Kết thúc phiên xử phúc thẩm: Lê Văn Luyện vẫn giữ án 18 năm tù

Hồng Nhung ; Ảnh: Thế Dương, Hoàng Sơn, Theo Trí Thức Trẻ 06:46 30/03/2012
Chia sẻ

Không bằng lòng với lời tuyên án cuối cùng trên, gia đình nạn nhân quyết sẽ kháng án một lần nữa lên Tòa án Nhân dân tối cao!

Hôm nay ngày 30/3/2012, phiên tòa xét xử phúc thẩm sát nhân Lê Văn Luyện đã diễn ra trong cả hai buổi sáng chiều tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang. Hai tháng trước, ngày 10/1, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Luyện – thủ phạm gây ra vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang). Bị cáo Lê Văn Luyện bị tuyên phạt 18 năm tù (mức án tổng hợp 3 tội danh mà Luyện gây ra gồm: "Giết người" 18 năm tù; "cướp tài sản" 18 năm tù và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 9 tháng tù, mức dành cho người phạm tội ở độ tuổi vị thành niên); Trương Thanh Hồng 30 tháng tù; Lê Văn Miên 48 tháng tù; Lê Thị Định 15 tháng tù; Lê Thành Nghị 15 tháng tù; Trương Văn Hợp 12 tháng tù; Dương Thị Lược 9 tháng tù; buộc bồi thường cho gia đình bị hại là 1,683 tỉ đồng.

Vụ án xảy ra hồi tháng 8/2011, cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang) gồm chú Trịnh Thành Ngọc (36 tuổi), cô Đinh Thị Chín (33 tuổi) bị sát hại dã man với nhiều vết thương trên người. Bé Trịnh Thị Thảo mới 18 tháng tuổi, là con thứ hai của cô chú cũng tử vong. Chỉ duy nhất bé Trịnh Ngọc Bích, 9 tuổi, đang học lớp 3 còn thoi thóp, hoảng loạn dưới gầm giường, với nhiều vết thương trên người, cùng một bàn tay bị chém đứt lìa. Bé Bích cũng nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, sau đó phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức – Hà Nội để điều trị. Hiện tại, Bích đã đi học ở một trường quốc tế. Dù đã vượt qua cú sốc khi biết tin bố, mẹ và em bị sát hại, nhưng bé vẫn còn rất buồn.

Dưới đây là những diễn biến chính trong phiên tòa xét xử phúc thẩm Lê Văn Luyện trong ngày 30/3/2012:

5h45: Mới tờ mờ sáng, các phóng viên báo chí đã đến và trao đổi râm ran trước cổng Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang. Hàng quán hôm nay mở sớm để đón báo chí đến đưa tin về vụ án. Các chủ quán ở trên đường Hoàng Văn Thụ - nơi đặt trụ sở của TAND tỉnh Bắc Giang liên tiếp hỏi phóng viên: “Hôm nay xử là để tử hình Lê Văn Luyện phải không? Phải tử hình đi!”. Một phóng viên của một tờ báo đến từ TPHCM nói: “Hôm nay, Chủ tọa phiên tòa là những người đến từ các cơ quan tòa án Hà Nội, họ đã đến đây từ hôm qua. Hôm nay có lẽ xử Lê Văn Luyện sẽ căng thẳng hơn bởi có nhiều tình tiết đang gây nghi vấn. Vụ việc không dừng lại ở việc có tử hình Luyện hay không nữa.

Người dân đều bày tỏ hy vọng phiên xét xử phúc thẩm ngày hôm nay làm sáng tỏ được vụ án, trả lại công lý cho gia đình nạn nhân và đem lại yên bình cho người dân ở Phố Sàn nói riêng và toàn tỉnh Bắc Giang nói chung.

Những hình ảnh đầu tiên tại TAND tỉnh Bắc Giang lúc 5h48' sáng nay.




4 người trong gia đình nạn nhân cũng đã đến đứng trước cổng. Ai ai cũng thể hiện sự quyết tâm mong muốn làm sáng rõ vụ án, nỗi đau vẫn hằn rõ trên khuôn mặt họ. Trao đổi với chú Trịnh Quốc Sinh (người đại diện hợp pháp của gia đình nạn nhân, đồng thời là bác cả của bé Trịnh Ngọc Bích), chú Sinh cho biết: "Gia đình đã chuẩn bị hết ý kiến để trình bày trước tòa. Đối với gia đình lúc này, vụ án được làm sáng tỏ là điều bức thiết nhất. Bồi thường hay tử hình Luyện không phải là vấn đề nữa, Luyện là chìa khóa của vụ án. Nếu Luyện chết, nhưng vụ án vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn như hiện giờ thì cũng chẳng để làm gì. Hy vọng hôm nay Chủ tọa phiên tòa xử án thật công minh, thấu suốt để sự thật được sáng rõ nhất."









Người dân Thành phố Bắc Giang đi tập thể dục qua tòa án cũng nán lại động viên người nhà. "Đặt địa vị mình trong hoàn cảnh của gia đình nạn nhân, tôi cũng sẽ đau khổ và bức xúc như tình cảnh của gia đình hiện tại. Mong sao hôm nay những cán bộ tòa án đến từ Hà Nội có thể làm sáng tỏ vụ án này, để vụ án có tính răn đe, để người dân tin tưởng vào pháp luật hơn", một người dân nói.

Loa phường Lê Lợi (Bắc Giang) cũng điểm tin về vụ xử phúc thẩm sáng nay. Rất nhiều người dân mở radio nghe thông tin tóm lược về vụ án cũng như những tình tiết mới nhất.

Người dân Bắc Giang nghe radio tóm tắt lại tình tiết vụ án.







Loa phường đang tóm tắt lại tình tiết vụ án.

 
Clip ghi lại quang cảnh tại cổng tòa án trước giờ diễn ra phiên xử.

6h30: Công an tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các dụng cụ chắn đường xung quanh tòa án để đảm bảo trật tự, an ninh cho phiên xét xử phúc thẩm.

Cũng vào thời điểm này, người nhà nạn nhân đã đến nhiều hơn, họ cầm khẩu hiệu đòi lại công lý cho gia đình cùng tấm hình phóng to ảnh chụp thương tích của bé Trịnh Ngọc Bích. Điều này lại làm dấy lên sự bức xúc của người dân Thành phố Bắc Giang đối với Lê Văn Luyện.











Người nhà nạn nhân cầm tấm ảnh bé Bích lúc bị thương.






6h45: Đội ngũ cảnh sát cơ động tỉnh Bắc Giang đã đến đứng phong tỏa ở cổng tòa án, cũng như đã giăng lưới chắn ở khu vực xung quanh tòa án.

Người nhà nạn nhân không kìm được xúc động, đã bật khóc trước cổng tòa án, người dân xung quanh đến động viên.


















7h50: Khi người nhà của Lê Văn Luyện đến trước cổng tòa án, người nhà nạn nhân không kìm được cảm xúc của mình, đã đổ xô vào bày tỏ sự bức xúc. Gia đình Luyện chỉ biết cúi đầu trước sự giận dữ của gia đình nạn nhân.

7h30: Người nhà nạn nhân khóc, bày tỏ nỗi đau, sự mất mát quá lớn, không thể nào nguôi ngoai được. Ông nội bé Bích bức xúc nói trước tòa án về những nỗi đau về tinh thần mà bé Bích đang phải trải qua.
 
Phía ngoài, gia đình nạn nhân kêu khóc đòi công lý.














8h00: Lê Văn Luyện cùng bố và anh họ được dẫn vào phòng xét xử. Ngay lập tức, không khí trong phòng trở nên hỗn loạn, người nhà nạn nhân thể hiện sự bức xúc tột cùng, lực lượng an ninh đã phải cố gắng hết mức để giữ ổn định được phiên tòa.

Lê Văn Luyện từ kể sau phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1 vẫn béo trắng, khuôn mặt vẫn dửng dưng, bình thản. Bố và anh họ của Luyện cúi sầm mặt khi được dẫn vào tòa.

Người nhà nạn nhân đau xót và không kìm nổi cảm xúc, gây nên tình trạng hỗn loạn tại tòa.

Luyện được áp giải vào bên trong phiên tòa, phía sau là các bị cáo có liên quan khác.

Các luật sư tham dự phiên xử phúc thẩm ngày hôm nay.


Nhiều người chen lấn muốn được nhìn thấy mặt của Luyện.

8h10: Đại diện Viện kiểm sát đọc điểm danh những người liên quan đến vụ án.

Vụ án cướp tiệm vàng vẫn còn rất ám ảnh người dân ở Bắc Giang, ở ngoài tòa án, người dân đến xem xử án rất đông, nhiều người nói rằng cứ đến trời tối là sợ có "Lê Văn Luyện thứ hai" xuất hiện.


Một người nhà nạn nhân có hành vì quá khích nên bị công an áp giải đưa ra khỏi khu vực xét xử.

8h25: Lê Văn Luyện được dẫn lên vành móng ngựa, Chủ tọa phiên tòa đọc hồ sơ danh tính, nhân thân cũng như mức án của Lê Văn Luyện đã được phán quyết ở phiên tòa sơ thẩm. Bố của Lê Văn Luyện là ông Lê Văn Miên, anh họ của Luyện là Trương Thanh Hồng, chú của Luyện là Trương Văn Hợp cũng được lẫn lượt dẫn lên vành móng ngựa. Hai bị cáo khác là Lê Thị Định (cô ruột của Luyện) và Lê Thành Nghị đang trên đường đến.

8h30: Ông Nguyễn Đức Nhận - Chủ tọa phiên tòa - Nguyên là Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao nêu quy định chung của phiên xử phúc thẩm.

8h45: Chủ tọa phiên tòa lần lượt nêu tên các luật sư bào chữa cho gia đình nạn nhân và các bị cáo. Các luật sư bào chữa vẫn giữ nguyên từ phiên xử sơ thẩm.

Sau đó, Chủ tọa phiên tòa đọc bản tóm tắt cáo trạng của Lê Văn Luyện cùng những chi tiết quan trọng có liên quan đến toàn bộ vụ án. Lê Văn Luyện cùng các bị cáo đứng trước vành móng ngựa, cúi mặt nghe bản cáo trạng vụ án.
 
Bản cáo trạng của vụ án.



Luyện thỉnh thoảng vẫn rất "vô tư" nhìn khắp nơi.

Bị cáo Lê Văn Miên - bố đẻ của Luyện thất thần ngồi nghe bảng cáo trạng.


Ông Trần Chí Thanh, luật sư bào chữa cho gia đình bị hại.


Ông Trương Văn Hợp (chú của Lê Văn Luyện) là người phạm tội không tố giác, che giấu tội phạm.

9h15: Khi ông Nguyễn Đức Nhận, Chủ tọa phiên tọa xét hỏi lần lượt từng bị cáo ở vành móng ngựa, người nhà bị cáo đã không kiềm chế được bức xúc yêu cầu ngừng phiên tòa. Chủ tọa Nguyễn Đức Nhận đã phải trấn tĩnh mọi người bằng việc yêu cầu Lê Văn Luyện khai lại hết quá trình gây án, để qua đó tìm ra mâu thuẫn chưa được làm sáng tỏ của vụ án.

Không giống như hành vi phạm tội tàn ác cuả mình, phải mất 5 phút ngập ngừng sau đó Luyện lí nhí khai lại quá trình gây án. Ban đầu khai báo rời rạc chi tiết, về sau Luyện đã khai báo liền mạch hơn. Nhưng vẫn ngập ngừng trước những lời khai về hành vi đâm, chém vào người nạn nhân.

3 bị cáo đầu tiên là Lê Văn Miên, Trương Thanh Hồng và Lê Văn Luyện (từ trái qua) đứng trước vành móng ngựa.



Bị cáo Trương Thanh Hồng (áo trong màu đỏ) là anh họ của Luyện, ngồi cạnh là ông Lê Văn Miên - bố đẻ của Luyện.




Luyện được tháo còng để chuẩn bị lên vành móng ngựa.

Khi nghe bán cáo trạng, những người thân của Luyện cúi gằm mặt, thẫn thờ nghe bản cáo trạng mà có lẽ họ đã thuộc lòng. Còn Luyện thì vẫn thái độ bình thản, thỉnh thoảng nhìn đi chỗ này sang chỗ khác, không tập trung vào bản án của mình. 




 
Ông Trịnh Văn Tín - ông nội cháu Bích, đau đớn khi nghe đến đoạn gây án của bản cáo trạng.

9h42: Không ít người nhà nạn nhân nói: "Thật vô nghĩa khi cứ lặp đi lặp lại cáo trạng của Luyện mà không xét hỏi Luyện những mâu thuẫn trong chính lời khai của Luyện với hiện trường của vụ án. Luyện chỉ mới học hết lớp 9, trình độ kém làm sao có thể thực hiện một hành vi cướp bột phát mà chuyên nghiệp như ngắt cầu giao, cắt đường truyền camera được".

Chủ tọa phiên tòa hỏi Luyện: "Bị cáo hãy thành thật khai báo, ngoài bị cáo ra còn có ai cùng gây án hoặc xúi giục bị cáo hay không?"

Lê Văn Luyện trả lời: "Không có ai".





Người nhà nạn nhân ngồi ở dưới im lặng lắng nghe. Sự căng thẳng, bức xúc vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của họ. 


Bố Luyện, ông Lê văn Miên vẫn cúi gằm mặt khi nghe con trai mình thuật lại vụ án. 


 
9h47: Luyện trả lời một cách ấp úng, liên tiếp chau mày và bối rối trước những câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát. Một số câu Luyện trả lời không khớp với lời khai trước đó khi ở cơ quan điều tra.

Những câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát cùng phần khai của Luyện khiến cả phiên tòa im lặng lắng nghe. Luyện liên tiếp nói không nhớ về những chi tiết trong hành vi chém 3 người nhà nạn nhân. Điều này làm nhiều người tham dự phiên tòa không khỏi thắc mắc.

Luật sư Trần Chí Thanh tiếp tục hỏi Luyện về nghi vấn đồng phạm của Luyện trong vụ án, Luyện trả lời một câu khiến nhiều người nghi vấn: "Bị cáo không biết, bị cáo chỉ biết là mình gây án một mình, bị cáo biết thế nên nói thế" - Luyện trả lời một cách sợ hãi và nhanh chóng.

9h45: Luyện khá hời hợt khi trả lời những câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa.



Một nghi vấn nữa được đặt ra là Luyện cướp vàng sau khi đã giết hết người nhà nạn nhân. Theo tâm lý của một tên trộm bình thường thì phải cướp vàng trước, trong khi Luyện đột nhập vào nhà gia đình bị hại vào lúc 2h sáng thì lại chờ đến 5h30 sáng để giết hết gia đình nạn nhân xong rồi mới cướp vàng. Trái ngược với tâm lý của một trên cướp bình thường - Điều này gia đình nạn nhân liên tiếp thắc mắc và bức xúc.

Đại diện Thẩm phán phiên tòa và Đại diện Viện kiểm sát đưa ra những câu hỏi về những lời khai của Lê Văn Luyện. Lê Văn Luyện cũng trả lời rằng chỉ một mình Luyện thực hiện hành vi gây án.

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra những câu hỏi lật tẩy những mâu thuẫn trong lời khai của Lê Văn Luyện trước phiên tòa và trong lời khai của Lê Văn Luyện trước đó.

Đại diện Viện kiểm sát hỏi rằng: "Trong lời khai của bị cáo tại cơ quan: khi bị cáo leo lên nhà nạn nhân nhưng bị một người hàng xóm phát hiện, vậy tại sao lúc thuật lại quá trình gây án, bị cáo lại không khai chi tiết này?"

Luyện trả lời ấm úng, nói rằng: "Bị cáo quên".

Ngay sau đó, Chủ tọa hỏi: "Ngoài bị cáo, có ai tham gia, xúi giục không?". Luyện trả lời: "Không, bị cáo chỉ có một mình". "Ngoài số vàng đó ra, bị cáo còn cướp, chiếm đoạt tài sản gì nữa?. "Không ạ. Bị cáo không biết làm như nào nên phải đi cướp. Bị cáo bị cuống nên mới sát hại gia đình chủ tiệm vàng" -Luyện lí nhí.

"Bị cáo từng khai nhà anh Tám Định soi đèn pin và có gọi điện báo cho vợ chồng chủ tiệm vàng báo có trộm đấy. Tại sao bị cáo biết họ tên là Tám Định?" - Chủ tọa đặt câu hỏi. Luyện đáp ngay: "Bị cáo chỉ biết gia đình ông đó bán loa thùng".

Gia đình người nhà nạn nhân phản ứng với phần đọc hồ sơ vụ án của Chủ tọa phiên tòa.

9h52: Một câu hỏi nữa được đặt ra, là trước lúc gây án Luyện tắt cầu dao điện, khi gây án xong Luyện xuống lấy vàng thì lại bật cầu dao - điều này gây mâu thuẫn. Bởi nếu bật cầu dao thì đèn báo động sẽ bật lên. Luật sư Trần chí Thanh cho rằng ở điểm này, có một ai đó bật cầu dao lên chứ không phải là Luyện.

Tuy nhiên, sau nhiều câu hỏi, những mâu thuẫn vẫn chưa được giải đáp. Người nhà nạn nhân thở dài, bày tỏ nỗi thất vọng và sự bức xúc của mình.





10h00: Sau khi lắng nghe thẩm vấn, luật sư Phạm Thanh Huỳnh (bảo vệ cho bị hại) lên tiếng: "Khi đâm ông chủ tiệm vàng, ông chủ kêu cướp hay bà chủ kêu?". “Ông chủ kêu rồi bà chủ chạy lên ôm ạ” - Luyện đáp. Luyện cho biết không đâm mà chỉ vật lộn với bà chủ tiệm, rồi cứa cổ.

"Bị cáo khai có vật lộn với ông chủ ở tầng 3. Vậy bị cáo có thấy vô lý khi gây án với bà chủ mà ông chủ vẫn ngồi tầng 3 để bị cáo gây án không?, luật sư hỏi. "Cái đó bị cáo không biết" - Luyện đáp.

"Bây giờ gia đình bị hại cho rằng bị cáo không thể thực hiện một mình, bị cáo nghĩ thế nào?". "Bị cáo không biết, bị cáo chỉ có một mình" - Luyện ngập ngừng. "Bây giờ cho bị cáo thực hiện lại các hành vi đó, bị cáo có làm được không?" - luật sự hỏi. "Bị cáo có ạ" - Luyện đáp.

"Bị cáo cho biết lý do gì, trước đó thì tắt nguồn điện, sau đó, khi gây án xong bị cáo lại bật. Có phải để nhìn cho sáng để tiện cho việc lục tìm tài sản hay là có người khác bật nguồn điện cho bị cáo?" - luật sư Huỳnh truy hỏi. "Bị cáo sợ tắt hết điện trong và ngoài sẽ có người nghi" - Luyện đáp.

Chủ tọa phiên tòa đã cho Luyện về chỗ ngồi, gọi ông Lê Văn Miên - là bố của Lê Văn Luyện lên xét hỏi.

10h17: Chủ tọa hỏi ông Lê Văn Miên những nghi vấn trong vụ án về việc người cùng gây án với Luyện, thì ông chỉ nói rằng: "Bị cáo không biết gì hết".

Khi Chủ tọa hỏi bị cáo tại sao không tố cáo hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện, bố Luyện mệt mỏi nói rằng: "Vì không hiểu biết pháp luật". Câu nói này lại làm cho người nhà nạn nhân bức xúc.



10h28: Sau khi xét hỏi bị cáo Lê Văn Miên, Chủ tọa phiên tòa gọi bị cáo Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện, người đã chở Luyện đi sau khi Luyện gây án).

Trương Thanh Hồng, anh họ của Lê Văn Luyện.


Trước thời điểm gây án, bị cáo Hồng trả lời không hề liên lạc với Luyện. Chỉ sau khi gây án, Luyện gọi cho Hồng thì Hồng mới biết Luyện vừa thực hiện hành vi giết người và cướp vàng.

Luật sư bào chữa cho Trương Thanh Hồng hỏi bị cáo Hồng rằng: "Bị cáo có biết là hành vi của mình là phạm pháp không?" thì Hồng trả lời: "Không".

Sau khi xét hỏi bị cáo Trương Thanh Hồng thì Chủ tọa phiên tòa gọi bị cáo Trương Văn Hợp (bố của Trương Thanh Hồng, cũng là người che giấu tội phạm cho Luyện). Ông Hợp cũng nói rằng đã nhiều lần khuyên Luyện ra đầu thú, nhưng Luyện không phản ứng thôi.

10h42: Sau khi xét hỏi bị cáo Trương Văn Hợp, Chủ tọa phiên tòa gọi bà Dương Thị Lược - là một trong những người có mặt trong bệnh xá khi mà Luyện vào khâu tay sau khi gây án.

Bà Lược có hỏi Luyện vì sao bị đứt tay thì Luyện chỉ nói dối rằng bị thương do đi làm thuê ở cửa hàng cắt kính. Bà Hợp cũng nói rằng không tin Luyện có thể một mình giết nhiều người một cách man rợ như vậy. Bà cũng nghi ngờ Luyện gây án cùng nhiều người, nhưng Luyện thì một mực chối rằng chỉ có Luyện gây án. Bà Lược cũng nói rằng cả gia đình bà cùng con trai bà là Trương Thanh Hồng, chồng là Trương Văn Hợp cũng chỉ là nạn nhân của hành vi của Luyện. Gia đình bà Hồng còn có hai con nhỏ sinh năm 2003 và 2006, bà Lược lo sợ rằng nếu cả nhà vào tù thì ai sẽ là người chăm sóc đứa con mới chỉ 9 tuổi và 6 tuổi của gia đình.

Cô của Luyện, sống ở Lạng Sơn - người cho Luyện trú tại nhà trong những ngày trốn chạy ở khu vực biên giới.



10h57: Sau khi xét hỏi bị cáo Dương Thị Lược, Chủ tọa phiên tòa gọi bị cáo Lê Thành Nghị lên xét hỏi những tình tiết liên quan đến vụ án. Lê Thành Nghị ban đầu cũng che giấu tội phạm của Lê Văn Luyện, nhưng sau đó đã kết hợp với công an để sang Trung Quốc đưa Luyện về cho công an bắt. Bị cáo Lê Thành Nghị xin hưởng án tù treo vì còn có 2 con nhỏ.


Tiếp đến, Chủ tọa gọi đại diện ủy quyền hợp pháp của gia đình bị hại là chú Trịnh Văn Hương nói trước phiên tòa: “Vụ án này còn nhiều uẩn khúc, với những điểm như sau:

- Lê Văn Luyện chưa học hết lớp 9, không có tiền án tiền sự nhưng gây án rất ma mãnh, làm cho cả xã hội bàng hoàng, khiến cho gia đình không tin rằng Luyện chỉ gây án một mình?

- Khi trong lúc sơ cứu ở bệnh viện, bé Trịnh Ngọc Bích đã khai có hai người cùng gây án “Một người to lớn như bố cháu, một người cao gầy”.

11h02: Đại diện ủy quyền hợp pháp của gia đình bị hại là chú Trịnh Quốc Sinh đứng dậy nói lên những nghi vấn của gia đình về hành vi của Luyện. Đặc biệt, chú Sinh nhấn mạnh chi tiết: sau khi giết gia đình tiệm vàng Ngọc Bích, Luyện bị thương, sau đó Luyện xuống đạp tủ kính để lấy vàng. Vậy thì tại sao trên tủ kính lại không có dấu máu, trên sàn nhà tầng một lại không có dấu máu? Phải chăng có ai đó đã lấy vàng chứ không phải Luyện? Bên cạnh đó, cả nhà vệ sinh tầng 1, tầng 2 và tầng 3 đều đầy máu, nhưng Luyện khai rằng đã rửa tay, xóa vết máu trên người ở tầng 1?

Ngoài ra, tại hiện trường gây án, có 2 tàn thuốc lá và một vé xe buýt, trong khi chú Trịnh Thành Ngọc - nạn nhân của vụ án - không hề hút thuốc. Thế nhưng trong bản cáo trạng của Luyện ở phiên xét xử sơ thẩm lại không đề cập đến chi tiết này. Câu hỏi được đặt ra là tại sao dấu vân tay trên tàn thuốc lá không được khám nghiệm? Biết đâu đó lại là tàn thuốc lá của một kẻ khác, bởi Luyện gây án thì không thể hút thuốc được?

 
Phía gia đình nạn nhân tiếp tục đưa ra những nghi vấn cần giải đáp trong vụ án.

Gia đình bị hại cũng nói rằng: "Chúng tôi nghi ngờ sự minh bạch của cơ quan điều tra khi cơ quan điều tra trả lại vàng cho gia đình thì chỉ đếm số lượng chứ không hề định lượng tổng giá trị số vàng. Bên cạnh đó còn có nhiều chi tiết có ở hiện trường nhưng lại không có ở bản khám nghiệm hiện trường cũng như trong cáo trạng?"

Gia đình cũng nhấn mạnh rằng mẹ của chú Trịnh Thành Ngọc là cụ bà Trần Thị Vọng có một thời gian dài ở cùng với gia đình con trai mình. Cụ cho biết chú Ngọc có thói quen đếm tiền vào cuối ngày và cất tiền trong một chiếc túi màu sẫm, số tiền lên đến 2 tỉ đồng. Trước khi vụ án xảy ra một ngày, một bà cụ có tên là Chuông cũng ở Phố Sàn, gần nhà gia đình nạn nhân cũng chứng kiến bố mẹ bé Bích cất tiền trong chiếc túi đó. Thế nhưng, khi cơ quan công an trả lại vàng, vật chứng cho gia đình thì không thấy chiếc túi này?

Ngoài ra, anh Trịnh Văn Hương cũng thắc mắc rằng cơ quan công an nói là đã xem trong chiếc thẻ nhớ của chiếc camera ở gia đình nạn nhân trước ngày xảy ra vụ án 7 ngày không hề có hình ảnh cô chú Ngọc - Chín cất tiền, vàng trong chiếc túi sẫm màu. Vậy gia đình yêu cầu cơ quan công an công khai chiếc thẻ nhớ đó, tại sao lại thu giữ chiếc thẻ nhớ mà không cho gia đình được xem? Trong khi mẹ ruột của nạn nhân là bà Trần Thị Vọng - là người ở cùng con trai mình - chứng kiến con trai và con dâu ngày nào cũng cất tiền vàng trong túi sẫm màu đó?


Viện kiểm sát lắng nghe ý kiến từ phía gia đình nạn nhân.


Chú Trịnh Quốc Sinh phát biểu những nghi vấn, thắc mắc, những điều được cho là chưa hợp lý trong vụ án.

11h24: Khi được quan tòa nhấn mạnh yêu cầu bồi thường là một thủ tục cần có trong trình tự phiên tòa, đại diện gia đình người bị hại yêu cầu gia đình Luyện phải bồi thường cho bé Bích trước tiên. Đó là những khoản điều trị vật lý trị liệu của Bích (bé phải tập luyện, trị liệu trong vòng 5 năm mới có hi vọng hồi phục thể chất và tinh thần).

Gia đình nạn nhân bức xúc vì sau khi trình bày những chi tiết nghi vấn quan trọng trong phiên tòa, Chủ tọa lại không giải quyết từng điểm một mà lại chuyển sang hỏi về yêu cầu bồi thường. Gia đình muốn giải quyết mâu thuẫn về tình tiết trong vụ án trước tiên.

Chủ tọa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận. Lê Văn Luyện được đưa ra vành móng ngựa cùng các bị báo có liên quan. Đại diện Viện kiểm sát đọc lại những chi tiết trong bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, nguyện vọng của gia đình là bác bỏ án sơ thẩm, xử lại toàn bộ vụ án, bởi vụ án còn quá nhiều điều mập mờ.
 
Gia đình nạn nhân tiếp tục đặt ra những nghi vấn.

11h40: Nhiều người dân ở Thành phố Bắc Giang tham dự phiên xử phúc thẩm đã bày tỏ sự ngạc nhiên của mình khi nghe những chi tiết đáng ngờ mà chú Đinh Văn Hương (anh trai cô Đinh Thị Chín - mẹ bé Bích) và chú Trịnh Quốc Sinh (anh trai của chú Trịnh Thành Ngọc - bố bé Bích) đã nêu ra trước quan tòa. Nhiều người nghĩ rằng đáng lẽ những điểm này phải được cơ quan công an điều tra kĩ càng, nhưng lại không hề có trong cáo trạng? Đây là điểm nghi vấn rất lớn mà nhiều người đang chờ Hội đồng xét xử giải đáp.

11h45: Đại diện VKSND Tối cao đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm với các bị cáo. Đồng thời Viện kiểm sát cũng trình bày quan điểm trước tòa là qua các căn cứ nhận thấy Luyện không có đồng phạm gây án. Về chiếc túi đựng tiền, vàng mà gia đình nạn nhân khẳng định đã bị mất, đại diện VKSND kết luận là không có căn cứ; gia đình nạn nhân cũng không thể khẳng định chắc chắn có chiếc túi hay không.

11h52: Chủ tọa phiên tòa tuyên bố ngừng xét xử. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 13h30 chiều nay.
 
Gia đình nạn nhân lại không kiềm chế được sự bức xúc nói rằng: "Phải giải trình được hết những điểm nghi vấn mà gia đình đã trình bày. Phải tìm được người đồng phạm. Nếu không, gia đình sẽ còn kháng án đến tận cùng". Nhiều người nhà nạn nhân đã ném dép và đòi tát vào mặt Luyện, nhưng lực lượng an ninh đã ngăn chặn. Gia đình nạn nhân không ngừng oán thán tội ác của Luyện và tiếp tục gây hỗn loạn ở sân tòa án. Có hai người nhà nạn nhân đã bị công an tạm giữ.


Người nhà nạn nhân rời khỏi tòa ngay khi Chủ tọa tuyên bố tạm ngưng xét xử.
 
Clip bức xúc của người nhà và các bị can được dẫn rời tòa.

Luyện nhanh chóng được đưa đi, rời khỏi tòa án.

Phía trước là cảnh hỗn loạn, người nhà nạn nhân gào thét đòi trả công bằng.

Luyện cùng những bị cáo khác bị áp giải ra xe.

13h30: Phiên tòa trở lại tiếp tục bắt đầu phiên xử. Chủ tọa gọi ông Nguyễn Bá Ngọc - luật sư bào chữa cho Lê Văn Luyện - đứng dậy trình bày phần bào chữa của mình. Luật sự Ngọc thừa nhận tội ác của Lê Văn Luyện nhưng vẫn nhấn mạnh rằng Luyện là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Ý kiến này ngay lập tức khiến gia đình nạn nhân bức xúc, phản đối.

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc đề xuất giữ nguyên bản án 18 năm tù của Lê Văn Luyện, tiếp tục làm người nhà nạn nhân bức xúc. Có người hỏi lớn: "Tại sao luật sư Ngọc lại bào chữa giúp cho một kẻ giết người cướp của tàn ác?". Luật sư Ngọc chỉ im lặng ngồi xuống.

Tiếp đến, Luật sư Nguyễn Anh Sơn đứng lên bào chữa cho bị cáo Trương Văn Hợp, Trương Thanh Hồng, Dương Thị Lược. Khi luật sư Anh Sơn nói đến việc gia đình Trương Văn Hợp, Dương Thị Lược còn có con nhỏ không ai nuôi, gia đình nạn nhân lên tiếng oán thán rằng: "Vậy bé Bích bây giờ ai nuôi? Giết hết cả mẹ cả cha, cả em gái, còn người thân nào nữa đâu mà tha cho kẻ đã phạm tội tày trời này?"

Sau đó, Luật sư Trần Văn An bào chữa cho bị cáo Lê Thị Định (cô của Lê Văn Luyện), Lê Thành Nghị (chồng cô Đình). Theo luật sư An, cả hai người đều thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, chú Nghị là lại người dân tộc, thuộc hộ nghèo. Chú Nghị đã phối hợp với công an để bắt Luyện ở Trung Quốc. Luật sư đề xuất mức án cho bị cáo Lê Thị Định và Lê Thành Nghị được hưởng mức án tù treo. Nhưng lại một lần nữa gia đình nạn nhân lên tiếng phản đối.
 
 Phần bào chữa cho Lê Văn Luyện của luật sư thứ nhất.







14h05: Chủ tọa gọi luật sư bào chữa cho gia đình người bị hại là Luật sư Phạm Văn Huỳnh và Luật sư Trần Chí Thanh bắt đầu xét xử. Luật sư Phạm Văn Huỳnh đưa ra một số ý kiến của mình:

Luật sư Huỳnh hoàn toàn không đồng ý với bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử Tòa án ND tỉnh Bắc Giang. Luật sư Huỳnh nhấn mạnh Luyện đã 3 lần cố tình giết chú Trịnh Thanh Ngọc. Đó là khi thấy chú Ngọc vẫn còn thở thì Luyện liên tiếp chém nhiều nhát để chú Ngọc chết, ngay cả khi chú Ngọc đã nằm gục ở bậc cầu thang tầng 1, Luyện vẫn chém một lần nữa bằng phớ để chú Ngọc chết.

Bên cạnh đó, luật sư Huỳnh còn nhấn mạnh Luyện thực hiện hành vi giết người cướp của không những ma mãnh mà còn tàn ác. "Hội đồng xét xử của Tòa án ND Bắc Giang còn bỏ qua nhiều điều luật, nhiều chi tiết quan trọng trong vụ án. Cả nước quan tâm đến vụ án này, thế nên mong rằng HĐXX hãy xử đúng người đúng tội, làm ai cũng tâm phục khẩu phục, chứ không phải để dư luận vẫn bức xúc, người nhà nạn nhân vẫn khúc mắc".

Luật sư Huỳnh đồng tình với bản án, mức án đối của Lê Văn Miên, Trương Thanh Hồng. Tuy nhiên, luật sư vẫn nhấn mạnh, bản án của Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa rạch ròi, đưa tình tiết che giấu tội phạm của hai bị cáo này còn chung chung.

Luật sư Huỳnh liên tiếp nhấn mạnh, phiên tòa sơ thẩm đã bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng của vụ án. Luật sư dẫn ra những vết cắt, vết chém trên người cô Chín, chú Ngọc lại không khớp với lời khai của Lê Văn Luyện. Dựa vào những vết chém trên người nạn nhân, Luật sư nhấn mạnh rằng phải có hai người trở lên cùng đâm và chém.

Luật sư Huỳnh nêu lại lời khai của Luyện: "Lúc đó trời sắp mưa, tôi đu lên cây và trèo lên mái ngói của nhà tiệm vàng Ngọc Bích, ngồi đối diện với một căn nhà, một người nhà anh Tám Định đã rọi đèn pin vào mặt tôi và gọi điện cho gia đình anh Ngọc." - Luật sư hỏi tại sao Luyện biết rằng có người gọi điện gia đình anh Ngọc, càng lạ hơn khi Luyện khai là mới qua phố Sàn thì làm sao lại biết người đã rọi đèn pin tên là Tám Định? Và tại sao cơ quan điều tra ở phiên sơ thẩm lại bỏ qua điểm này, không tìm hiểu người hàng xóm đã rọi đèn pin vào Luyện như lời Luyện khai?

Luyện nhếch mép cười khi nghe tòa đọc xét xử.









Gia đình nạn nhân ghi lại tỉ mỉ diễn biến của phiên tòa.
















14h40: Tiếp đến, Luật sư Trần Chí Thanh đứng dậy trình bày phần bào chữa của mình cho gia đình bị hại. Một lần nữa, luật sư Thanh cũng nhấn mạnh là không chấp nhận bản án sơ thẩm trước đó của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Luật sư Thanh nhấn mạnh cơ quan điều tra đã bỏ qua một chi tiết quan trọng trong vụ án đó là không tìm hiểu nơi mà Luyện đã qua đêm hôm xảy ra vụ án để xem Luyện có khai thành thật hay không. Tại sao cơ quan điều tra không tìm đến chủ nhà nghỉ để hỏi về việc Luyện có thật là đã ở đây hay không? Ở một mình hay cùng ai?

Một điểm nữa mà Luật sư Thanh cho rằng ngay cả thời điểm ban ngày, cho một người đóng thế Luyện thực hiện lại các hành vi gây án như lời Luyện khai còn không thể thì đừng nói gì là đã 2h đêm.


15h06: Một điểm đáng ngờ nữa là Luyện có hẳn 3 ngày sinh khác nhau trên các giấy tờ khác nhau, đó là ngày 17/10, ngày 18/10 và ngày 25/10. Theo Luật sư Thanh cho rằng cơ quan điều tra cấp sơ thẩm đã làm việc chưa hết mình nếu như không muốn nói là đã đáng trách khi bỏ qua những tình tiết như thế này. Phải tìm tận gốc giấy chứng sinh của Lê Văn Luyện để làm sáng rõ hơn, biết đâu Lê Văn Luyện lại sinh vào một ngày nào đó khác thì mức án có thể hoàn toàn thay đổi.

Luật sư Thanh cho rằng cần phải hủy toàn bộ bản án, mức án sơ thẩm. Điều này đã làm cho gia đình nạn nhân vỗ tay đồng tình. Tiếp đến, chú Đinh Văn Hương (anh trai của cô Định Thị Chín) tiếp tục trình bày những điểm đáng ngờ:

- Tại hiện trường sau vụ án, có tóc rơi vãi trên sàn nhà. Thế nhưng, cơ quan điều tra cấp sơ thẩm nói rằng không biết rằng đó là tóc của ai. Trong khi, chỉ bằng việc kiểm tra bằng ADN thì sẽ biết rằng đó là tóc của ai. Điểm này khiến gia đình rất băn khoăn.

- Ngoài ra, trong lời khai của Lê Văn Luyện có khai rằng không đâm cô Đinh Thị Chín (mẹ bé Bích) nhưng trên thi thể cô Chín lại có vết đâm hình móng ngựa.

Tiếp đến, chú Trịnh Quốc Sinh tiếp tục nêu ra một nghi vấn khiến nhiều người băn khoăn, đó là: Tại sao Luyện khai đâm chú Trịnh Thành Ngọc trong khi chú Ngọc đưa quần áo lên phơi, nhưng vì sao tại hiện trường quần áo không vương vãi? Hơn nữa, Luyện đã ngắt cầu giao rồi nhưng tại sao máy giặt lại có nước ở hiện trường?

Thêm nữa, lại có một tình tiết gây nghi vấn đó là: Luyện khai đã đá chú Ngọc từ tầng 2 trượt xuống cầu thang tầng 1, vậy tại sao, không có vết máu trượt ở cầu thang?


15h30: Đại diện VKS nói rằng không có vết thương hình móng ngựa trên thi thể cô Chín. Người nhà nạn nhân khẳng định rằng chính chị gái của cô Đinh Thị Chín đã tắm cho em gái mình và thấy vết thương hình móng ngựa. Điều này làm cho VKS bối rối.

15h10: Ông nội của bé Bích đứng dậy trình bày rằng cơ quan điều tra cấp sơ thẩm chỉ điều tra theo bản khai của Lê Văn Luyện chứ không hề đi điều tra, điều này khiến nhiều người tham dự phiên tòa đồng tình.

Sau lời của ông nội bé Bích - ông Trịnh Văn Tín, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố nghỉ giải lao 15 phút. 15h30 phiên tòa xử phúc thẩm sẽ tiếp tục.


15h50: Gia đình phản đối mạnh mẽ việc giữ nguyên bản cáo trạng sơ thẩm, ông Đinh Văn Hương nói một điểm nghi vấn rằng: Toàn bộ giấy tờ, sổ sách liên quan việc kinh doanh vàng của gia đình chú Ngọc Chín đều do đích thân gia đình cầm đi photocopy và không đưa cho ai. Vậy tại sao, 2 tháng sau cơ quan điều tra lại tự dưng đưa giấy tờ này ra, trong khi cả bản gốc và bản photocopy đều do gia đình nạn nhân giữ?

Gia đình liên tiếp phản đối luận án của đại diện Viện kiểm sát.

15h55: Luật sư Phạm Văn Huỳnh đứng lên trình bày ý kiến của mình. Luật sư Huỳnh tiếp tục nhấn mạnh chi tiết mà anh nghi ngờ nhất. Đó là trên thi thể cô Đinh Thị Chín có quá nhiều vết cắt chém trong khi Luyện nói rằng Luyện không hề đâm lên người cô Chín mà bảo là do trong lúc giằng co với Luyện, chú Ngọc đã đâm nhầm vào người vợ của mình. Nhưng, luật sư thắc mắc chẳng lẽ anh Ngọc liên tiếp đâm vào vợ mình nhiều lần như thế?

16h00: Luật sư Huỳnh liên tiếp nhận định Luyện luôn luôn mâu thuẫn với chính lời khai của mình, có thể hôm nay Luyện khai như vậy, nhưng có thể ngày mai Luyện lại khai khác.

16h04: Luật sư Trần Chí Thanh nói rằng rõ ràng còn nhiều nghi vấn.

16h07: Người nhà nạn nhân bất ngờ yêu cầu đòi hủy phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay vì theo họ, phiên tòa hôm nay không hề làm sáng tỏ được điều gì.

16h08: Trước phản ứng của gia đình nạn nhân, Chủ tọa phiên tòa cũng bất ngờ tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Chuyển sang phần nghị án. Trước khi nghị án, Chủ tọa triệu tập các bị cáo lên đứng trước vành móng ngựa để nói lời sau cùng. Các bị cáo đều ấp úng một hồi mới nói lên lời sau cùng. Các bị cáo Trương Thanh Hồng, Dương Thị Lược, Trương Văn Hợp, Trương Thành Nghị đều xin giảm án.
 
Lời nói cuối cùng của các bị cáo trước khi tòa tuyên án 


16h10: Hội đồng xét xử tuyên bố lùi vào nghị án. Gia đình nạn nhân, các bị cáo cùng mọi người tham gia dự phiên tòa có nhiều cảm xúc khác nhau. Người nhà Lê Văn Luyện và hắn tỏ ra mệt mỏi, thất thần. Còn người nhà nạn nhân vẫn bức xúc vì chưa có bất kì một tình tiết nghi vấn nào được đưa ra giải trình, xem xét, giải quyết trong ngày hôm nay.

16h50: Hội đồng xét xử quay trở lại phiên tòa. Ông Nguyễn Đức Nhẫn đứng dậy tuyên án phiên xử phúc thẩm. Trước khi tuyên án, ông Nhẫn nhấn mạnh rằng nếu người nhà nạn nhân chưa thỏa mãn với bản án, mức án mà ông Nhẫn tuyên thì gia đình có quyền tiếp tục kháng cáo lên cơ quan tòa án cao hơn.



Toàn bộ những người tham dự phiên tòa chiều nay đều đã rất mệt mỏi.

17h00: Tuy khẳng định rằng mức án 18 năm tù của Lê Văn Luyện là đúng với quy định của pháp luật nhưng Chủ tọa phiên tòa đồng ý với luật sư Phạm Văn Huỳnh, tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn Luyện.

Đối với nghi án có đồng phạm trong vụ án cũng như túi tiền sẫm màu được Chủ tọa phiên tòa nói rằng Hội đồng xét xử không có căn cứ cụ thể để kết luận. Vì vậy HĐXX không sẽ không xem xét với 2 tình tiết này. Dù đang cố giữ bình tỉnh để nghe phán quyết, nhưng người nhà nạn nhân vẫn thể hiện sự bức xúc.

17h05: Chủ tọa phiên tòa cũng nói rằng áp dụng thêm tình tiết gây án của Luyện rằng Luyện có hành vi xảo quyệt sau khi gây án, gây án dã man, giết chết các nạn nhân đến cùng. Chủ tọa khẳng định sẽ tăng nặng hình phạt. Đến đây, Lê Văn Luyện tỏ ra lo lắng, sắc mặt tái nhợt, cúi gằm mặt xuống.

17h08: Chủ tọa phiên tòa tuyên bố rằng hủy bản án, mức án sơ thẩm và hủy toàn bộ kháng án của các bị cáo. Chủ tọa phiên tòa khẳng định điều gây phẫn nộ đối với gia đình nạn nhân: Hội đồng xét xử công nhận các hồ sơ, bản khám nghiệm cũng như các giấy tờ liên quan đã đủ để kết tội Luyện. Theo Chủ tọa, những tình tiết ở hiện trường đã khớp với hồ sơ, các trạng vụ án.

Cảnh sát cơ động túc trực bên ngoài phiên tòa tránh tình trạng bạo động xảy ra nếu người nhà nạn nhân quá khích.

Luyện cùng các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trước khi tòa tuyên án.





Chủ tọa đọc bản tuyên án.



Lê Văn Luyện tái nhợt khi nghe Chủ tọa tăng nặng hình phạt.

17h10: Chủ tọa phiên tòa cũng nêu ra thương tích thể chất lên đến 74,6% của bé Trịnh Ngọc Bích.

Chủ tọa phiên tòa tuyên bố, những bản án đã tuyên với các bị cáo là đúng người đúng tội. Đến thời điểm này, chỉ là xem xét mức án của Lê Văn Luyện. Một lần nữa Chủ tọa phiên tòa lại kết luận lời khai của Luyện thống nhất với hồ sơ của vụ án. Phủ nhận nghi án đồng phạm của vụ án.

Gia đình nạn nhân yêu cầu Chủ tọa phiên tòa dừng lại và lần lượt ra về. Bức xúc một ngày xử án không đi đến đâu. Không giải trình được bất kì nghi vấn nào. 
 
Người nhà nạn nhân phẫn nộ bỏ về khi thẩm phán vẫn đang đọc lời tuyên án.


Thất vọng trước lời kết án, gia đình nạn nhân lần lượt rời tòa.



Ông nội của bé Bích bức xúc với mức án 18 năm tù của Luyện.


Phỏng vấn nhanh với luật sư Phạm Văn Huỳnh: Luật sư nói rằng vụ án sẽ chưa dừng ở đây, gia đình nạn nhân sẽ tiếp tục kháng án lên Tòa án Nhân dân tối cao. Còn những người dân Bắc Giang đến tham dự phiên tòa bày tỏ nỗi thất vọng cũng như phẫn nộ trước việc HĐXX bỏ qua hàng loạt tình tiết mập mờ của vụ án.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh cũng nói thêm: Nếu Hội đồng xét xử mạnh tay thì đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại rồi. Nhưng HĐXX còn ngập ngừng, thiếu quyết đoán đã làm cho dư luận thêm phẫn nộ. Gia đình nạn nhân sẽ tiếp tục kháng án lên Viện trưởng viện KSND tối cao và Thẩm phán của Tòa án Nhân dân tối cao. Nếu Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm thì có lẽ sẽ tiết kiệm công sức cho gia đình bị hại và rút ngắn thời gian điều tra hơn rất nhiều.


17h25: Chủ tọa phiên tòa tuyên bố giữ nguyên bản án, mức án sơ thẩm. Hình phạt 18 năm tù của Luyện vẫn giữ nguyên, chỉ tăng thêm số tiền bồi thường cho cháu Trịnh Ngọc Bích từ 25 triệu lên 30 triệu sau khi bé ra viện. Gia đình nạn nhân buồn bã và vô cùng bức xúc. Mất niềm tin vào pháp luật là những gì mà gia đình nạn nhân cùng nhiều người tham dự phiên tòa có chung ý kiến.

Sau đó Luyện được giải đi trước sự phẫn nộ của người nhà nạn nhân.




Kết thúc phiên tòa, Luyện cùng đồng phạm bị áp giải về trại giam.
 
Clip Luyện được áp giải ra khỏi Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày