Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên và rất mới mẻ tại Việt Nam. Nó đã giúp cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến hơn trong quần chúng nhân dân.
Năm 1865, học giả nổi tiếng Trương Vĩnh Ký về nước. Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Tuy nhiên Petrus Ký (tên tiếng Pháp của Trương Vĩnh Ký) đã từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865.
Điều đáng ngạc nhiên quyết định đó không phải ký cho Petrus Ký mà lại cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Thời gian Gia Định báo ngừng hoạt động theo nhiều nhà nghiên cứu là 1897. Thế nhưng gần đây, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại một cứ liệu xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31/12/1909 và chính thức đình bản ngày 01/01/1910.
Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân. Phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội...
Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian đầu Gia Định báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Ngày phát hành và số lượng trang phát hành của tờ báo đầu tiên này là điều đang còn nhiều tranh cãi. Gia Định báo những số đầu thường có 4 trang và được phát hành từ 1 đến 4 kỳ trên tháng.
Petrus Ký chủ trương dùng câu từ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên ông cũng ý thức bác bỏ rất rõ về từ ngữ dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh.
Ngôn ngữ sử dụng trên Gia Định báo rất đặc biệt và có vai trò rất lớn đến báo chí ngày nay. Có thể nói báo điện tử thời hiện đại đã chịu nhiều ảnh hưởng từ cách sử dụng từ ngữ trên tờ báo Việt ngữ đầu tiên này.