Không chỉ trên lĩnh vực phim truyền hình mà ngay cả phim nhựa, tình trạng thiếu thốn về trang phục vẫn “hoành hành” không có dấu hiệu chấm dứt. Khán giả Việt đã không ít lần “dở khóc dở cười” khi phải chứng kiến những nhân vật mặc độc 1 bộ trang phục xuyên suốt phim hay việc diễn viên mặc một áo “chạy” 2-3 tác phẩm diễn ra trên màn ảnh. Đặc biệt trong các bộ phim truyền hình dài tập thì tình trạng này diễn ra như cơm bữa, hoặc dù rất cố gắng nhưng ta vẫn thấy cách tập lại lặp trang phục 1 lần (!).
Có đủ thì cũng… chưa đẹp!
Trong những năm gần đây, khi làn sóng phim ngoại và đặc biệt là phim Hàn Quốc du nhập vào thị trường Việt Nam, yếu tố trang phục trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu ở phim Hàn, với nội dung rất teen và bối cảnh đẹp long lanh thì trang phục lung linh rực rỡ là một chuyện rất phù hợp. Thế nhưng, với những bối cảnh hết sức sơ sài và có phần hơi… quê ở phim Việt, thì trang phục lòe loẹt là chuyện không thể chấp nhận được.
Trang phục của Lê Kiều Như và Nguyên Vũ trong Những Cuộc Tình Trắng Đen bị chê là quá... "lỗi mốt"
Rất nhiều diễn viên và đoàn phim đã khiến khán giả phải… bó tay khi nhân vật là dân quê chân chất nhưng lại diện áo lửng quần ngắn bó sát như dân chơi thứ thiệt, hay những tiểu thư con nhà giàu thì lại diện những trang phục quá phản thời trang. Những phim dành cho teen thì thậm chí còn làm khán giả hoảng hốt hơn. Teen chúng mình còn trong độ tuổi đi học nhưng váy ngắn, quần cộc, áo hai dây… được trưng dụng hết cỡ!
Huyền Diệu trong Cô Gái Xấu Xí xấu toàn tập kể cả khi đã "đẹp lên" ở cuối phim
Cô Gái Xấu Xí gây phản cảm về trang phục hở hang của nhân vật Phương Trinh ở chốn công sở
Như Dốc tình (sản xuất năm 2003) được nguyên cả một hãng thời trang danh tiếng của Việt Nam tài trợ trang phục nhưng vẫn khiến khán giả “đau mắt” vì những mẫu mốt quê mùa, lạc hậu thậm chí không phù hợp với nhân vật đến nỗi chính đạo diễn phim phải phàn nàn. Hoặc như những bộ phim học đường bắt chước theo mốt Hàn Quốc, liền thiết kế riêng những mẫu đồng phục cho các nhân vật. Những tưởng điều này sẽ gây được ấn tượng đẹp trong mắt các teen. Nhưng không, hầu hết chúng đều quá đỗi lạ lẫm và xa rời thực tế khi phải mặc váy chạy xe đạp, đi tất giữa trời mùa hè nóng bức hay thậm chí chỉ đơn giản là… quá xấu.
Trang phục của Những Thiên Thần Áo Trắng quá xa rời thực tế
Đi tất dài không kể thời tiết
Mặc váy ngắn mà chạy xe đạp thoải mái luôn?
Thậm chí ngay cả trong những bộ phim điện ảnh chiếu rạp, với những con số khổng lồ trong phần kinh phí đầu tư, cũng không nằm ngoài trường hợp này. Không ít những phim mang yếu tố rùng rợn ma quái chơi đi chơi lại mốt… trùm chăn, nhân vật ăn mặc đồ như quấn tấm vải đen quanh người hay những bộ trang phục quá đỗi giản đơn, không hề xứng tầm với số tiền đã được bỏ ra khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm.
Hay những trang phục quá đỗi bất hợp lý cho những hồn ma trong Bóng Ma Học Đường
Nguyên do nằm ở đâu?
Đầu tiên phải kể đến chính là kinh phí. Phần lớn mọi người, ai nấy đều nghĩ rằng đã làm phim là phải… nhiều tiền. Nhưng không, một sự thật rất hiển nhiên là hầu hết các bộ phim truyền hình đều được khoán “một cục” chỉ vừa đủ làm phim, nếu như phải chi thêm cho phục trang thì e rằng khó lòng xoay xở.
Lập Trình Cho Trái Tim bị lên án là mặc nguyên áo phông, quần bò đi ngủ
Và nếu không được tài trợ thì dĩ nhiên là diễn viên sẽ tự lo trang phục cho nhân vật của mình. Bi hài ở chỗ là thông thường thì diễn viên sẽ luôn nghĩ tới mình trước khi nghĩ tới nhân vật. Nếu không trang trải nổi kinh phí hay cát-xê quá thấp thì dĩ nhiên họ sẽ chọn những bộ trang phục sơ sài nhất và mặc đi mặc lại. Nếu mạnh về kinh tế thì họ lại luôn lo lắng tới hình ảnh của mình trước tiên và kết quả là lên phim, dù giàu hay nghèo, dù sướng hay khổ, thì ta vẫn cứ phải… mặc đẹp thật đẹp để đảm bảo độ “ăn hình” và hút fan.
Một bộ phim giả có được nhãn hàng nào đó tài trợ trang phục thì điều trước tiên họ nghĩ đến là phải lăng xê những mẫu thời trang mới nhất trong năm, hay những bộ cánh “nát” mà họ cần quảng bá để… bán cho nhanh (!). Nếu may mắn hơn nữa là được nhà đầu tư chi thêm kinh phí cho trang phục thì các nhà làm phim cũng chưa thực sự coi trọng yếu tố này hoặc con mắt thẩm mỹ quá tồi dẫn tới những “thảm họa trang phục” trên phim Việt.
Bộ Tứ 10A8 được cho là "điểm sáng" vì sở hữu những bộ đồng phục khá gần gũi với teen
Lời kết
Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả những bộ phim Việt đều nghèo nàn về trang phục. Những năm gần đây, yếu tố trang phục trong phim cũng đã có những khởi sắc vô cùng đáng mừng. Đơn cử là những phim điện ảnh như Bẫy Rồng, Những Nụ Hôn Rực Rỡ, Để Mai Tính, Cô Dâu Đại Chiến… đều đã đạt được thành công vang dội với những thước phim quá đẹp, có sự góp phần không nhỏ của yếu tố phục trang. Hy vọng rằng các nhà làm phim sẽ ngày một chú trọng đến yếu-tố-không-thể-thiếu này hơn nữa, nhặt ra được những “hạt sạn” không đáng có trong tác phẩm của mình để khán giả Việt có thể tự hào về nền điện ảnh nước nhà.