Theo thống kê từ Akamai, hãng khảo sát nổi tiếng của Mỹ, tốc độ đường truyền internet trung bình tại Việt Nam đạt khoảng 1,7Mbps. Kết quả này không quá tồi cho nhu cầu lướt web phổ thông, nhưng bạn nghĩ sao nếu được trải nghiệm mạng băng rộng nhanh gấp hàng nghìn lần như vậy?
Trong nỗ lực xây dựng đường truyền internet nhanh nhất thế giới, hai công ty Cisco và Telia vừa cùng nhau thực hiện kết nối 120Gbps dành cho Triển lãm DreamHack. Nghe đâu, DreamHack nằm trong số những sự kiện văn hóa công nghệ lớn nhất hành tinh, được sách kỷ lục Guinness chứng nhận. Sự kiện năm nay diễn ra từ ngày 24-27/11 tại thành phố Borlange (Thụy Điển), thu hút khoảng 20.000 người tham dự.
Con số 120Gbps tương đương tốc độ download tối đa bằng 15GB mỗi giây. Hoặc thực tế hơn, tải về một bộ phim 700MB chỉ mất 0,046 giây, một đĩa DVD 4,7GB chỉ mất 0,31 giây, một đĩa Blu-ray 50GB cũng chỉ tốn của bạn có 3,3 giây…
Dự án huy động 50 nhân lực công nghệ cao làm việc trong suốt 1 năm qua, với mức đầu tư 45 triệu USD (khoảng 945 tỷ đồng) cho việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông. Trên thực tế, đơn vị thi công đã kéo 300km cáp quang, triển khai 2 hệ thống CRS-3 Router (có khả năng mở rộng quy mô lên đến 322Tbps, đủ nhanh cho tất cả người dân Trung Quốc thực hiện cuộc gọi video cùng một lúc).
Về mặt lý thuyết, đường truyền 120Gbps cho phép 750.000 người tải nhạc qua dịch vụ Spotify đồng thời, hoặc một người có thể download một bộ phim trên iTunes mất 46 phần nghìn giây. Ý tưởng về mạng lưới internet tốc độ gigabit không có gì mới, nhưng việc ứng dụng trên quy mô lớn đòi hỏi số tiền khổng lồ.
Con số 120Gbps thực sự rất nhanh, nhưng dữ liệu và lưu lượng truy cập video trên internet đang phát triển mạnh, sự cần thiết của băng thông rộng hứa hẹn kỷ nguyên mới của tốc độ mạng trong tương lai. Như một phép để so sánh, tốc độ internet trung bình tại Hàn Quốc (quốc gia có băng thông rộng nhanh nhất cho người dân) hiện phổ biến trong khoảng 100Mbps, trong khi đường truyền 1Gbps mới đang được thử nghiệm.
Cho đến giờ, người dùng chủ yếu sử dụng internet tốc độ cao vào mục đích giải trí, gồm chơi điện tử, xem truyền hình, tải video… Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ mới khai thác mạng băng rộng cho cuộc hội thảo video độ nét cao hơn.