Reshef Levi sinh năm 1972, được coi là một hiện tượng của ngành điện ảnh Isarel. Anh là một nhà văn, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất phim truyền hình, đồng thời là một danh hài. Levi từng thắng hai giải lớn ở Israel đó là Israeli Theatre Award (Giải thưởng điện ảnh Israel) và giải thưởng hàn lâm về phim truyền hình của cục điện ảnh Isarel. Levi đã lập gia đình và hiện đang có 7 người con. Anh hiện đang sinh sống tại Kfar Sava.
Những năm đầu tiên
Sinh ra trong gia đình có 8 người con và cha làm nhà báo, mẹ theo đạo chính thống, Levi có nhận thức sâu sắc về tình hình đất nước và có cái nhìn tổng thể về thế giới xung quanh. Khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Levi phục vụ cho Maglan, một đơn vị đặc nhiệm và sau khi xuất ngũ, anh được nhận vào đại học Tel Aviv qua chương trình học bổng cho sinh viên xuất sắc. Chuyên ngành đa khoa mà anh học đã trang bị cho Levi số lượng kiến thức phong phú để trau dồi làm phim sau này.
Reshef Levi
Năm 2001, một người em trai tên là Regev của Levi qua đời vì bệnh AIDS. Sau sự kiện đó, Levi thay đổi bút danh thành "anh em Reshef và Regev Levi" như một sự tưởng niệm cá nhân dành cho em trai. Một người khác trong số các anh em của Levi là Yannets Levi cũng là một nhà văn nổi tiếng ở Isarel.
Levi bắt đầu viết kịch bản cho những dự án phim hài trên truyền hình từ năm 1994, thời điểm anh vẫn còn trong quân ngũ. Những tác phẩm đầu tiên của anh như "Zehu Ze", "Shemesh", "Zahal 1" đều lấy bối cảnh cuộc sống đời thường trong quân ngũ, nhưng không gây được nhiều sự chú ý.
Năm 2003, Reshef Levi viết một kịch bản có tên là "Tears of Amsalem", đặc tả cuộc đời của một tên xã hội đen có bố bị đưa vào trại dưỡng lão. Dự án của Levi nhận được phản hồi tích cực. Những trăn trở về đạo đức cũng như đạo làm người trong phim rất thực tế, tạo được nhiều đồng cảm. Nhưng ngày vui không kéo dài được bao lâu, Tears of Amsalem bị hủy khi mới trình chiếu được vài tập vì lý do không có nhà tài trợ.
Sự nghiệp nở rộ với "Người Phán Xử"
Tuy buộc phải từ bỏ dự án mới chớm nở nhưng Reshef Levi vẫn không nản. Anh đem kinh nghiệm từ bộ phim trước để xây dựng nên một kịch bản mới, với nhiều ý tưởng táo bạo hơn. Và thế là năm 2007, The Arbitrator (Ha Borer - Người Phán Xử bản gốc) ra đời.
Ha Borer kể câu chuyện xoay quanh gia đình của Baruch Asulin, một ông trùm đã có tuổi được giới xã hội đen gọi là "người phán xử" vì chuyên đóng vai trò xử lý các tranh chấp và ân oán trong thế giới ngầm. "Người phán xử" là một sát nhân giết người không ghê tay nhưng đồng thời lại là tín đồ sùng đạo Do Thái.
Baruch là trưởng hội Do Thái giáo trong khu dân cư mình sống và mỗi khi phán xử giới xã hội đen, ông thường trích dẫn kinh Ngũ Thư (kinh Torah, một bộ kinh trọng tâm của Do Thái Giáo). Ông trùm phát hiện ra mình có một người con ngoài giá thú đang làm nhân viên xã hội tên là Nadav. Nhận thấy Nadav có phẩm chất tư duy chiến lược tuyệt vời, ông lôi kéo anh ta vào thế giới ngầm phục vụ cho mình.
Với phong cách nghệ thuật của Tears of Amsalem, Levi hợp tác sản xuất Ha Borer cùng Shay Kanot và được nhà đài Armoza Formas tài trợ vững bền. Câu truyện kể về gia đình tội phạm có vị thế hàng đầu trong thế giới ngầm nhận được sự tán dương rầm rộ từ phía khán giả và nhanh chóng được phong là phim truyền hình hay nhất mọi thời đại của Isarel, đưa Levi một bước trở thành biên kịch vàng của làng truyền hình nước này.
Vì sao Ha Borer lại trở thành tinh hoa của truyền hình Israel?
Thứ hấp dẫn nhất ở Ha Borer là nhịp phim và tiết tấu dồn dập, kịch tích. Vì ngân sách hạn hẹp nên các tập có số phân cảnh ít hơn so với thời lượng thông thường ở phim truyền hình Mỹ. Đạo diễn và biên kịch đã phải thiết kế sao cho từng cảnh, từng chi tiết, lời thoại trong phim trở nên cô đọng và gãy gọn nhất. Mọi thứ đều phải điển hình hoá để gây ấn tượng găm thẳng vào trí nhớ người xem. Điều này khiến cho bộ phim trở nên dồn dập, gay cấn. Đạo diễn Shay Kanot phát biểu: "Chúng tôi luôn cố đưa vào khung cảnh hoặc là những cảnh hành động, hoặc là một câu thoại sắc sảo để khiến cho khán giả luôn phải vận động suy nghĩ trong đầu".
Ngoài ra, một điểm hay nữa của Ha Borer nữa là Levi và đạo diễn đã mượn đề tài tội phạm để truyền tải thông điệp về triết lý và tôn giáo. Đây là một nước đi cực kỳ nguy hiểm. Bởi nếu như làm sai cách, phim sẽ hỏng hoàn toàn vì khiên cưỡng và trừu tượng. Tuy nhiên, Ha Borer lại vận hành câu chuyện cực kỳ trơn tru với lời thoại thuyết phục và diễn xuất chân thật. Điều này khiến Ha Borer của Levi không bị nhầm lẫn với các bộ phim cùng đề tài thế giới ngầm khác.
Lấy ví dụ cho sự khác biệt của Ha Borer. Trong quá trình hợp tác với ông trùm, Nadav bị vương vấn bởi cảm giác lương tâm cắn dứt. Ông trùm đã cắt lời anh ta ngay lập tức: "Không có cái gì là lương tâm trong đạo Do Thái hết. Chỉ có các lời răn mà thôi!".
Trong một cảnh khác lấy cảm hứng từ tác phẩm Bố Già, ông trùm đã tỏ ý phản đối phi vụ buôn ma tuý xuyên biên giới dưới tư cách một người Do Thái yêu nước. Ông nói với kẻ nhẽ ra sắp là đối tác rằng: "Tôi rất quý anh, cũng như quý tất cả những người Do Thái khác. Nhưng hãy nghe tôi, anh đã đi nhầm đường rồi".
Bộ phim đưa lên hiện thực của đất nước nhưng không phán xét hay phê bình. Chỉ là một bức tranh mà nhìn vào đó, ta thấy được tổng thể về Isarel. Sự nghiệt ngã có phần mỉa mai về sự dửng dưng giữa công dân với chính quyền. Đồng thời, bộ phim cũng cho thấy giá trị vững bền của dân tộc Do Thái luôn cuộn chảy âm ỉ trong xã hội hiện đại bất chấp những thách thức của thời kì đổi mới, dù là giữa những tên tội phạm hay người bình thường.
Trong một đoạn đáng nhớ trong phim, nhóm tay sai của ông trùm đang chặn đánh một người đàn ông định trốn khỏi thế giới ngầm. Vật lộn với nhau một hồi, họ nhận ra con trai của người đàn ông này đã thiệt mạng tại chiến trường Lebanon. Tất cả dừng lại ngay lập tức rồi một người nói: "Tôi cũng từng là lính". Người nữa nói: "Tôi cũng từng chiến đấu tại Lebanon". Với sự trân trọng cho sự hy sinh của gia đình người đàn ông cho đất nước, nhóm xã hội đen để ông ta ra đi.
Levi đã khéo léo cài cắm những biểu tượng mang tính thời đại của Isarel trong một thập kỷ qua vào bộ phim của mình. Một đất nước đã từng phải tranh giành đất với người Ả Rập, đế chế La Mã, bị đuổi khỏi chính quê hương mình và phải đi tha hương khắp châu Âu, bị diệt chủng trong thế chiến thứ 2 bởi Đức Quốc Xã, bị khủng bố và chiến tranh tàn phá. Dù cho có vị trí địa lý ở châu Á nhưng về chính trị thì lại được coi là một nước châu Âu, Isarel giờ đây bị đẩy lên một con thuyền bơ vơ trên hành trình tìm kiếm và gìn giữ linh hồn cho riêng mình giữa một đại dương bản sắc.
Dù hiện đang có bước nhảy vượt bậc về kinh tế và phát triển thần kỳ sau chiến tranh, nhưng hội nhập hoá và những cơn khát của chủ nghĩa tư bản khiến đất nước này luôn phải giằng co tranh đấu trong những suy tưởng về giá trị hồn cốt của dân tộc mình. Với tinh thần kêu gọi gìn giữ văn hoá dân tộc, Ha Borer đã đã trở thành một bộ phim "quốc dân" của Israel, là cẩm nang chân kinh giữ gìn quốc hồn quốc tuý của một dân tộc đã quá quen với cảnh tha hương, là tiếng sấm khẳng định giá trị của bản sắc. Levi được ca ngợi như một thiên tài của Isarel. Dàn diễn viên trong phim mỗi khi ra đường đều được người dân vây quanh, thậm chí còn bị nhầm với nhân vật mình đóng trong phim. Các băng nhóm liên tục tranh nhau nhận mình là nguồn cảm hứng cho tác phẩm.
Nhờ bước đệm trên, Levi lấn sân sang điện ảnh. Tác phẩm màn ảnh rộng đầu tiên của anh là Lost Islands năm 2008. Phim được 14 đề cử giải Ophir (giải thưởng hàn lâm về điện ảnh và truyền hình Isarel). Năm 2009, Reshef Levi được bổ nhiệm vào vị trí trưởng nhà hát Habima, nhà hát quốc gia Isarel. Năm 2013, Levi cho ra một bom tấn khác, Hunting Elephants với sự tham gia của ngôi sao nổi tiếng trong loạt phim X-men của Hollywood – Patrick Stewart. Thành công nối tiếp thành công và ngày càng củng cố vị thế số một của anh trong làng điện ảnh sở tại.
Ha Borer phiên bản Việt
Nói như vậy, cũng có thể thấy, khi Việt hoá kịch bản của Ha Borer, những nhà làm phim Việt đã phải dụng tâm và đầu tư chất xám nhiều như thế nào để những gì ta thấy trên phim mang nhiều tinh thần Việt. Ở "Người Phán Xử", khán giả vẫn nhìn ra một ông trùm của vùng biên Việt Nam qua diễn xuất của NSND Hoàng Dũng, hay gã công tử Phan Hải rất Việt của Việt Anh. Nhóm biên kịch, đạo diễn và các diễn viên thật sự tôn trọng khán giả để đem đến một Ha Borer phiên bản Việt, xứng đáng nhận được lời khen ngợi cho những nỗ lực của mình.
Người Phán Xử đang phát sóng trên VTV3, lúc 21h45 thứ 4 và thứ 5 hàng tuần.