"BlacKkKlansman" - Hành trình bóc mẽ hội kín "thờ da trắng - bài da đen" nổi như cồn ở Mỹ

NGUYỄN VÂN, Theo Helino 14:59 24/02/2019

Phân biệt chủng tộc - chủ đề vốn nhạy cảm và nặng nề, lại được đạo diễn Spike Lee diễn đạt trong "BlacKkKlansman" bằng ngôn ngữ điện ảnh hài hước, tinh tế đến bất ngờ.

Chống phân biệt chủng tộc là một chủ đề chưa bao giờ lỗi thời ở Hollywood khi người da màu tại Mỹ vẫn chịu nhiều định kiến nặng nề. Không quá bất ngờ khi tại Oscar 2019, 3 trong tổng số 8 tác phẩm được đề cử Phim xuất sắc lại có yếu tố sắc tộc là Black Panther, BlacKkKlansmanGreen Book. Trong số đó, bộ phim của Spike Lee đã xoáy sâu vào đảng KKK - một trong những nhóm bài xích người da màu cực đoan ngay trong lòng nước Mỹ.

Trailer "BlacKkKlansman"

Nội dung BlacKkKlansman được dựa trên quyển hồi kí Black Klansman của tác giả Ron Stallworth, xuất bản năm 2014 với bối cảnh chính diễn ra vào thập niên 1970 của thế kỉ trước. Khi đang là một sĩ quan cảnh sát da màu trẻ tuổi, Ron (John David Washington) đã mạo hiểm thâm nhập hội kín KKK với chủ trương cổ súy thuyết da trắng thượng đẳng, kì thị và bài trừ người da đen.

Một câu chuyện từ quá khứ nhưng phủ bóng đen lên thời hiện đại

Để có thể kết nối với BlacKkKlansman, bạn cần nhìn lại một chút về xã hội Mỹ trong những năm 1970 cũng như những di chứng của một ý thức hệ còn sót lại từ lịch sử lâu đời trước đó. Ngày 6/12/1865, Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp Mỹ đã được phê chuẩn, chính thức chấm dứt chế độ nô lệ.

BlacKkKlansman - Hành trình bóc mẽ hội kín thờ da trắng - bài da đen nổi như cồn ở Mỹ - Ảnh 2.

Nhưng tất cả chỉ là hình thức, vì người da đen vẫn chưa thể có quyền bình đẳng như người da trắng. Ngày 24/12/1865 (10 ngày sau khi Tổng thống Araham Lincoln) bị ám sát, tổ chức Ku Klux Klan (KKK) - tập hợp của quân đội miền Nam nước Mỹ với chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng (White Supremacy) - được thành lập.

Sau này, hội còn có những tôn chỉ cấm đoán khác như bài Do Thái, bài Công giáo chống đồng tính luyến ái, chống dân di cư và chủ nghĩa địa phương. Hội kín này thường sử dụng các biện pháp khủng bố, bạo lực và các hoạt động mang tính hăm dọa chẳng hạn như đốt thập giá, treo cổ... để đe dọa người Mỹ gốc Phi và những người khác.

BlacKkKlansman - Hành trình bóc mẽ hội kín thờ da trắng - bài da đen nổi như cồn ở Mỹ - Ảnh 3.

Đạo diễn Spike Lee đã tái hiện sơ nét những yếu tố lịch sử này thông qua một trích đoạn trong bộ phim nổi tiếng Cuốn theo chiều gió cùng đoạn diễn thuyết sặc mùi phân biệt, kì thị chủng tộc của tiến sĩ Kennebrew Beauregard (Alec Baldwin) - một nhân vật hư cấu trên truyền hình.

BlacKkKlansman mở màn bằng một hình ảnh quá khứ, nhưng lại được kết thúc với một hình ảnh ghi lại trong thế kỉ 21. Đó là đoạn tư liệu ghi lại những gì David Duke nói trong thời gian gần đây, rằng ông ta vẫn sẽ luôn đấu tranh theo tôn chỉ của KKK. KKK cũng như chế độ nô lệ, tan rã nhưng vẫn âm thầm tồn tại như cỏ dại, sẵn sàng bùng nổ với những cây thánh giá rực cháy trong dông bão khi thời cơ đến.

Hành trình điều tra tội phạm cười ra nước mắt

Đầu những năm 1970, sự kì thị người da đen vẫn được thể hiện rất rõ, diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật mà chẳng chút e dè. Anh thanh niên nhiều hoài bão Ron Stallworth đã hăm hở nộp đơn vào đồn cảnh sát Colorado Springs sau khi đọc dòng biểu ngữ tuyển dụng. Anh trở thành cảnh sát da màu đầu tiên trong khu vực. Nhưng chuyện cũng chỉ là hình thức, Ron bị điều làm công việc lưu trữ nhàm chán, bị chính đồng nghiệp lẫn cấp trên da trắng xem như một "con vật ngu xuẩn và hèn kém".

BlacKkKlansman - Hành trình bóc mẽ hội kín thờ da trắng - bài da đen nổi như cồn ở Mỹ - Ảnh 4.

May thay, Ron sớm được điều chuyển công tác và được giao một công việc đúng với chức năng cũng như đam mê. Đó là việc theo dõi những hành động của chi nhánh đảng KKK tại địa phương.

Thật ra, ngoài trừ Ron, tất cả cảnh sát trong đồn đều nghĩ rằng, hội sở của những gã đàn ông da trắng không thích da đen này chẳng có gì nguy hại. Ít nhất là trong mắt họ, KKK chẳng đáng lo bằng việc lãnh đạo của phong trào Black Power, Stokely Carmichael đến nói chuyện với các sinh viên da màu trong vùng.

Vì là người da đen, nên từ ban đầu Ron ban đã được phân nhiệm vụ trà trộn, để điều tra và ngăn chặn những sự cố bạo loạn có thể xảy ra. Nhưng chính anh chàng lại bị cuốn hút bởi nữ sinh viên Patrice (Laura Harrier) và tìm được sự đồng cảm, giác ngộ từ buổi nói chuyện về những bất công, dối trá mà cộng đồng da màu của anh đang hứng chịu.

Sau khi nhận nhiệm vụ thứ hai, bằng khả năng ứng đáp nhạy bén, Ron nhanh chóng lấy được lòng các thành viên lãnh đạo nhà quê của chi nhánh KKK lẫn tay chính trị gia David Duke (Topher Grace). Nhưng oái ăm thay, Ron – một người da đen không thể gặp mặt trực tiếp những người bạn mới da trắng cực đoạn. Việc này dẫn đến chuyện người đồng nghiệp người Do Thái Flip Zimmerman (Adam Driver) trở thành thế thân bất đắc dĩ.

Với dáng hình của một anh da trắng cùng sự chỉ đạo của một anh da đen, hội kín KKK lần lượt bị phơi bày với những suy nghĩ cực đoan, thiển cận và đôi khi là ngớ ngẩn.

Cười trước mặt, lo âu ngập sau lưng

Những cuộc trò chuyện giữa Ron với các thành viên của hội kín qua điện thoại được thể hiện không thể châm biếm hơn. Ron đã đánh vào tâm lí căm ghét da màu của hội kín để khai thác thông tin. Và những gì anh thu được là vô cùng bất ngờ. Như chuyện Duke khăng khăng khẳng định Ron là người da trắng. Vì chỉ có da trắng mới phát âm được tiếng Anh chuẩn, rằng chỉ có da trắng mới có thể nói chuyện một cách duyên dáng đến thế.

BlacKkKlansman - Hành trình bóc mẽ hội kín thờ da trắng - bài da đen nổi như cồn ở Mỹ - Ảnh 5.

Ngược lại, sự tiếp xúc trực tiếp giữa Ron - do Flip đóng giả với KKK lại thể hiện sự cực đoan, điên rồ mà tổ chức này có thể gây ra trong cộng đồng. Nếu lãnh đạo cấp cao Duke chỉ bày tỏ việc ghét da đen vì tư tưởng thượng đẳng, thì lí do ghét của những kẻ bề tôi ít học thức, nghèo nàn hơn lại xoay quanh chuyện chúng cảm thấy bất công, bất lực và muốn tìm ai đó để đổ lỗi cho thất bại của chính mình.

Nhưng mâu thuẫn không chỉ tồn tại trong cộng đồng da trắng, nó còn tiềm ẩn trong cộng đồng da màu mà ít người có thể nhận ra. Điều này thể hiện qua hai quan điểm trái ngược nhau giữa Ron với bạn gái Patrice.

BlacKkKlansman có một phân đoạn vô cùng ấn tượng, tạo cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ. Đó là hai sự kiện diễn ra song song: một bên là những thành viên KKK trong buổi hội họp thành viên và xem lại bộ phim The Birth of a Nation (1915) – bộ phim Mỹ đầu tiên được chiếu ở Nhà Trắng.

BlacKkKlansman - Hành trình bóc mẽ hội kín thờ da trắng - bài da đen nổi như cồn ở Mỹ - Ảnh 6.

Trong phim, KKK được xem là người hùng đứng lên chiến đấu chống lại những tên da đen hung ác. Phía đối lập, một cụ già đang kể cho những thế hệ trẻ nghe về câu chuyện bi thảm của một cậu bé da đen bị ngược đãi tồi tệ. Cao trào được đẩy lên cao khi hai bên cùng đồng thanh hô vang khẩu hiệu đề cao sức mạnh cho cộng đồng mình. Một sự đối lập mang nhiều ẩn ý của Spike Lee.

Phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại dai dẳng và đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Để xóa bỏ sự kì thị cay nghiệt ấy, không chỉ cần sự lên tiếng của những người da màu mà nó còn phải có sự thay đổi từ chính người da trắng. Bởi nếu không, thì hố sâu chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ sẽ ngày càng rộng hơn.

Spike Lee đã nói về vấn nạn phân biệt chủng tộc bằng bầu không khí hài hước, đôi khi có phần tếu táo chứ không nặng nề, sầu thảm như các phim cùng đề tài. Nhưng trong cái hài ấy, ta vẫn cảm nhận được sự căng thẳng, ớn lạnh và rùng mình trước những điều có thể xảy ra. Phim nhận được đề cử 6 giải Oscar, bao gồm Nhạc Phim, Kịch bản Chuyển thể, Nam phụ (Adam Driver), Biên tập, Đạo diễn và Phim xuất sắc.