Xóm mất xăng
Ngày 18/5, chúng tôi tìm đến xã Bình Phong Thạnh. Cách UBND xã chừng 50 m, chúng tôi rẽ trái đi tiếp quãng đường đất quanh co dài khoảng 8 km với 7 cây cầu các loại thì đến khu vực Thạo cư ngụ. Dừng hỏi thăm trước một căn chòi nhỏ ven đường, chúng tôi được một cụ già ngoắc tay mời vào trò chuyện. Ông xưng là Lê Văn Thôn, 75 tuổi, thổ địa vùng này từ năm 1984. Ông nói: “Thằng Thạo câm nó sục sạo khắp nơi ăn cắp xăng. Cả xóm này ai cũng “đụng” nó hết. Mỗi bận nó gom từ mấy xị đến hơn 1 lít để uống”.
Xích trói để cháu bớt bị đánh
Chúng tôi gặp cha của Thạo, ông Sáu Bùa - một người cũng bị khuyết tật về thính giác. Nếu như Thạo hoàn toàn câm điếc thì ông Sáu Bùa còn nói lắp được vài câu. Và một trong những câu tôi nghe được từ người đàn ông này là: “Tao bỏ nó từ lâu rồi, ai muốn bắt nó thì bắt đi!”.
Căn nhà của bà cháu Thạo ẩn mình trong đám cây và dây leo dại um tùm, chơ vơ giữa cánh đồng mênh mông. Khi đến nơi, chúng tôi thấy Thạo đang ăn cơm trong chòi lá bên hiên nhà, sau khi đã trút bỏ bộ đồ lem luốc, ướt nhẹp sình lầy. Cậu bé đã 16 tuổi nhưng người nhỏ choắt. Bữa ăn của Thạo sơ sài đến chạnh lòng: một nồi cơm nguội cạn đáy, bên trong có hai trái chuối nhỏ còn nguyên vỏ cùng chén mắm sống bốc mùi...
Bà Hồ Thị Sáu, 81 tuổi, bà nội của Thạo mếu máo kể: Thạo là đứa con duy nhất của Sáu Bùa với người vợ trước. Khi em còn đỏ hỏn, mẹ Thạo đã bỏ nhà đi biệt. Cha của em lấy vợ mới, sống riêng. Từ 8 tháng tuổi đến nay, em sống với bà nội và mang họ của bà - Hồ Văn Thạo. Do câm điếc và nhà nghèo nên Thạo không được học hành. Hiện Thạo sống với 7 người thân đủ các thế hệ trong căn nhà tuềnh toàng này, trong đó đa số bị bệnh - chủ yếu là thiểu năng trí tuệ.
Sợ cháu mình bị liên lụy, chần chừ lắm bà Sáu mới thừa nhận chuyện Thạo uống xăng: “Tối ngày nó đi ngoài động (ruộng) lấy cắp xăng của người ta uống. Có hôm nó bị đánh, bị ném xuống kênh. Người ta còn đến nhà chửi mắng. Tui sợ nó đi uống bậy, lại bị đánh đập nên xích trói nó chừng 4-5 ngày. Mới hôm qua, nó bứt dây trốn đi”.
Trường hợp hiếm gặp
Đây là một trường hợp hiếm gặp ở trong nước cũng như trên thế giới. Về chuyên khoa tâm thần thì người ta xếp vào chương F98 - ICD10 (bảng phân loại bệnh quốc tế) về các rối loạn không đồng nhất ở một số mặt, trong đó đề cập đến vấn đề rối loạn ăn uống xảy ra ở trẻ em (F98.3 - ICD10).
Em Thạo bị chậm phát triển tâm thần kèm theo chứng tự kỷ và rối loạn hành vi mang tính chất bệnh lý tâm thần rõ rệt như: Lấy các đồ vật (radio, điện thoại, đèn pin…) rồi đem đập nát. Mặt khác, Thạo còn bị câm điếc mang tính chất di truyền vì có cha cũng bị câm điếc, có một số người bên nội cũng bị thiểu năng trí tuệ. Theo nhận định của tôi, có thể Thạo có thói quen nghiện uống xăng từ nhỏ nhưng do mọi người không để ý mà thôi. Có chăng, thời thơ ấu, Thạo đã mắc chứng rối loạn ăn uống rồi (có thể là một thứ khác không phải là xăng?), cho nên cần phải được tìm hiểu thêm.
Như chúng ta đều biết, ăn hoặc uống một chất mang tính chất độc hại, không có chất dinh dưỡng, nhất là xăng thì đương nhiên là nguy hại cho chính bản thân người sử dụng. Nguy cơ phá hủy các cơ quan nội tạng trong cơ thể là quá rõ vì trong xăng có chứa chì (Pb) tác hại trực tiếp đến gan, thận và hệ thần kinh trung ương…
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang
(Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM) |