Bóng đá Việt Nam 2018: Đầu đã xuôi...

Tùy Phong, Theo Thể thao & Văn hóa 11:50 22/02/2018
Chia sẻ

Hành trình kỳ diệu của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 báo hiệu một năm đầy hứng khởi cho nền bóng đá. Dù thế, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm để đưa đẳng cấp nền bóng đá đi đúng quỹ đạo.

Bóng đá Việt Nam 2018: Đầu đã xuôi... - Ảnh 1.

Thành công của đội tuyển U23 tại VCK U23 châu Á đã thổi luồng cảm hứng mãnh liệt cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tuấn Phong

Đầu xuôi đuôi lọt?

Kỳ tích mới đã được viết lên trên đất Trung Quốc, khi đội tuyển U23 Việt Nam dưới triều đại Park Hang Seo đã quật ngã hàng loạt đối thủ lớn, và chỉ chịu thua Uzbekistan ở trận chung kết. Đội bóng đã chiến đấu quật cường, với bao thông điệp được truyền đi khắp thế giới bằng ngôn ngữ hình ảnh sống động nhất. Thầy trò ông Park trở về và được chào đón như những người hùng thật sự.

Chúng ta đều biết, bóng đá Việt Nam sẽ có một năm đầy bận rộn, với 6 ĐTQG khác nhau (bao gồm cả futsal) tham dự các VCK giải đấu cấp châu lục. Sau U23 Việt Nam, đội tuyển futsal nam Việt Nam cũng giành vé vào chơi tứ kết tại giải futsal vô địch châu Á 2018 vừa kết thúc. Bắt đầu từ tháng 4 tới đây, lần lượt futsal nữ, đội tuyển bóng đá nữ, rồi U16, U19 quốc gia cũng sẽ nhập cuộc.

Một trong những hạng mục giải đấu quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam trong năm 2018 là AFF Cup. Về mặt quy mô, đây chỉ là sân chơi khu vực, nhưng tính chất lại rất khác, khi đã 10 năm qua, kể từ lần đầu tiên và duy nhất đăng quang, chúng ta chưa một lần vào chơi trận chung kết, thậm chí còn bị loại sớm ngay tại vòng bảng như AFF Suzuki Cup 2012, giải đấu diễn ra trên đất Thái Lan.

Trong khuôn khổ SEA Games hay AFF Cup, bóng đá Thái Lan vẫn là ông trùm, khó đánh bại bậc nhất. Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á mở ra tín hiệu lạc quan nhất định, khi đây là lứa cầu thủ tiệm cận ĐTQG, thậm chí hơn phân nửa số này đã chơi cho ĐTQG từ đôi ba năm qua. Chúng ta có cơ hội đánh bại các đối thủ mạnh nhất châu lục, nếu biết tính toán hợp lý như U23.

Bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ, cơ bản chỉ có một vị thế khá khiêm tốn. Việc chọn đấu pháp để xây dựng thuộc tính lối chơi vì thế rất quan trọng, quyết định sự thành bại. Đội tuyển U23 Việt Nam vào đến trận chung kết giải châu lục, nhờ chiến thuật phòng ngự/phản công, cùng một tinh thần chiến đấu không sợ hãi. Đấy chính là thuộc tính lối chơi sở trường của chúng ta, không được phép từ bỏ.

Chờ tín hiệu lạc quan của V-League

Các học viện bóng đá hay lò đào tạo, hoặc xa xỉ hơn một chút là bóng đá học đường đã và đang tạo được chân đế khá vững cho nền bóng đá, nhưng phần lớn chúng ta đều biết rằng, để tiến tới một nền bóng đá tự cường là câu chuyện dài nhiều tập. Trong đó, việc phát triển giải VĐQG V-League là con đường bất biến duy nhất. Chúng ta không có lựa chọn khác, khi chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ.

Bộ mặt hay tham vọng của nền bóng đá Việt Nam chính là V-League và ĐTQG, chứ không phải các đội tuyển trẻ quốc gia, càng không phải bóng đá nữ hay futsal. Thế nhưng, V-League bao năm qua còn rất nhiều sạn, còn ĐTQG liên tục thất bại tại các hạng mục giải đấu khác nhau, từ khu vực đến châu lục và Vòng loại World Cup. Thực tế là, bóng đá Việt Nam đã và đang xếp sau Thái Lan.

Việc cải thiện và nâng cấp V-League, cũng như chất lượng đầu ra là ĐTQG cần nhiều thời gian, tuy nhiên, phải bắt đầu từ việc khắc phục những tồn tại trước đó. Việc giữ nguyên quy định đăng ký 2 suất ngoại binh (dùng 2) và một Tây nhập tịch/CLB bị cho là không còn hợp thời nữa, cần phải thay đổi để tăng chất lượng các trận đấu. Khâu điều hành và công tác trọng tài cũng cần cải thiện nhiều.

Bóng đá Việt Nam và hệ thống thi đấu các giải quốc gia đang đứng trước vận mệnh lớn, hành động hoặc không gì cả. Những thành tích đáng khích lệ của bóng đá trẻ Việt Nam trong những năm qua sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí gánh nặng lịch sử, nếu chúng ta sớm tự mãn, không đưa được chiến lược bước tiếp theo. V-League chính là mắt xích quan trọng bậc nhất trong guồng quay bóng đá Việt.

1. B.Bình Dương là CLB Việt Nam đầu tiên và duy nhất từng lọt vào tới bán kết AFC Cup 2009. Trước và sau đó, không một đại diện V-League nào tạo được cột mốc lịch sử này tại đấu trường châu lục.

2. Mặc dù giành chức vô địch V-League 2017, nhưng Quảng Nam lại không đủ tiêu chuẩn để đá AFC Champions League và thậm chí cả AFC Cup. Việc chuẩn hoá mô hình CLB chuyên nghiệp rõ ràng vẫn bị xem nhẹ.

3. Sau 3 năm gắn bó với V-League, Toyota đã nói lời chia tay. Thay thế hãng sản xuất xe hơi đến từ Nhật Bản ở V-League 2018 là NutiFood, một thương hiệu sữa và thực phẩm dinh dưỡng nội địa, với gói tài trợ được cho là trên dưới 40 tỷ đồng/mùa giải.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày