Bị lừa đảo qua mạng, tuyệt đối không làm điều này

Nhật Minh, Theo Đợi sống Pháp luật 10:50 01/02/2024

Nhiều người giả danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên ngân hàng công khai đăng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo chuyển khoản, tiền chốt đơn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán,...

Ngay sát dịp Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Công an tỉnh Quảng Ninh vừa có thông tin, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại số tiền bị lừa đảo của người bị hại, đối tượng lập ra nhiều hội, nhóm, fanpage hỗ trợ lấy lại số tiền đã bị lừa đảo.

Tại các hội nhóm này, đối tượng mạo danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên ngân hàng công khai đăng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo chuyển khoản, tiền chốt đơn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán với nội dung: “Muốn thu hồi tiền về tài khoản thì chủ động nhắn cho em để có cách xử lý; uy tín, đảm bảo giải ngân trong ngày; thủ tục đơn giản, chi phí thấp”…

Sau đó, để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng các phần mềm phát tán tin nhắn do chúng tạo ra, bình luận về các vụ thu hồi tiền bị lừa đã được giải quyết thành công. Khi có người liên lạc để được hỗ trợ, đối tượng sẽ thuyết phục, dụ dỗ nạn nhân “đặt cọc” một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền đã bị lừa đảo trước đó (thông thường là 10-20% số tiền). Một số người nhẹ dạ cả tin nên đã chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì nạn nhân bị khóa, chặn liên lạc.

Khi là nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh và tỉnh táo vì chỉ có thông qua cơ quan chức năng để tìm ra đối tượng lừa đảo và đòi lại tài sản. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng trên để mong lấy lại tiền.

Trường hợp bị lừa đảo hoặc nghi bị lừa đảo thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Bị lừa đảo qua mạng, tuyệt đối không làm điều này - Ảnh 1.

Ngoài chiêu thức này, công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua dịch vụ vay tiền cận Tết. Cụ thể, các đối tượng mạo danh là nhân viên ngân hàng gọi điện chào mời cho vay tiêu dùng, nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt qua thẻ tín dụng với mức chi phí thấp, thời gian nhận tiền nhanh.

Sau đó, đối tượng thường đề nghị kết bạn với khách hàng qua Zalo trao đổi trực tiếp; đồng thời, đề nghị khách hàng cung cấp thông tin cá nhân như: Họ tên, mã xác thực thẻ (CVV), số thẻ, mã OTP hoặc gửi cho khách hàng đường link giả mạo của ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau khi khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc truy cập vào đường link thì sẽ bị mất toàn bộ số tiền trong tài khoản và bị chặn liên lạc điện thoại.

Để tránh bị các đối tượng lừa đảo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP và truy cập vào các đường link do các đối tượng cung cấp… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật; đồng thời, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền.

Lừa đảo thông qua đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số

Ngoài 2 thủ đoạn trên, nhiều đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn lừa đảo bằng cách phát hành tiền ảo với quy mô lớn, phân phối bằng phương thức kinh doanh đa cấp trái phép, tạo ra các dự án “ma” và thực hiện niêm yết “token” trên một sàn giao dịch tiền ảo quốc tế.

Sau một thời gian ngắn, đối tượng sẽ rút toàn bộ thanh khoản, tiền ảo bị giảm giá thì nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã đầu tư. Ngoài ra, các đối tượng kêu gọi nhà đầu tư nạp tiền ảo khác vào phần mềm, website, sử dụng phần mềm để “đào” loại tiền ảo mới, với hứa hen sẽ trả lãi cao, trả thưởng để thu hút nhà đầu tư nạp thêm tiền, sau một thời gian, hệ thống sẽ ngắt kết nối và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư. Điển hình một số đồng tiền ảo như: Coinbank, Meer, BSCL… và một số sàn giao dịch điện tử; website đầu tư tiền ảo như: cobsna.vip, coin-base-dapp.com, Salavia.vip, blnantrc9.com; blancoins.cc, GICAAP..

Để tránh bị lừa đảo, khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số và các sàn, ứng dụng đầu tư tiền điện tử nước ngoài hoặc giả mạo sàn giao dịch quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro do các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số hiện chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, không tuyên truyền, kêu gọi sử dụng tiền ảo, tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán khi chưa được phép hoạt động.