Mong muốn có một đôi chân dài khiến không ít bạn bất chấp mọi gian nan để tham gia vào công cuộc “cải tạo” lại cặp giò. Bắt đầu từ sự đau đớn của một ca phẫu thuật chỉnh hình lớn đến giai đoạn giam mình trong phòng kín, bắt buộc phải có người phục vụ mọi sinh hoạt. Thế nhưng, kết quả liệu có thực sự xứng đáng cho những hy sinh đáng sợ đó?
Hành trình đầy gian truân để có đôi chân dài
Các ấy biết không, phẫu thuật kéo dài chân đã xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước rồi cơ. Bên cạnh mục đích thẩm mỹ, cũng có nhiều trường hợp cần được kéo dài chân vì nhu cầu điều trị thực sự. Quá trình thực hiện sẽ được diễn ra tuần tự với các kĩ thuật bậc cao.
Đầu tiên, người bệnh được đặt một hệ thống dụng cụ ở xung quanh chân, một số cây kim sẽ được xuyên qua xương nhằm cố định các đoạn xương cần kéo dài. Sau đó, các bác sĩ sẽ cắt rời phần xương cần kéo ra. Đây là giai đoạn rất quan trọng và cực kì khó vì người thực hiện phẫu thuật phải làm sao để giảm thiểu tối đa sự tổn thương mạch máu nuôi chân của người bệnh.
Giai đoạn tiếp theo là làm lành vết mổ. Sau khi kết thúc giai đoạn
một, mỗi ngày người bệnh sẽ tiếp tục được kéo dài chi khoảng 1mm và được thực hiện
thành 4 lần, mỗi lần 1/4mm. Vậy là, cần mất 10 ngày để chân có thể tăng thêm 1cm. Tuy nhiên, để xương, cơ, mạch máu và da
có thể "mọc" theo được 1cm này thì teen sẽ phải dành hẳn 35-40 ngày nằm
hoàn toàn bất động.
Tiếp đó là giai đoạn hóa xương. Khi giữa các khoảng mặt gãy của 2 đoạn xương được kéo dãn xuất hiện các mô non gồm nhiều liên kết non (các mô này sẽ biến thành mô sụn hoặc mô xương tùy theo độ căng giãn). Sau khi vết mổ đã lành hẳn, ai có cầu xương tốt thì có thể lấy thiết bị kéo chi ra. Tuy vậy, công đoạn này cũng cần được thực hiện cẩn thận vì các vùng xương được kéo dãn dễ bị biến chứng như gãy hoặc lệch. Trung bình để kéo dài xương chân thêm 5-7cm, bệnh nhân phải mang khung cố định trong khoảng 10-12 tháng cơ.
Những biến chứng khiến teen phát hoảng
Bên cạnh việc mang lại niềm vui “thoát lùn” cho một số người, phẫu thuật kéo dài chân cũng đem đến rất nhiều phiền phức khiến người trong cuộc phải “tiền mất, tật mang”.
Trước hết là cảm giác đau đớn khi phải thực hiện cắt bỏ xương của mình.
Thử nghĩ xem, đôi chân sẽ bị cắt bớt xương, đóng đinh nội tủy rồi các cơ, mạch máu, dây
thần kinh cũng bị kéo căng theo xương. Đau đớn đó sẽ “đeo bám” trong
một thời gian rất dài.
Chưa kể đến, một số người có cơ địa nhạy cảm thì có thể bị tăng huyết áp, bứt rứt, mất ngủ, thậm chí luôn
có cảm giác căng cơ, tê liệt, khó chịu ở chân kéo.
Ngoài ra, những biến chứng như: nhiễm trùng do đinh khung kéo, trật khớp bởi kéo dài xương quá mức, lệch xương kéo, đứt đoạn canxi xương do kéo dài vượt quá quy định để đạt được chiều dài mong muốn... đều rất dễ xảy ra.
Thậm chí nhiều người tưởng đã “thoát nạn” sau khi
phẫu thuật thì vẫn có thể gặp phải những hậu quả ngay sau đó như: kéo chân nhanh
quá làm cho xương không vững; dễ va đập rồi bị gẫy xương khi đang trong quá
trình kéo giãn; biến dạng các khớp lân cận do chân được kéo dài nhưng bệnh nhân
không thể làm quen được với đôi chân mới. Biến chứng của bệnh thường vô cùng phức tạp.
Kết lại
Ước mơ sở hữu một đôi chân dài là khát vọng không chỉ của riêng ai. Tuy nhiên, ở lứa tuổi của chúng mình, khi việc phát triển chiều cao vẫn còn có thể cứu vãn được thì có thật sự là cần thiết khi chúng mình phải chịu những hậu quả, đau đớn do phẫu thuật kéo chân mang lại hay không? Teen hãy hết sức tỉnh táo và cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định "thử thách" này nha!