trà sang trọng.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 8.

Người dân dừng đèn đỏ, cũng được lắng mình vài giây với tiếng đàn của ông Phương.

Ông Phương nói rằng ông chọn Guitar Hawaii là vì với riêng ông cây đàn này có khả năng giúp người nghệ sĩ trải hết những nỗi lòng của bản thân. Sống gần 70 năm cuộc đời, trải qua quá nhiều những thăng trầm, trắc trở, ông Phương thấm thía từng giai điệu của mỗi ca khúc vang bóng một thời. Ông tâm sự: "Ngày còn trẻ nghe nhạc Trịnh cảm thấy hay, thấy thích, nhưng không thể hiểu hết được ý nghĩa của những ca khúc đó. Phải trải đời, phải vấp ngã rồi ta mới hiểu hết được".

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 9.

Lần nọ, sau khi kết thúc phần biểu diễn nhạc khúc "Buồn ơi chào mi" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông Phương bỗng giật mình khi có một cô gái trẻ chạy đến ôm chầm lấy ông. Cô gái gọi ông là "bố" xưng mình là "con", rồi cảm ơn ông Phương vì đã cho cô được thưởng thức một màn trình diễn lay động cảm xúc đến thế. "Âm nhạc nó có sức mạnh kết nối những con người xa lạ với nhau" - người nhạc công tâm sự.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 10.

Âm nhạc và con gái là hai điều quan trọng nhất cuộc đời ông Phương.

Khi biểu diễn ông Phương không quan tâm đến việc mọi người có trả tiền cho màn trình diễn ấy hay không, mà chỉ chú tâm vào những dây đàn và giai điệu. Ông nói: "Tiền đúng là cần, nhưng với người nghệ sĩ thì cảm hứng vẫn là thứ quan trọng nhất. Tôi có thể biểu diễn đến 1h, 2h sáng nếu vẫn còn khán giả đứng nghe. Nhưng nếu ai đó đưa tiền và yêu cầu chơi một bài nhạc mà tôi không có cảm hứng thì tôi sẽ từ chối".

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 11.

Tiền là thứ rất cần cho cuộc sống của cha con ông, nhưng nó sẽ không bao giờ là thứ có thể khiến ông làm trái với đam mê của mình.

Trời về khuya, phố xá cũng dần chìm vào những khoảng lặng riêng của nó, tiếng đàn hạ uy cầm vẫn vang lên thật thi vị. Tiếng đàn của người đàn ông nặng nợ với cuộc đời, của người cha luôn tận tụy với con trẻ cứ thế khiến người ta bất chợt lặng mình trong giây lát giữa phố thị xa hoa.

Cảnh gà trống nuôi con của nhạc công già hằng đêm gảy đàn trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 12.

"Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua. Đường về tình tôi có nắng rất la đà. Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ. Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ" (Trịnh Công Sơn)