Điều tra nguyên nhân có bão qua các cơn thảm họa ở Mỹ

Tôm - A, Theo 16:02 28/08/2011
Chia sẻ

Cái gì cũng phải có lý do của nó!

Trước Irene, Mỹ cũng đã phải gánh chịu rất nhiều cơn bão lớn, chúng mình cùng điểm lại để tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại xảy ra bão lớn như vậy nhé!
 
Bão Ike

Bão Ike hình thành vào sáng ngày 1/9/2008 ở vùng trung tâm của Đại Tây Dương. Hướng di chuyển ban đầu của bão là theo hướng Đông với tốc độ chậm và hướng về phía Nam, nước Cộng hòa Cabo Verde. Từ đây, vùng không khí dần trở thành áp thấp nhiệt đới và bão nhiệt đới trong thời gian rất nhanh. Sau khi hình thành mắt bão, Ike gặp điều kiện khí hậu thuận lợi nên đã mạnh lên đến cấp 3, cấp 4. Từ đó, Ike trở thành cơn bão mạnh nhất khu vực Bắc Đại Tây Dương năm 2008.

Tuy đã có dấu hiệu suy yếu dần sau khi quét qua Cuba, nhưng do đi qua vùng biển có khí hậu ấm của vịnh Mexico, nên khi tiến vào Texas, Ike đã mạnh cấp 3 rồi tan dần bốn tiếng sau đó. Trên đường đi của mình, Ike đã gây ra tổng thiệt hại lên đến 31,5 tỉ USD (khoảng 656 nghìn tỉ đồng) nhưng đau thương hơn chính là thiệt hại về người khi có đến 164 người chết và 202 người mất tích.



Bão Gustav

Bão Gustav là cơn bão cấp 4 đầu tiên trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2008, cơn bão này được hình thành sáng ngày 25/08/2008, tại khu vực cách Haiti 420km về hướng Đông Nam. Diễn biến của cơn bão này hết sức phức tạp và khó lường, khi chỉ trong vòng chưa đầy một ngày đã trở thành một cơn bão mạnh trước khi đổ bộ vào đất liền.
 

Được dự đoán sẽ đổ bộ ở cấp 3 vào khu vực bờ biển Louisiana, phía Tây New Orleans; tuy nhiên như đã đề cập về diễn biến khó lường của cơn bão, Gustav mạnh lên cấp 4 sau 14 giờ di chuyển, đi vào vùng Cocodrie, Louisiana khi suy yếu xuống cấp 2 và bốn giờ sau thì chỉ còn cấp 1.

Có thể xem Gustav là một cơn bão rất khó chịu vì dự đoán về sức gió cũng như đường đi của bão đều không được chính xác. Một phần do sau khi đi qua Cuba, bão lại tiến ra biển và thay đổi theo khí hậu nên khiến những dự báo bị sai lệch. Tuy đã suy yếu khi tiến vào đất liền, nhưng Gustav cũng để lại con số thiệt hại là 17,5 tỉ USD (khoảng 364,5 nghìn tỉ) và 97 người thiệt mạng.

Bão Katrina

Cơn bão nổi tiếng này được hình thành tại quần đảo Bahamas ngày 24/08/2005, tiến vào vùng đất liền ở Miami khi đạt cấp 1. Tuy đã suy yếu đi thành bão nhiệt đới, nhưng sau khi bất ngờ thay đổi đường đi và vượt qua vùng nước ấm của khu vực vịnh Mexico, Katrina đã mạnh lên thành “siêu bão” cấp 5. Lí do là cơn bão này một lần nữa thay đổi hướng di chuyển lên phía Bắc, tiến vào Louisiana khi đang ở cấp 4 với tốc độ gió 241 km/h.

 

Vào thời điểm tệ hại nhất, chỉ riêng vùng tâm bão đã rộng đến 48 km và sức gió đạt ngưỡng 278 km/h, kéo theo mưa lụt đến tận vùng biên giới Canada và Mỹ. Do tiến vào đất liền khi đang rất mạnh, bão Katrina đã gây ra một “thảm họa” thật sự khi thiệt hại tài sản là 25 tỉ USD (khoảng 520,7 nghìn tỉ), còn số người chết lên đến hơn 1000 người.


 
Qua những cơn bão trên, chúng ta có thể thấy đặc điểm dễ nhận ra nhất của những trận “cuồng phong” này chính là ở cách chúng hình thành và mạnh lên. Hãy cùng tìm hiểu qua cách mà một cơn bão như vậy hình thành nhé:

- Đầu tiên, một luồng không khí ẩm (có thể từ đất liền) gặp vùng biển có nhiệt độ cao, hơi nước bắt đầu bốc hơi và tạo ra áp suất thấp trên mặt biển.

- Những cơn gió mậu dịch khi di chuyển gặp phải những vùng này sẽ khiến cho các khối khí bắt đầu quay tròn.

- Khối khí càng lúc càng tăng nhanh hơn để lấp đầy những khu vực chịu áp suất thấp, khi đó sẽ hút nhiều khối khí ấm lại với nhau.

- Khi cơn bão di chuyển trên mặt biển, chúng càng có điều kiện để hút những khối khí ấm. Tốc độ của gió bắt đầu tăng vì không khí bị hút để lấp vào khu vực áp suất thấp càng nhiều.

- Cần khoảng vài giờ đến vài ngày để một vùng áp suất như vậy trở thành một cơn bão thật sự.

- Một cơn bão hình thành bao gồm mắt bão gồm gió và vùng áp suất thấp, bao quanh mắt bão là những khu vực gió giật và mưa lớn.

- Khi một cơn bão tiến vào đất liền, chúng gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của.

Để đo mức độ tàn phá của cơn bão, người ta dùng thước Saffir-Simpson, những cơn bão sẽ được chia thành 5 cấp, được miêu tả sơ lược như sau:

Cấp 1:
Lũ nhẹ
Thiệt hại nhà cửa không đáng kể
Sóng tràn bờ hơn bình thường 1.2 – 1.5 m.

Cấp 2:
Mái nhà bị hư hại.
Cây cối bật gốc, ngã.
Sóng tràn bờ hơn bình thường 1.8 – 2.4 m.

Cấp 3:
Nhà cửa bị thiệt hại đáng kể.
Lũ lớn
Sóng tràn bờ hơn bình thường 2.7 – 3.7 m.

Cấp 4:
Tốc mái nhà.
Thiệt hại nặng về nhà cửa.
Sóng tràn bờ hơn bình thường 4 – 5.5 m.

Cấp 5:
Gây thiệt hại nặng đến những công trình xây dựng.
Lũ lụt nặng vào đất liền.
Sóng tràn bờ hơn bình thường 5.5 m.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày