Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ

Tứ Quý, Theo Trí thức trẻ 18:05 11/10/2022

Bến xe Miền Đông mới đã nhộn nhịp khách hơn sau 2 năm đìu hiu khi 79 tuyến xe từ Bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh đã chính thức di dời qua.

Hành khách đông dần lên

Ngày 11/10, các tuyến xe có tuyến đường từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) đi đến 15 tỉnh, thành phố đã chính thức di dời sang BXMĐ mới ở TP. Thủ Đức (bên cạnh nhà ga Metro số 1).

Đây là giai đoạn 2 di dời 79 tuyến sang bến xe mới với 15 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau.

Các chủ doanh nghiệp vận tải khi chuyển về BXMĐ mới cho đều có chung lo lắng ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hành khách phải dùng xe trung chuyển từ bến cũ sang bến mới và hàng hóa cũng tương tự.

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 1.

BXMĐ mới đông dần khách đến mua vé

Anh Nguyễn Viết Hòa (chủ doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM đi Bình Thuận) chia sẻ: "Hôm nay chính thức tuyến xe của tôi dời về nơi mới, hy vọng thời gian tới nguồn khách và hàng hoá ổn định. Làm doanh nghiệp vận tải thời nay quá khó. Anh em doanh nghiệp hay tài xế đều sống trong nỗi lo cơm áo gạo tiền… Mặc dù vậy phải học cách chấp nhận, ban đầu khó nhưng dần sẽ quen".

Còn ông Nguyễn Văn Chung (tài xế tuyến xe Châu Pha, Bà Rịa – Vũng Tàu đi TP.HCM) cho biết, ông bất ngờ từ khi hay thông tin tuyến xe của ông nằm trong danh sách phải di dời về bến mới.

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 2.

Ông Hoà là tài xế kiêm chủ doanh nghiệp vận tải chia sẻ trong ngày đầu di dời qua BXMĐ mới

"Những ngày qua tôi thấp thỏm lo lắng vì không biết về nơi mới các mối vận chuyển hàng hoá và hành khách sẽ ra sao. Chúng tôi đã quen làm việc ở bến cũ, ở đó vui có buồn có. Các mối làm ăn lâu nay toàn khách quen họ sống ở trung tâm thành phố rồi. Về nơi mới biết sẽ khó khăn đó nhưng đành phải chấp nhận vì thôi", ông Chung chia sẻ.

Cũng theo ông Chung, mặc dù khó khăn về các mối hàng hoá và hành khách nhưng bến mới có thuận tiện vì cự ly Bà Rịa – Vũng Tàu đi lên sẽ gần hơn việc phải thêm 20km vào trung tâm.

Trong khi đó, hầu hết hành khách đều thấy bất tiện vì BXMĐ mới xa trung tâm, chỉ có những hành khách ở khu vực TP. Thủ Đức cảm thấy "dễ thở" hơn chút.

Mặc dù vậy, các hành khách đều vui vẻ vui vẻ chấp nhận vì khu vực BXMĐ cũ thường xuyên kẹt xe mỗi giờ cao điểm và dịp Lễ, Tết.

"Hiện các nhà xe đều có xe trung chuyển từ bến xe cũ sang bến xe mới nên tôi cũng không thấy phiền gì, chỉ là giờ lên xe sớm hơn một chút. Nhìn chung BXMĐ mới rất đẹp, rộng rãi và có nhiều dịch vụ tiện ích", hành khách Lê Giang chia sẻ.

Hành khách tập trung mua vé và hỏi thông tin các tuyến xe

Theo anh Lê Giang, ngày đầu tiên thấy bến xe mới chưa đông khách nhưng có thể vài ngày tới sẽ đông hơn vì các tuyến xe về miền Trung và Tây Nguyên đều đã di dời về đây.

Thực tế, ngày đầu tiên đón 79 tuyến xe mới di dời về, BXMĐ mới chỉ đông khách hơn so với những ngày trước đó. Đây cũng là dấu hiệu khởi sắc cho BXMĐ mới sau 2 năm đưa đi vào hoạt động.

Nhiều dịch vụ tiện ích tại BXMĐ mới

Trước đó vào năm 2020 đã thực hiện di dời giai đoạn 1 là một số tuyến đường có cự ly từ 1.100 km trở lên, tức từ Quảng Trị trở ra các tuyến thuộc khu vực Miền Bắc.

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc di dời các đơn vị vận tải từ BXMĐ đến BXMĐ mới ở giai đoạn 2 phù hợp với quy hoạch phát triển Giao thông vận tải của Thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 và đảm bảo một số mục tiêu mang lại hiệu quả khai thác BXMĐ mới từ việc di dời.

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 5.

Nhiều hành khách được trung chuyển từ bến cũ qua và ngồi chờ lên xe để về quê

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 6.

Nữ hành khách ra BXMĐ mới để lên xe về quê

Từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực BXMĐ hiện hữu; không gây áp lực giao thông lên các khu vực mà hiện nay các Bến xe khách liên tỉnh khác đang hoạt động, tránh tình trạng các doanh nghiệp vận tải đang khai thác các tuyến hành khách cố định liên tỉnh chuyển sang hoạt động khai thác tại các Bến xe Miền Tây, An Sương và Ngã tư Ga hoặc điều chỉnh lộ trình đi Quốc lộ 14 để về BXMĐ (danh mục tuyến đường di dời giai đoạn 2 không có các tuyến đường có lộ trình di dời Quốc lộ 14).

  

Tại BXMĐ mới sẽ có tổ chức các dịch vụ để hỗ trợ các đơn vị vận tải và hành khách, như dịch vụ An ninh trật tự; bán vé; kiểm tra, giám sát điều kiện phương tiện hoạt động theo quy trình đảm bảo an toàn giao thông; dịch vụ đậu xe, lưu đậu qua đêm; dịch vụ xếp dỡ hàng hóa ký gửi; đặc biệt dịch vụ xe đẩy hành lý miễn phí và nhà vệ sinh miễn phí; ATM; dịch vụ Thức ăn chế biến sẵn.

Đơn vị quản lý BXMĐ mới còn cho biết trong thời gian đến sẽ đưa vào hoạt động một số các dịch vụ khác để phục vụ cho nhu cầu rửa xe, quầy thuốc, bảo dưỡng xe, thức ăn.

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 8.

Nhìn chung BXMĐ mới đông hơn so với trước đây, nhưng vẫn khá vắng vẻ so với BXMĐ cũ

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 9.

Nhân viên an ninh tại BXMĐ mới được tăng cường để sẵn sàng hỗ trợ hành khách và các đơn vị vận tải

Bến xe Miền Đông mới dần nhộn nhịp khách khi tiếp nhận 79 tuyến xe từ bến xe cũ - Ảnh 10.

Bãi đậu xe tại BXMĐ mới