Bị nghi mắc ung thư cổ tử cung, nhờ làm 2 xét nghiệm này mà Cao Thiên Trang đã thoát khỏi nỗi lo hoàn toàn

Gà, Theo Helino 19:31 07/09/2019

Đây là căn bệnh ung thư phụ khoa mà phái nữ thường có nguy cơ mắc phải rất cao, thậm chí nó còn là nỗi ám ảnh của nhiều cô gái trẻ.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính phổ biến, chiếm tỷ lệ nữ giới mắc phải rất cao. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều người chủ động trong việc tầm soát nguy cơ mắc bệnh, dẫn đến những trường hợp phát hiện thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối.

Mới đây, một trong những mảnh ghép làm nên thương hiệu "Team Sang" - Cao Thiên Trang đã chia sẻ về vấn đề này trên trang Facebook cá nhân.

Bị nghi mắc ung thư cổ tử cung, nhờ làm 2 xét nghiệm này mà Cao Thiên Trang đã thoát khỏi nỗi lo hoàn toàn - Ảnh 1.

Nguồn Facebook: Cao Thien Trang.

Nguyên văn dòng chia sẻ của Cao Thiên Trang:

"Hôm kia bác sĩ phụ khoa của mình gọi điện để trả kết quả xét nghiệm. Bác bảo: "Trang ơi kết quả HPV của cháu có vấn đề. Cháu bị nhiễm virut nhóm 18. Có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao. Mai cháu lên cho bác kiểm tra lại nhé".

Lúc nghe câu đấy, đầu óc của mình có chút quay quay. Cảm giác cũng khó tả, không biết phải nói thế nào cho đúng. Đến sáng qua đi lên bệnh viện để kiểm tra thì bác nói hiện tại cổ tử cung của mình không có vấn đề gì bất thường, virut thì vẫn ở đó nhưng hiện tại mình còn trẻ, thông thường 80% sẽ tự khỏi trên người trẻ chứ không cần điều trị thuốc. Nhưng cũng không thể chắc chắn được điều gì nên từ giờ cứ 3 tháng mình đều phải kiểm tra tế bào 1 lần. Bác bảo: "May cho cháu có kiểm tra cả Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) và HPV nên mới phát hiện điều bất thường. Có nhiều bạn gái trẻ bây giờ thờ ơ, sợ bác sĩ nên không thực hiện kiểm tra sức khoẻ định kì dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc"

Đến hôm nay khi bình tâm lại thì mình hi vọng bài viết này có thể giúp được các bạn gái được hiểu rõ hơn về 2 xét nghiệm Pac Smear và HPV mình đã thực hiện để tầm soát ung thư cổ tử cung - một trong ba căn bệnh ung thư gây tử vong phổ biến nhất thế giới.

1 Xét nghiệm Pap Smear là gì?

Xét nghiệm Pap Smear (còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung), là một xét nghiệm tế bào học để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mặt khác, ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không còn tùy vào việc bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hay trễ.

Pap smear được thực hiện bằng cách thu thập và kiểm tra các tế bào ở khu vực cổ tử cung - một đoạn hẹp nằm dưới tử cung, ngay phía trên âm đạo của nữ giới.

2 Xét nghiệm HPV.

Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV, một trong những tác nhân phổ biến dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ nên lặp lại xét nghiệm Pap mỗi ba năm một lần trong độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi. Đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, vấn đề sau bao lâu nên làm lại Pap smear sẽ tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm HPV.

Có 2 trường hợp xảy ra ứng với kết quả cận lâm sàng HPV là âm tính hay dương tính.

Trường hợp HPV âm tính (không bị nhiễm HPV): bạn nên ưu tiên thực hiện Co-testing mỗi 5 năm một lần, hoặc tiếp tục làm Pap smear 3 năm/lần.

Trường hợp HPV dương tính (có nhiễm HPV): bệnh nhân cần thực hiện Co-testing trong 12 tháng tiếp theo.

3 Tại sao cần phải làm lại Pap smear mỗi năm 1 lần?

Xét nghiệm Pap smear là phương pháp an toàn và hiệu quả để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào là hoàn hảo cả. Trên thực tế, mặc dù rất hiếm nhưng phết tế bào cổ tử cung vẫn có thể nhận được kết quả âm tính giả - có nghĩa là, kết quả xét nghiệm không phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu ung thư nào, trong khi sự thật là bạn đang có các tế bào bất thường trong cơ thể.

Khi kết quả xét nghiệm là âm tính giả, không có nghĩa là quy trình thực hiện có vấn đề. Nói chung, vẫn có các yếu tố khách quan gây ra kết quả âm tính giả mà chúng ta không thể kiểm soát được, bao gồm:

Số lượng tế bào phết cổ tử cung thu được quá ít

Chưa đủ ngưỡng phát hiện

Các tế bào bất thường bị che khuất bởi các tế bào máu.

Tuy mầm mống ung thư có thể không bị phát hiện qua một lần xét nghiệm Pap, nhưng thời gian dành cho bạn vẫn còn khá nhiều. Ung thư cổ tử cung phải mất vài năm để phát triển. Bên cạnh đó, rất có thể những tế bào bất thường này sẽ không thể "thoát khỏi" trong lần xét nghiệm tiếp theo.

Hơn nữa, việc xét nghiệm Pap smear tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ nhiều lần để kịp thời phát hiện nguy cơ mắc bệnh, từ đó triển khai điều trị sớm nhất có thể.

Mình không dám viết nhiều, mình cũng từng biết có bạn gái ở tuổi của mình đã qua đời vì căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác này. Cho nên mình hi vọng các bạn có thể chú ý và bảo vệ hơn cho sức khoẻ sinh sản của mình nói riêng cũng như niềm vui và hạnh phúc của bản thân mình nhé".

Theo chia sẻ của Cao Thiên Trang, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm sức khỏe, bác sĩ phụ khoa đã thông báo kết quả HPV của cô có vấn đề nên cần tiến hành làm hai loại xét nghiệm nữa để chẩn đoán bệnh từ sớm. Sau đó, Cao Thiên Trang đã trải qua hai loại xét nghiệm là xét nghiệm Pap Smear và xét nghiệm HPV (đây là hai loại xét nghiệm giúp sàng lọc nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung mà nữ giới sau khi quan hệ tình dục hay mắc bệnh viêm nhiễm kéo dài cần chủ động đi kiểm tra).

Bị nghi mắc ung thư cổ tử cung, nhờ làm 2 xét nghiệm này mà Cao Thiên Trang đã thoát khỏi nỗi lo hoàn toàn - Ảnh 3.

Thật may là sau khi làm đủ hai xét nghiệm này, bác sĩ cho biết hiện tại cổ tử cung của Cao Thiên Trang không có vấn đề gì bất thường, virus thì vẫn còn đó nhưng do cô còn trẻ và thường thì 80% bệnh sẽ tự khỏi trên người trẻ nên không cần điều trị bằng thuốc.

Bị nghi mắc ung thư cổ tử cung, nhờ làm 2 xét nghiệm này mà Cao Thiên Trang đã thoát khỏi nỗi lo hoàn toàn - Ảnh 4.

Từ sau lần kiểm tra này, Cao Thiên Trang đã chú ý nhiều hơn tới việc đi khám sức khỏe định kỳ. Cứ đều đặn 3 tháng/lần, cô sẽ đi kiểm tra tế bào một lần xem có vấn đề gì khác thường trong cơ thể không để kịp thời chữa trị ngay. Bác sĩ cũng chia sẻ rằng, rất may là Cao Thiên Trang đã thực hiện cả hai xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là Pap Smear và HPV nên biết rõ hơn tới tình trạng sức khỏe của mình. Trên thực tế, có nhiều cô gái trẻ vẫn đang rất thờ ơ với chính sức khỏe của mình, không chủ động đi kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ nên dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

*Liên lạc với Cao Thiên Trang, chúng mình cũng đã kịp thời phỏng vấn cô nàng một số câu hỏi xoay quanh vấn đề này!

1. Khi biết mình có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, tâm trạng của Cao Thiên Trang lúc đó như thế nào?

Thật sự lúc nghe bác sĩ báo tin mình khá sững sờ, vì mỗi năm mình và mẹ đều kiểm tra Pap khi khám tổng quát và không vấn đề gì. Tới khi kiểm tra chuyên sâu hơn thì phát hiện virus. Chỉ số nhiễm cũng khá cao nên bác sĩ đã thực hiện siêu âm cổ tử cung xem có gì bất thường không. Sau đó thì được bác sĩ chỉ định cứ mỗi 3 tháng phải kiểm tra lại một lần.

2. Mặc dù không phải điều trị bằng thuốc thang gì nhưng bác sĩ có nhắn nhủ Cao Thiên Trang nên điều chỉnh lối sống sinh hoạt hiện tại của mình như thế nào để đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh không?

Hiện tại có thể kiểm soát virus bằng việc chích mũi ngừa HPV cho phụ nữ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, việc ăn uống, ngủ nghỉ đúng cách cũng như giữ sức khoẻ phụ khoa để độ PH được đầy đủ cũng là yếu tố quan trọng để đào thải virus.

3. Qua kinh nghiệm sau lần đi thực hiện 2 ca xét nghiệm là HPV và Pap Smear, Cao Thiên Trang có điều gì muốn nhắn nhủ tới giới trẻ bây giờ (đặc biệt là các bạn nữ) không?

Một tình trạng cần được cảnh báo đó là khi còn trẻ hầu như chúng ta đều nghĩ thanh xuân là mãi mãi nên rất chủ quan tới việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Còn một nguyên nhân nữa là sợ đi khám bệnh sẽ lòi bệnh ra. Bản thân Trang rơi vào dạng sợ lòi bệnh, nhưng sau khi phát hiện virus thì Trang cảm thấy rất may mắn vì mình đã phát hiện kịp thời. Trang hi vọng các bạn nữ có thể quan tâm hơn tới sức khoẻ sinh sản của mình nói riêng và sức khoẻ nói chung, vì sức khoẻ là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Cảm ơn Cao Thiên Trang đã dành thời gian chia sẻ!

Tại sao cần đi sàng lọc để phát triển nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung từ sớm?

Virus gây u nhú HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Có tới 95 - 97% nữ giới mắc bệnh là do nhiễm HPV. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này gồm có: quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều bạn tình, mắc bệnh viêm nhiễm kéo dài...

Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi lên đến 80 - 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm xuống 75% khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 2. Còn ở giai đoạn 3 sẽ chỉ còn 30 - 40%. Giai đoạn 4 giảm tiếp dưới 15%. Tất cả mọi lứa tuổi nữ giới đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Dù vậy, ở giai đoạn sớm thì bệnh lại không có triệu chứng cụ thể nên chị em phụ nữ thường chủ quan bỏ qua, không mấy để tâm đến bệnh.

Bị nghi mắc ung thư cổ tử cung, nhờ làm 2 xét nghiệm này mà Cao Thiên Trang đã thoát khỏi nỗi lo hoàn toàn - Ảnh 5.

Do đó, bạn nên bắt đầu đi sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung sau 2 năm kể từ khi có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên có chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ tùy theo sự tư vấn và kết quả xét nghiệm mà bác sĩ kiểm tra được, thông thường sẽ khoảng 3 tháng/lần.

Có những triệu chứng nào giúp nhận biết sớm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung hay không?

- Đau vùng xương chậu.

- Đi tiểu không kiểm soát.

- Giảm cân đột ngột.

- Vùng kín chảy máu bất thường.

- Vùng âm đạo tiết dịch màu trắng.

Bị nghi mắc ung thư cổ tử cung, nhờ làm 2 xét nghiệm này mà Cao Thiên Trang đã thoát khỏi nỗi lo hoàn toàn - Ảnh 6.

- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường.

- Đau rát sau khi quan hệ.

Source (Nguồn): Women's Health, Cancer, Facebook Cao Thien Trang