Cá voi xanh chết đứt lìa đuôi, lịch Maya suy diễn Tận thế

Lê Giang, Theo Mask Online 10:48 12/05/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Động vật chết hàng loạt tại Peru có thể do nhiệt tăng, 90% ngôn ngữ trên thế giới biến mất trong thế kỷ 21.


Hình ảnh đau lòng về cái chết của cá voi xanh


Những hình ảnh sau được chụp bởi thợ lặn Tony Wu với hy vọng sẽ nói lên phần nào về vấn đề tiêu cực của tàu chở container đối với loài cá voi xanh khổng lồ. Bức ảnh chỉ ra vết thương rùng rợn của chú cá voi xanh, bởi phần đuôi của nó dường như bị đứt lìa. Chú cá voi này bị thương khi bơi lạc vào làn đường vận chuyển của tàu container ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi phía Nam Sri Lanka.

Phần đuôi của cá voi xanh dường như bị đứt lìa.

Vết thương của cá voi xanh rách toạc ra.

Các chuyên gia hải dương học cho biết, loài cá voi xanh đang đứng trước nguy cơ về số lượng. Do đó đây là vấn đề khá quan trọng cần được lưu tâm. Giới chuyên gia cho rằng: “Thậm chí những tàu container cũng không biết họ đã giết hại cá voi xanh vì lướt quá nhanh”. Dù đây chỉ là hành động không cố ý nhưng cũng là hiện tượng đáng báo động đối với giới bảo vệ tự nhiên.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Tìm thấy lịch Maya cổ nhất


Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy một bộ lịch Maya cổ nhất từ trước đến nay tại di tích Xultun ở Guatemala. Chúng được khắc trên các bức tường của một ngôi nhà Maya có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 9, sớm hơn các bộ lịch Maya khác hàng thế kỷ. Ngôi nhà trên được tiến sĩ William Saturno và các đồng nghiệp ở Đại học Boston (Mỹ) khai quật vào năm 2010. Chủ nhân của nó có thể là một nhân vật cấp cao nhưng không thuộc hoàng tộc.

Các bức vẽ rõ đến đáng ngạc nhiên trên tường ngôi nhà.

Các bức tường được khắc đầy tranh vẽ của người Maya. Giữa các bức vẽ thỉnh thoảng xuất hiện chữ viết của người Maya với các thông tin về thiên văn. Bản thiên văn thứ nhất mô tả chu kỳ của Mặt trăng: mất 29,5 ngày để Mặt trăng đi trọn quỹ đạo của nó. Người Maya tin rằng, trên Mặt trăng có 6 vị thần, mỗi vị quản một chu kỳ riêng. Xã hội Maya bị thống trị bởi ý niệm thời gian tuần hoàn.

Bản thiên văn thứ hai khó hiểu hơn và ông Saturno cho rằng, nó có liên quan đến hai bộ lịch Maya, bao gồm một bộ lịch lễ nghi kéo dài 260 ngày và một bộ lịch Mặt trời dài 365 ngày. Cả hai bộ lịch chỉ có chung một ngày vào mỗi 18.980 ngày - thời điểm được gọi là “Tuần hoàn lịch”. Nguyên nhân để Saturno nhận định như trên là do mọi con số trong bản thiên văn thứ hai đều là bội số của 18.980, đồng thời là bội số của nhiều chu kỳ thiên văn khác.

Tính toán chu kỳ Mặt trăng của người Maya khắc trên tường ngôi nhà.

Giáo sư Joyce Marcus ở Đại học Michigan (Mỹ) phỏng đoán, “Có vẻ như người Maya tính toán niên giám, các sự kiện trọng đại trong vòng 1.000 năm”. Ngoài ra, trên bức tường ở phía Đông của ngôi nhà còn có 4 dãy số dài thể hiện một chu kỳ kéo dài đến 2,5 triệu ngày và những biểu tượng cho thấy nhiều chu kỳ thiên văn của Sao Hỏa, Sao Kim và Mặt trăng.

Theo tiến sĩ Saturno, những phát hiện mới này sẽ chứng minh thời điểm Tận thế 2012 là một suy diễn sai lầm. Ông nói, “Người Maya cổ đại tiên đoán thế giới sẽ tiếp tục thêm 7.000 năm nữa kể từ bây giờ. Trong khi chúng ta đi tìm kiếm thời điểm Tận thế thì người Maya tìm kiếm sự bảo đảm sẽ chẳng có gì thay đổi. Hai lối tư duy hoàn toàn khác biệt”. 

Người Maya sống ở Trung Mỹ từ khoảng năm 2.000 TCN cho đến khi bị diệt vong dưới ách đô hộ của Tây Ban Nha vào thế kỷ 15. Di tích Xultun được phát hiện lần đầu vào năm 1912 trên một diện tích rộng 30km² và dần dần cấu trúc của nó được vẽ lại vào các thập niên 1920 và 1970, bao gồm một kim tự tháp cao 35m, nhưng vẫn còn rất nhiều chi tiết chưa được khám phá.

(Nguồn tham khảo: BBC/Science)

Động vật chết hàng loạt tại Peru có thể do nhiệt tăng


Chính phủ Peru hôm qua thông báo nhiệt độ nước trong Thái Bình Dương tăng có thể là nguyên nhân khiến khoảng 5.000 con chim biển và gần 900 con cá heo chết ở bờ biển phía Bắc nước này trong vài tháng qua.

Rất nhiều động vật biển đã chết trên bờ biển phía Bắc Peru.

Hơn 1.500 con chim biển chết tại khu vực bờ biển Lambayeque và Lima.

Xác bồ nông, cá heo và một số loài chim biển khác liên tục dạt vào các bờ biển phía Bắc của Peru trong vài tháng qua. Các nhà khoa học của chính phủ Peru đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu nguyên nhân khiến chúng chết hàng loạt. Ban đầu giới chức nghi ngờ virus có thể là thủ phạm, song các tổ chức phi chính phủ cho rằng, hoạt động thăm dò dầu khí là nguyên nhân.

Một chú chó ngửi xác con bồ nông tội nghiệp ở bãi biển Cerro Azul.

Xác một con chim bồ nông xám nằm tại bãi biển Cerro Azul, thủ đô Lima.

Carlos Yaipen - đại diện của tổ chức ORCA (Organization Research and Conversation Association) ở Peru cho biết, tiếng ồn từ những thiết bị thăm dò khiến động vật biển mất mạng. Theo Yaipen, ORCA đã kiểm tra 30 xác động vật và nhận thấy tai chúng vỡ, nhiều cơ quan nội tạng bị tổn thương do tác động của âm thanh.
 
 Các chuyên gia môi trường đang đo kích thước của xác một con cá heo tại bãi biển gần thành phố Chiclayo, Peru.

 Quá trình mổ xác cá heo để điều tra nguyên nhân dẫn đến chúng chết.

Ông Gabriel Quijandria - Thứ trưởng Môi trường Peru nói rằng, rất có thể cá heo và chim biển chết do nước biển ấm hơn. Khi nhiệt độ trong nước biển tăng, chuỗi thức ăn của động vật biển xáo trộn khiến chúng không kiếm đủ lượng thức ăn cần thiết để sinh tồn. Quá trình kiểm tra xác của 877 con cá heo chưa kết thúc, song ông Quijandria khẳng định, chúng không chết do nhiễm kim loại nặng hay vi khuẩn. Ông cảnh báo, “Hiện tượng tương tự có thể lan sang các vùng ven biển khác khiến số chim và các loài động vật biển khác tiếp tục chết”.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet/Reuters)

90% ngôn ngữ trên thế giới biến mất trong thế kỷ 21


Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) vừa cảnh báo, nếu con người không tăng cường bảo vệ môi trường thì đến cuối thế kỷ này, có khoảng 50% đến 90% các ngôn ngữ trên thế giới sẽ bị biến mất. Nền văn hóa đặc thù có liên quan đến những ngôn ngữ này cũng không thể tồn tại, mà được thay thế bằng văn hóa và ngôn ngữ mang tính toàn cầu với màu sắc công nghiệp hóa.


Nghiên cứu mới nhất cho biết, 70% các ngôn ngữ trên thế giới phân bố tại những khu vực trọng điểm, có nhiều loài động vật phong phú. Tuy nhiên, đây lại là những nơi môi trường bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới. Họ đã so sánh 35 khu vực trọng điểm trên thế giới, chúng chỉ chiếm 2,3% diện tích trên Trái đất nhưng lại có hơn một nửa thực vật có mạch trên thế giới (bao gồm cây hạt trần, cây hạt kín, cây dương xỉ) và 43% các loài động vật có xương sống trên mặt đất. Tại những khu vực này còn phát hiện 3.202 loại ngôn ngữ, chiếm một nửa các loại ngôn ngữ hiện có trên Trái đất.

Những loại ngôn ngữ đặc thù này chỉ có ở các khu vực nhất định, trong khi người biết sử dụng chúng ngày càng ít. Điều này cũng là nguyên nhân khiến chúng đứng trước tình trạng dần biến mất. Các nhà khoa học dự đoán tương lai của ngôn ngữ loài người không mấy lạc quan. Ngôn ngữ địa phương sẽ được thay thế bằng các loại ngôn ngữ thông dụng. Bên cạnh đó, truyền thống địa phương và các giá trị cũng sẽ được thay thế bởi truyền thống và giá trị công nghiệp hóa.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc/Dailymail)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày