Thay đổi giờ học ở Hà Nội: Đi sớm tinh mơ, khi về tối mịt

Gia Đình, Theo 15:42 23/11/2011

Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng nếu thực hiện theo giờ học này, sẽ phải dậy từ 4-5h sáng để đi học cho kịp giờ lên lớp và tan buổi học chiều trở về nhà lúc 8-9h tối.

Sinh viên dậy sớm

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản báo cáo lên Thường trực Thành ủy việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, thống nhất với đề xuất của Hà Nội về thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2012, thực hiện tại 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Theo UBND TP.Hà Nội, các bộ, ngành Trung ương đã thống nhất cơ bản về phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Theo phương án này, học sinh các trường THCS, tiểu học, mẫu giáo, mầm non: thời gian bắt đầu từ 7h30, kết thúc vào 17h30, Cán bộ công chức (cả Trung ương và Hà Nội) bắt đầu làm việc từ 8h, kết thúc vào 17h. Với khung giờ mới, nhóm học sinh này chủ yếu là do cha mẹ, người thân đưa đón nên giờ học và giờ tan lớp cũng rất phù hợp, nhất là khoảng thời gian 30 phút chênh lệch so với giờ làm của bố mẹ cũng đủ thời gian để có thể đưa, đón con. Trước đó, trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) đã thí điểm thay đổi giờ học vào lúc 8h sáng và tan học lúc 16h nhưng nảy sinh nhiều lúng túng và không phù hợp. Bởi vậy, phương án mới của Hà Nội xem ra là khả thi.

Tuy nhiên, với nhóm sinh viên ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, học sinh THPT thì thời gian bắt đầu học từ 6h30, kết thúc sau 19h. Bị ảnh hưởng nhiều nếu áp dụng lịch học mới, sinh viên Nguyễn Quang Vinh (khoa Địa chất, ĐH Mỏ - Địa chất) cho biết: "Mình thuê trọ ở khu Định Công (quận Hoàng Mai) cách trường 15km. Hàng ngày mình phải dậy lúc 5h30, ăn sáng, chuẩn bị sách vở rồi đi bộ ra bến xe bus, đi 2 chặng tới trường lúc 7h30 để vào học. Nếu thay đổi giờ như vậy, sáng mình phải dậy lúc 4h chưa chắc đã kịp vào lớp lúc 6h30".

Mặc dù đi xe máy từ nhà đến trường mất 40 phút, nhưng Đinh Việt Anh (sinh viên khoa Quay phim, ĐH Sân khấu điện ảnh) vẫn cảm thấy bất tiện: "Mình có nhiều hôm phải học buổi chiều, tan học lúc 19h là quá muộn. Hơn nữa, chắc chắn không kịp thời gian để lên lớp học thêm tiếng Anh buổi tối".


Học lúc 6h30 sáng sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh THPT (Ảnh minh họa).
 
Học sinh "ngáp vặt"

Không chỉ sinh viên, học sinh THPT cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi khung giờ học mới bắt đầu từ 6h30. Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, việc thay đổi giờ học sớm hơn 30 phút so với hiện tại là chưa phù hợp, việc thay đổi giờ học này sẽ gây ảnh hưởng nhiều.

"Hiện nay, học sinh THPT chỉ phải học một buổi và bắt đầu buổi học sáng lúc 7h, giờ học chấp nhận được dù còn khá sớm. Thông thường các em dậy lúc 5h30 sáng, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng... rồi đi học bằng xe đạp, hoặc bố mẹ đưa đi, hay xe đưa đón của trường thì cũng phải mất chừng một giờ đồng hồ, như vậy đến trường cũng tầm 6h50. Nếu đổi giờ học lúc 6h30, sớm hơn bây giờ thì các em sẽ phải dậy từ 4h30-5h sáng để 5h40 các em phải lên đường đi học. Dậy sớm như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe các em và cả phụ huynh" - PGS Văn Như Cương nhận xét.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng: "Đối với việc thay đổi giờ học cũng cần cân nhắc thật kỹ, bởi riêng học sinh tiểu học, mầm non phụ thuộc rất nhiều vào phụ huynh. Vì thế, khi phụ huynh đưa đón con đi học vẫn phải tham gia giao thông vào giờ cao điểm, nếu thay đổi 30 phút hay 1 tiếng thì cũng không thể giải quyết được vấn đề tắc đường. Đối với cấp học THPT, việc vào học từ 6h30 sáng là khá sớm cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các em. Thông thường, lứa tuổi này cận kề với các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp, ĐH nên sẽ học nhiều và thức khuya để ôn bài. Trong khi đó, sáng lại dậy sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các em".

Theo lãnh đạo một số trường tại Hà Nội, việc thay đổi giờ làm, giờ học nhằm giảm ách tắc giao thông là cần thiết, nhưng việc bố trí giờ lệch nhau như vậy vẫn chưa hợp lý để cải thiện tình trạng giao thông hiện nay, bởi khoảng cách giữa giờ cao điểm và giờ bình thường không chênh lệch bao nhiêu.