Nhức nhối chuyện teen phát ngôn hỗn xược với người lớn

Hồng Ngọc & Ái Nhi, Theo 10:24 07/02/2012
Chia sẻ

Đây là một căn bệnh đáng sợ đang bắt đầu manh nha trong giới trẻ. Có thể nói, nó đi ngược lại hoàn toàn với giá trị đạo đức.

Đầu tiên, bạn hãy thử dành một phút để suy ngẫm nhé: Từ khi bạn sinh ra đến bây giờ, ai là những người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Đó ắt hẳn là gia đình, có ông bà, bố mẹ, anh chị em đầm ấm, hạnh phúc. Ông bà, bố mẹ còn là người dạy ta những bài học làm người đầu tiên, thế nào là người tốt, là con ngoan. Lớn hơn chút nữa, bạn được thầy cô giáo dạy dỗ, nuôi nấng, dạy bạn trở thành trò giỏi, mai này góp ích cho đất nước. Những bài học làm người đầu tiên ấy là nền móng giúp chúng ta xây dựng nhân cách, bồi dưỡng đạo đức, tâm hồn. Ơn nghĩa sinh thành, công lao dạy dỗ... của những người ấy là những điều mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ trả hết ơn được.

Trong thời đại hội nhập ngày nay, với công nghệ hiện đại, với sức mạnh của internet, chúng mình có nhiều công cụ hỗ trợ cho việc học tập và phát triển bản thân hơn. Teen ngày nay còn may mắn hơn thời xưa ở việc được chăm sóc, cưng chiều hết mực, có thể thoải mái thể hiện mình, làm những gì mình thích, nói những gì mình muốn... Nhưng cũng từ đây, những "căn bệnh" của thời đại mới đã bắt đầu xuất hiện và lây lan trong một bộ phận giới trẻ. Đó không phải là bệnh tật, mà là "bệnh" về cách hành xử, ngôn ngữ, thái độ của teen mình, đặc biệt là với người lớn. 

Chúng tớ có thể lấy những ví dụ ngay gần đây cho các bạn xem. Đó là ba vụ việc đang gây bất bình không chỉ với người lớn mà ngay cả những người bạn cùng lứa tuổi cũng cảm thấy bức xúc. Ba bạn trẻ còn đang ở tuổi ăn học, nhưng lại rất xấc xược, phát ngôn những chửi bới những người lớn tuổi, mà không phải ai xa lạ, đó chính là... ông bà, bố mẹ, là thầy cô của các bạn. Những câu phát ngôn này là hồi chuông báo động về cả đạo đức kém và nhận thức lệch lạc của một bộ phận giới trẻ ngày nay. 

Khi nghĩ về mẹ của mình, cảm nhận đầu tiên của bạn là gì? Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, sinh ra bạn, chăm bẵm từng li từng tí. Mẹ dắt bạn chập chững từng bước đi đầu tiên, chăm sóc từng bữa ăn cho bạn với tất cả yêu thương, dạy dỗ, bảo ban bạn đủ mọi điều, thậm chí, mẹ còn nói sau này khi bạn lớn lên, mẹ vẫn sẽ luôn ở bên săn sóc bạn. Bao nhiêu biết ơn và yêu mến mới xứng đáng với công ơn của mẹ đây? Nghĩ về mẹ, hẳn bạn sẽ thấy ấm áp trong tim lắm lắm. Vậy mà, thử nghĩ xem, đã có một teen girl Việt chửi... mẹ ruột của mình, với những lời lẽ rất tục tĩu đấy, bạn ạ. Khó ai tin được rằng chủ nhân của những câu chửi hỗn xược này lại được phát ngôn từ một bạn gái. Bất cứ ai khi đọc dòng status này đều "choáng" khi cô bạn này phát ngôn rất xấc xược. Nói bậy, chửi tục dù là với bạn bè đồng trang lứa thì vẫn rất khó chấp nhận rồi, huống hồ cô bạn này còn chửi mẹ ruột của mình:


Kể cả nếu bạn ấy có tức giận hay ấm ức với mẹ chuyện gì đi chăng nữa, thì việc lên Facbook và chửi rủa một tràng dài rất vô văn hóa liệu có nên?

Bạn đã thấy khó chịu và tức giận chưa nào? Vậy thì bạn sẽ còn "sốc" hơn nhé, khi mới đây thôi, một bạn nữ khá dễ thương và xinh xắn khác lại viết những câu status Facebook đầy giận dữ và chửi bới... cô giáo chủ nhiệm của mình. Teen girl này đã chửi cô giáo bằng những câu từ rất khó chấp nhận: "óc heo", "cái loại bà", "ngậm mồm vào"... Đạo lí "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" đâu rồi? Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" từ muôn đời nay của người Việt đâu mất rồi? Đọc câu status này, bất giác, chúng mình không còn cảm thấy "sốc", thấy "choáng", mà thấy buồn thay cho một người cô quan tâm đến ý thức và thái độ học tập của cô học trò nhỏ, sát sao với tình hình học sinh của mình, vậy mà lại bị những lời lẽ hỗn xược xúc phạm như thế. Rồi thấy giận nữa, giận bạn gái này sao có ăn, có học đàng hoàng, vậy mà cách ứng xử và nói năng thì còn không bằng những em học trò nghèo không được đến lớp, đến trường nhưng vẫn yêu quý cô giáo của mình hết mực. Bạn ơi, bạn có biết, không có thầy cô dạy dỗ, thì làm sao chúng ta có thể hiểu biết, lớn khôn và vững chãi khi ra ngoài đời?


Cô bạn khá xinh xắn chửi cô giáo bằng lời lẽ khó nghe.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi teen Việt, "căn bệnh" hỗn xược này còn xuất hiện cả với teen nước ngoài. Dịp Tết vừa rồi, cư dân mạng Singapore cũng vừa xôn xao với cô bạn nói ông mình ngớ ngẩn vì ông của bạn ấy chỉ mừng tuổi 2 đô la Sing (khoảng hơn 30 nghìn đồng). Cô bạn đã "cảm ơn" ông mình bằng cách viết lên Facebook, gọi ông mình là "dumb old fella" (tạm dịch: "lão nông dân già ngớ ngẩn"). Thêm vào đó, cô bạn này còn tiếp tục nói rằng thà chỉ cầm 2 đô đó còn hơn là phải ngồi nói chuyện với ông mình.


Cô bạn Singapore nói ông mình ngớ ngẩn khi lì xì chỉ có 2 đô.

Điều đầu tiên mọi người lên án ở cô bạn người Singapore này là lối sống quá thiên về vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần - điều còn lớn lao hơn nhiều. Rõ ràng, việc mừng tuổi đầu năm là để lấy may, dù ít hay nhiều thì bạn ấy cũng nên biết ơn ông của mình trước tiên, phải không? Nhưng quan trọng hơn, mọi người bất bình về thái độ của cô bạn này, suy nghĩ đơn giản đến mức nông cạn: ông không mừng tuổi nhiều tiền tức là mình có quyền chê trách, phàn nàn, thậm chí chửi bới ông. Đây mới là vấn đề nhức nhối và đáng báo động của giới trẻ ngày nay trong một thế giới quá hiện đại và tiện nghi mà những giá trị truyền thống đã mai một hoặc biến mất. Các bạn ấy đang sống quá ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình và làm sao cho hợp ý mình, mà không cần biết, không cần quan tâm điều đó đúng hay sai. Thậm chí, có thể nói rằng những teen ở trên có lẽ còn chưa suy nghĩ trước khi nói, vì những việc làm của các bạn ý đúng hay sai đã quá rõ rồi phải không? Ông bà, bố mẹ, thầy cô... là những người hết lòng vì chúng mình, hằng mong chúng mình khôn lớn. Bạn chưa và không bao giờ có quyền phán xét, chê trách họ, chứ chưa nói đến chuyện thái độ hay chửi bới. Teen biết không, theo quan niệm của người châu Á (và có lẽ ở đâu trên thế giới này cũng vậy thôi), tội vô lễ với người lớn, đặc biệt là bố mẹ, ông bà, thầy cô... bị xếp vào trọng tội và sẽ bị trừng phạt đích đáng. Ngay hiện tại, sự trừng phạt đối với những teen trên đã là bị bạn bè, mọi người chê trách, tức giận rồi đấy thôi.

Nếu để ý kĩ hơn, bạn cũng có thể thấy những trường hợp mà chúng tớ vừa kể trên hầu hết là do phát ngôn trên mạng xã hội, cụ thể ở đây là Facebook. Chính vì điều này mà đã có một số lời "gỡ gạc" cho các bạn ấy, nói đó là do "tuổi trẻ bồng bột", thiếu suy nghĩ. Thế nhưng, mạng xã hội là ảo, nhưng nỗi đau và sức công phá mà nó có thể gây ra là thật. Ngay cả khi các bạn ấy có bao biện cho mình là "nhất thời nóng giận", "chưa suy nghĩ kĩ" thì cũng vẫn cực kì đáng trách. Các bạn ấy có thử nghĩ đến việc nếu người mẹ, cô giáo và người ông khi biết chuyện sẽ cảm thấy đau lòng và xót xa đến nhường nào, khi con em của mình nói về mình bằng những ngôn từ như vậy? Khi bạn phát ngôn trên mạng xã hội tức là đã có một tầm ảnh hưởng nhất định đến các bạn bè (với nghĩa chung là friends) của bạn, vì thế bạn phải chịu trách nhiệm trước lời nói, câu viết đó của mình. Nếu bạn không làm được điều đó, thì hàng ngày bạn dõng dạc tuyên bố "Tôi đã lớn", "Tôi trưởng thành"... liệu có xứng đáng không?

Chúng tớ muốn đưa ra vấn đề nhức nhối cũng như "căn bệnh" sống ích kỉ, coi thường đạo lí, hỗn xược với người lớn... của một bộ phận teen bây giờ, cũng là để nhắc nhở teen mình cần tự ý thức và tránh xa. Nếu bạn đã từng "trót" "mắc bệnh" hoặc rơi vào những ví dụ giống ở trên, thì hãy tự kiểm điểm bản thân thật nghiêm nhé! Vô lễ, hỗn xược với đấng sinh thành ra mình hoặc người nuôi dạy mình là một tội lỗi vô cùng lớn đấy, teen ạ. Chúng mình đã lớn, đã trưởng thành và biết suy nghĩ cơ mà, phải không nào?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày