Có những loại cây cảnh chúng ta vẫn rất thường thấy xung quanh nhà, trường học, công viên… gần gũi và quen thuộc, song tiềm ẩn bên trong lại là những chất độc có thể gây nguy hiểm cho con người nếu vô tình tiếp xúc đấy!
Sò đo cam
Sò đo cam là loại cây rất thường thấy trên vỉa hè hoặc trong những chậu cây cảnh trồng trong nhà, tập trung nhiều ở khu vực Lâm Đồng. Cây có xuất xứ từ châu Phi, tên khoa học là Spathodea Campanulata mà chúng ta còn hay gọi là chuông đỏ, hồng kỳ hay uất kim hương châu Phi… Là loại cây thân gỗ nhỏ, hoa của cây sò đo cam mọc thành từng cụm và có màu sắc rất bắt mắt nên được trồng rất nhiều đấy các bạn!
Sở dĩ, sò đo cam thường được trồng nhiều ở Việt Nam bởi đây là loại cây chịu bóng, dễ trồng. Thêm vào đó, hoa của cây rất đẹp, phát triển nhanh do thích nghi với môi trường.
Hoa của sò đo cam mọc nhiều nên hạt cây rất dễ phát tán đi xa nhờ gió. Từ đó, những vùng đất nông nghiệp hoặc bỏ hoang xuất hiện rất nhiều loại cây này, lấn chiếm đất sống của những cây trồng khác. Các nhà khoa học cũng như Tổ chức Thiên nhiên Thế giới đều công nhận sò đo cam là loại cây xâm thực gây hại ở những quốc gia như Hawaii, Fiji, Polynesia và Samoa.
Thêm vào đó, ẩn sau vẻ đẹp rực rỡ, sò đo cam lại chứa trong mình một loại chất độc rất nguy hiểm, được gọi là biolarvicides, thường có trong hoa của cây. Đây là loại chất độc gây ảnh hưởng tới nhiều sinh vật sống xung quanh sò đo cam, khiến hệ sinh thái bị thay đổi. Nếu không có các biện pháp kịp thời, sò đo cam sẽ gây ra sự biến mất dần dần của các quần thể động vật sống xung quanh cây, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.
Trúc đào
Một loại cây khác được trồng rất nhiều tại Việt Nam đó chính là cây trúc đào. Trúc đào là loại cây bụi, cao khoảng 2 - 6m, có hoa nhỏ mọc thành cụm ở đầu mỗi cành, màu sắc đa dạng như trắng, vàng, hồng… vì thế rất được chuộng làm cây cảnh.
Được đánh giá là có độc tính cao như cây lá ngón, những bộ phận trên cây trúc đào như hoa, lá, vỏ cây… đều gây nguy hiểm cho con người và động vật. Rất nhiều trường hợp được ghi nhận là nhiễm phải độc của trúc đào chỉ vì vô tình nếm hoa, ngửi phải khói khi thiêu hủy cây. Chất độc của một lá cây trúc đào này có thể gây tử vong cho trẻ em. Khi lá được sắc khô, độc tính của nó còn cao hơn.
Ngoài ra, chỉ cần dùng nước có hoa trúc đào rơi xuống là đã có thể bị ngộ độc… Khi bị ngộ độc trúc đào, nạn nhân có những triệu chứng từ đường ruột đến tim: buồn nôn, tổn thương vùng bụng, loạn nhịp tim; nếu nặng, chất độc có thể gây tác động đến hệ thần kinh trung ương.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Huyền - Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu thuộc Viện Dược liệu, Hà Nội khuyến cáo: "Cây Trúc đào được dùng làm nguyên liệu để chiết xuất hoạt chất oleandrin, là một loại thuốc để điều trị bệnh tim. Tuy nhiên, vì có độc tính cao nên trúc đào không dược sử dụng trong lĩnh vực y học cổ truyền mà chỉ dùng để chế thuốc trừ sâu".
Trong trường hợp bị ngộ độc với các triệu chứng nêu trên, bạn nên đến ngay phòng cấp cứu hoặc sở y tế gần nhất. Việc đầu tiên cần làm là kích thích nôn, rửa ruột để giảm thiểu và loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể một cách nhanh nhất. Một số biện pháp "cấp tốc" như uống nước chè, nước cam thảo sắc hay than hoạt tính cũng giúp ích cho việc ngăn chặn chất độc lan tỏa trong cơ thể.
Nếu để da hoặc mắt tiếp xúc với nhựa cây trúc đào, bạn cần rửa sạch bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh để tẩy sạch độc tố.
Dù là loại cây được đánh giá là độc nhất thế giới, có thể gây nguy hiểm tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em, nhưng loại cây này vẫn còn được trồng khá nhiều để làm cảnh. Vậy nên, các bạn phải hết sức cẩn thận nhé!