“ACTA còn nguy hiểm hơn SOPA”
Dự luật chống vi phạm bản quyền trên mạng
SOPA và PIPA đều đã biến mất. Tuy nhiên, mối đe dọa đến tự do internet vẫn chẳng mấy ảnh hưởng, thậm chí đáng sợ hơn khi Hiệp định thương mại chống hàng giả (ACTA) đang âm thầm được thông qua tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nghị sỹ Mỹ Darrell Issa chia sẻ: “
Là thành viên Quốc hội, tôi khẳng định ACTA còn nguy hiểm hơn SOPA. Song, hiệp định không phải thứ mà chúng tôi có thể bỏ phiếu bãi bỏ. ACTA ngụ ý sẽ không thay đổi luật pháp hiện tại, song một khi có hiệu lực, hiệp định sẽ tạo ra một hệ thống chức năng mới cho phép vô hiệu hóa mọi nỗ lực bác bỏ của Quốc hội”.
Không giống SOPA hay PIPA là những dự luật được Quốc hội Mỹ xem xét, ACTA có tầm phủ sóng mạnh hơn và có phạm vi toàn cầu, định ra tiêu chuẩn bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia. Hiệp định được sự hỗ trợ đáng kể từ Liên minh châu Âu (22 nước vừa thông qua), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sỹ và Hoa Kỳ (đã ký năm ngoái). Trong khi ACTA không bộc lộ rõ ràng rằng quy chế vận hành tương tự SOPA, song ngài Darrel Issa khẳng định: “Rất nhiều điều khoản trong SOPA cơ bản dựa trên ACTA”.
ACTA được xây dựng bí mật và không công bố rộng rãi, vậy nên những cuộc biểu tình hầu như không thể phát sinh. Cần nhắc lại rằng, mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ khi phong trào chống SOPA bùng phát, chứng tỏ tiếng nói rất có trọng lượng của người dùng internet đến giới cầm quyền.
Phản đối SOPA
Tâm sự về chuyện
đóng cửa Wikipedia nhằm phản đối SOPA, nhà sáng lập Jimmy Wales cho hay: “
Tôi nhận thấy sự nguy hiểm của SOPA và thấy cần phải thực hiện một hành động nào đó chống lại dự luật. Ý định về một cuộc biểu tình trên Wikipedia được đưa ra thảo luận và 87% số phiếu ủng hộ đã dẫn đến hành động này. Dường như chúng là đúng đắn khi rất nhiều trang web khác đã hưởng ứng chúng tôi”.
Theo Nghị sỹ Darrel Issa: “Một liên minh mạng rộng rãi còn mạnh mẽ hơn bất cứ khoản tiền nào”. Ông cũng chia sẻ rằng những đồng nghiệp tại Quốc hội giờ đây luôn phải suy nghĩ thật kỹ trước mỗi lá phiếu của mình cho các dự thảo tương tự.
Còn theo Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách pháp luật của Google, David Drummond nhận định: “Không ai phủ nhận vấn đề vi phạm bản quyền, song SOPA sẽ khiến hàng loạt website phải đóng cửa và vô số ảnh hưởng tiêu cực khác. Theo tôi, có nhiều cách giải quyết vấn đề và giới làm luật phải tìm ra những phương pháp tốt nhất cho người dùng, cho internet và cho chủ sở hữu nội dung”.
ACTA đang được triển khai
Theo giới chuyên gia, ACTA được tiến hành âm thầm song cũng không quá mới. Những bài viết về dự luật trực tuyến đã xuất hiện vào năm 2008 (với Mỹ và Nhật là từ năm 2006).
Trang Thương mại quốc tế và ngoại giao của Canada nhắc đến ACTA như một dự thảo được phát triển siêu bí mật: “Quá trình này không được công khai, vào ngày 23 tháng 10 năm 2007, các đối tác chỉ công bố rằng họ đang thảo luận về ACTA. Tuy nhiên, một số nước thành viên đã tham vấn ý kiến của công chúng về hiệp định này”.
Tuy nhiên, một sự thật không thể phủ nhận rằng ACTA đang gây ảnh hưởng đến mạng internet nhiều hơn cả SOPA từng làm trước đây.