Chúng ta hãy bắt đầu với chuyện phim xoay quanh
Kiên,
Minh,
Hoàng. Ba cô cậu là bạn thân và sinh hoạt trong cùng Câu lạc bộ Bóng rổ của trường. Mùa hè năm lớp 11,
Kiên bất ngờ thổ lộ tình cảm “đặc biệt” với
Minh nhưng bị cô bạn từ chối. Thế là anh chàng bỏ về quê ở ẩn!
Hoàng – cậu bạn thân của
Kiên quyết định “khăn gói quả mướp” đi tìm bạn; trước hết là vì quan tâm, sau là vì đội bóng của họ sắp sửa đấu một trận quan trọng không thể thiếu đội trưởng (
Kiên).
Minh lúc này cũng xin đi cùng để giải quyết “họa” do mình gây ra. Kết quả cuối cùng chính là
Dành cho tháng Sáu - bộ phim mà teen không nên bỏ lỡ.
"Dành cho tháng Sáu" - cho những gì trong sáng nhất...Thời hoàng kim cho những bộ phim trong sáng dành cho teen, kể cả trên truyền hình cũng đã là quá khứ nhiều năm về trước. Phim Việt ngày nay chỉ toàn người mẫu chân dài, cảnh nóng bỏng mắt hay những yếu tố hình ảnh, ngôn ngữ giật gân câu khách. Thế nên, sự xuất hiện có phần lặng lẽ, bất ngờ của
Dành cho tháng Sáu giống hệt như một ly nước cất đặt bên cạnh cả bể nước máy, giúp hạ nhiệt cho khán giả trẻ Việt vốn đang bị bội thực bởi "thế giới người lớn" trên màn ảnh.
Nhưng với một bộ phim chẳng có 3 chữ S: không Sao - không Sốc - cũng chẳng có Sex, “tay không tấc sắt” như Dành cho tháng Sáu thì lấy gì để “đi câu”?
Câu trả lời được đạo diễn
Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ trong buổi ra mắt:
“Phim tôi thu hút bằng sự chân thật và đấy cũng là tiêu chí sáng tạo của tôi. Tôi tin rất ít phim mà khi xem, khán giả có thể thấy chính mình trong đó”.
Dành cho tháng Sáu quả rất chân thật. Điều này thể hiện trọn vẹn qua từng nhân vật, từng bối cảnh phim: từ câu chuyện như chẳng có gì để nói đến những lời thoại hay cách ứng xử rất trẻ con trong cái thế giới chỉ thấy teen và chỉ cho teen. Ở đó có tình yêu, có hờn giận, có nghi kị, có tranh đấu… nhưng tất cả chỉ vừa đủ để khán giả mỉm cười. Cái cảnh "nóng" nhất của phim cũng chỉ là một cái vuốt má nhẹ của Huỳnh Anh dành cho Thiên Tú, ngay trước thềm một nụ hôn... hụt. Nhưng, như thế cũng là đủ để "cảm hóa" khán giả và khiến không ít người đỏ mặt quay đi như cô nàng nhân vật chính rồi.
Đối với những người còn cắp sách tới trường,
Dành cho tháng Sáu là tấm gương soi để chúng ta thấy bản thân mình hiện tại cùng những buồn vui tuổi học trò. Còn với những thế hệ trưởng thành hơn đã rời xa tà áo trắng, bước theo phim là từng nhịp lần hồi về quá khứ, tìm lại từng chút từng chút một những năm tháng tuổi thơ, như khi họ cầm lên tay và đọc lại thật chậm rãi câu chuyện
Doraemon du hành cùng cỗ máy thời gian đến bên
Nobita vậy.
Khi đắm chìm trong thế giới ấy, cái thắc mắc Dành cho tháng Sáu là "Dành những gì cho tháng Sáu?" sẽ được giải đáp xuyên suốt 81 phút phim.
Dành cho tình bạn...
Khi trẻ bạn có thể không yêu nhưng không thể không có bạn. Lý thuyết trên luôn đúng với tuổi học trò. Bởi thế, tình bạn là yếu tố không thể thiếu được trong bất cứ một bộ phim học đường nào. Và thật mừng là Dành cho tháng Sáu có tất cả những gì mà bạn muốn có để định nghĩa "Thế nào là tình bạn?".
Sự phũ phàng của Minh khi từ chối Kiên bắt đầu từ một tình bạn mà cô nàng chẳng hề muốn nó bị đổi thay; những quan tâm lo lắng thôi thúc Hoàng và Minh lên đường tìm về quê Kiên cũng là vì tình bạn đang lành sẹo sau những rạn vỡ. Câu chuyện về người anh họ vùng cao của Kiên là nuối tiếc một tình bạn đẹp từ quá khứ; Câu chuyện của Phong với cậu bé con cùng chơi bóng rổ trong buổi tối tập luyện một mình lại là tình bạn mới bắt đầu bằng niềm đam mê...
Trong thế giới nhỏ bé của Dành cho tháng Sáu, tình bạn là sợi dây kết nối tất cả mọi người.
Dành cho tình yêu học trò...
Tình yêu học trò giống như trang giấy trắng. Người lớn cho rằng giấy thì dễ rách, tình cảm này cũng chỉ là thoáng qua, hời hợt, nông cạn… Thế nên họ e ngại, chỉ trích, cấm đoán - chung quy cũng chỉ vì muốn bảo vệ con mình khỏi tổn thương. Nhưng thực chất, ai trong đời học trò mà chưa từng thích một người, dù chỉ là thích thầm? Và như vậy ta biết, tình yêu học trò mong manh như giấy nhưng cũng trắng như vậy – màu trắng của sự ngây thơ, vụng về mới lớn… chỉ cần ta giữ mình đúng mực.
Tình yêu mà Kiên dành cho Minh ngây ngô lắm: hạnh phúc lúc bên cạnh, nhung nhớ khi không gặp, chút lãng mạn vụng về, cả cách anh chàng giận dỗi vì bị chối từ cũng thật trẻ con. Nhưng vì thích Minh mà Kiên nỗ lực hơn, để chơi bóng và học “theo” Minh, như lời anh chàng bộc bạch: “Cái Minh học trường nào thì tao học trường ấy”. Đó là điểm sáng trong trẻo của mối tình thời còn cắp sách đến trường mà chúng ta phải trân quý.
Dành cho những đam mê...Mỗi người sống đều có đam mê và tuổi trẻ chính là quãng thời gian bộc lộ rõ ràng nhất. Mượn bóng rổ là cái cớ,
Dành cho tháng Sáu kể câu chuyện về 2 chữ "đam mê" ấy. Những giọt mồ hồi khi luyện tập, ý chí quyết tâm "hạ bệ" đối thủ, can đảm ra sân với đội hình bất lợi, kiên nhẫn chống đỡ đến phút cuối cùng của
Phong, của
Hoàng, của toàn đội; hay như lúc trách nhiệm thức tỉnh trong
Kiên... Tất cả đều là minh chứng rất chân thực.
Và mặc dù nói chỉ mượn bóng rổ để phát triển tính cách nhân vật và tình tiết phim, ê-kíp thực hiện Dành cho tháng Sáu vẫn đầu tư rất công phu vào những trường đoạn sôi động trên sân bóng. Có lẽ việc đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn từng là tay chơi bóng rổ "xịn" thời trung học đã giúp anh quay dựng những phân đoạn thi đấu rất "nuột" ở đầu và cuối phim. Thể thao trong Dành cho tháng Sáu đủ hấp dẫn để có bạn tuyên bố rằng: "Đây là lần đầu tiên tớ... không ngủ gục khi xem bóng rổ!". Truyền lửa trong mình cho người khác - ấy cũng là 1 biểu hiện của "đam mê".
Và góc dành cho điện ảnh...
Dành cho tháng Sáu giống như một bức tranh đẹp, một bản nhạc hay, nó tìm kiếm sự đồng điệu về cảm xúc với khán giả hơn là chinh phục người xem bằng cấu trúc nhịp hồi thường thấy trong điện ảnh. Cái đáng khen hơn cả ở tác phẩm này chính là việc nó đem đến cho khán giả một cái chất rất Việt Nam - và chỉ Việt Nam mà thôi.
Xuyên suốt bộ phim là những góc quay đẹp trong không gian rộng, mang đậm chất nhiếp ảnh với màu sắc rực rỡ như thu gọn cả một mùa hè trong ấy. Bối cảnh của
Dành cho tháng Sáu trải dài khắp các miền quê Bắc bộ: từ thủ đô Hà Nội với cuộc sống sôi động nhộn nhịp tới mảnh đất Thái Nguyên vùng cao tĩnh lặng chậm rãi. Màu xanh mướt của cây cỏ dưới ánh nắng vàng, dưới bầu trời trong veo là vẻ đẹp Việt thuần khiết nhất.
Ở một khía cạnh khác, âm nhạc là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của phim. Đây là phim Việt Nam hiếm hoi thật sự đầu tư vào phần nhạc phim sau loạt phim truyền hình
Bỗng dưng muốn khóc,
Ngôi nhà hạnh phúc hay phim điện ảnh
Hot boy nổi loạn, nếu không muốn nói là có phần "chất" hơn hẳn. Ngoài việc mời được nhà soạn nhạc người Pháp
Guillaume Vetu đảm nhận sáng tác chính, việc bản thân đạo diễn
Nguyễn Hữu Tuấn cũng là người sành về âm nhạc góp công sức không nhỏ, mang đến sự "hợp rơ" cho yếu tố nhạc phim. Các rock band như
Re-Cycle,
Smallfire,
K.O.P,
Gạt Tàn Đầy tiếp tục mang nét Việt vào tác phẩm bằng những ca khúc
Vượt qua,
Tháng Sáu (
Re-Cycle),
Em về giữa mênh mông đất trời (
K.O.P)...
Diễn xuất của ba diễn viên chính có thể nói là khá ổn. Trước khi xem phim, khán giả chỉ chú ý đến hot boy Huỳnh Anh và “ngọc nữ” Thiên Tú – hai người đã có kinh nghiệm diễn xuất đáng kể. Tuy nhiên, Quốc Trung với cách diễn tỉnh queo pha chút ngố ngố tếu tếu mới là người để lại nhiều cảm tình nhất cho khán giả khi bước ra khỏi rạp. Huỳnh Anh với nhiều đất diễn nhất thể hiện khá tròn vai hình mẫu một hot boy học đường. Còn Thiên Tú, cô bạn đặc tả được nét vô tư, thoải mái của một nàng “nam tính”, mê thể thao, năng động, hòa đồng với con trai…
Và có lẽ nhờ ê-kíp làm phim đều trẻ trung xì-tin nên phần thoại cũng được xử lý cực ổn! Cách đối đáp có tí láu cá giữa mấy cậu con trai, ngay cả chất giọng không kém phần “men-lỳ” của Minh đều ra chất "thứ ba học trò" đất Việt. Và bạn cũng đừng quên tập trung lắng nghe lời 2 bình luận viên của trận thi đấu cuối phim, bảo đảm “cười banh họng”!
Dĩ nhiên, Dành cho tháng Sáu vẫn phải nhận một vài điểm trừ ở việc nhiều cảnh phim bị “out” nét gây cho khán giả cảm giác giống như… mắt mình bị tật khá khó chịu. Không rõ đây là ý đồ hay chỉ là “tai nạn”? Bên cạnh đó, việc đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn quá "tham" trong việc sử dụng âm nhạc dẫn đến hậu quả không tránh khỏi là có những khi khán giả bị giai điệu dẫn dắt cảm xúc. Đây vốn không phải là điều được khuyến khích trong điện ảnh. Ngoài ra, mạch phim đều do thiếu các nút thắt cao trào và kết thúc khá "cụt" cũng là những cái chưa đạt ở phim.
Dù sao thì
Dành cho tháng Sáu vẫn mở ra trong tâm hồn khán giả mảnh ký ức trong veo về thời cắp sách. Có lẽ từ lâu lắm rồi, người xem Việt Nam luôn chờ đợi một tác phẩm học đường đúng nghĩa như thế. Hơn cả, cái chân thật của
Nguyễn Hữu Tuấn mang đến một bộ phim đậm chất Việt chứ không phải những cái "hài kiểu Mỹ" của
Cưới ngay kẻo lỡ hay "hành động Trung Hoa" của
Thiên mệnh anh hùng... Thế nên, dù hay dù dở, dù thích dù không, đây vẫn là một tác phẩm bạn cần biết đến.