Cô giáo lên tiếng về bài văn "thiếu quạt"

Nguoiduatin, Theo 16:12 18/05/2012

<a href="http://kenh14.vn/c47/20120511101120338/bai-van-ba-dao-dang-khien-cu-dan-mang-dien-dao.chn" target="_blank">Bài văn bị điểm 0 nhưng khiến cộng đồng mạng “sốt sình sịch”</a> bởi độ hot của nó. Cô giáo "bài văn lạ" đã lên tiếng.

Mấy ngày qua, cư dân mạng đua nhau bình luận về bài văn phân tích vấn nạn bạo lực học đường của bạn Nguyễn Vũ Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng.

Theo tác giả của bài văn, bạo lực không chỉ dừng lại ở việc học sinh đánh nhau, thầy cô đánh học sinh mà còn ở việc “khủng bố” tinh thần. Tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể về việc thiếu quạt mát trong lớp học dẫn đến tình trạng ức chế của học sinh. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường: “Việc học trong môi trường thiếu sự mát mẻ khiến con người bị nóng, mất nhiều nước. Đặc biệt là trong mùa hè sẽ khiến học sinh rơi vào tình trạng hoa mắt, chóng mặt, khả năng hoạt động của não bộ giảm, ảnh hưởng rất lớn tới việc học, đấy là chưa kể đến sự ức chế do nóng bức gây ra”. Bài văn này của bạn Nguyễn Vũ Anh đã bị cô giáo cho điểm 0 và phê là thiếu ý thức.

Từ khi xuất hiện trên mạng, bài văn đã thu hút được hàng chục nghìn lượt truy cập cũng như bình luận của cư dân mạng. Rất nhiều người cho rằng bài văn đã phản ánh đúng hoàn cảnh môi trường học tập tại các lớp học hiện nay. Nickname Ruồi Rong Ruổi tỏ ra rất thích thú với bài văn này: “Like (thích) mạnh, đi học ngồi bàn đầu thì quạt chẳng bao giờ tới được. Bao giờ trường mình mới đáp ứng được nhu cầu của học sinh cơ chứ”. Còn Nickname Hamabeoi đặt câu hỏi: “Vũ Anh đã dũng cảm nói lên những suy nghĩ, nhìn nhận của mình. Học sinh thường xuyên phải học trong môi trường cơ sở vật chất kém, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng là một dạng bạo lực. Sao giáo viên lại gạch cả bài văn đi thế nhỉ?”



Trước độ nóng của bài văn “có một không hai này”, chúng tớ đã có cuộc trao đổi với cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Cô Tuyết cho biết: “Về kiến thức, đề bài yêu cầu bàn luận về vấn đề bạo lực học đường, em học sinh này đã sai ngay ở phần dẫn dắt để xác định vấn đề. Toàn bộ bài viết chỉ lí giải nạn bạo lực học đường trong một nguyên nhân chủ quan, phiến diện. Bài viết sử dụng phong cách ngôn ngữ khoa học thay vì phong cách ngôn ngữ chính luận với lối diễn đạt trùng lặp, thiếu khoa học. Về ý thức, bản thân việc lí giải nạn bạo lực học đường bằng nguyên nhân học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học đã cho thấy em này có một xuất phát điểm sai lệch về ý thức. Điều đáng nói hơn là thái độ không nghiêm túc trong môi trường sư phạm, đó là thái độ không tôn trọng với thầy cô giáo khi tạo giọng điệu hài hước, đùa cợt trong việc đánh tráo phong cách ngôn ngữ”.

Có cái nhìn khác, TS Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Chúng ta cần tránh tô hồng mọi thứ và cần phải trân trọng ý kiến của học sinh. Khi học sinh bức xúc, nói ra những tâm tư, tình cảm, giáo viên phải lắng nghe, tìm hiểu và xem xét lại hành động của mình. Học sinh có quyền nêu những yêu cầu chưa được để nhà trường xem xét. Giáo viên không nên cho rằng ý thức làm bài của học sinh này kém mà cần xem lại cách nhìn của học sinh ấy. Bên cạnh đó, cần phải giúp học sinh có cái nhìn tích cực về cuộc sống để khi gặp phải vấn đề không phù hợp mà vẫn bày tỏ được ý kiến của mình. Đừng bắt chúng tự giải quyết vấn đề mà nhà trường, cha mẹ cần phải quan tâm hơn đến con cái mình”.                                
                                              
Buồn khi học sinh thích văn phản cảm

Cô Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh: “Nạn bạo lực học đường đang là một vấn đề nhức nhối với cả xã hội, một bài văn thiếu nghiêm túc sẽ gây những hiệu ứng bất lợi cho dư luận xã hội. Thật đáng lo, đáng buồn khi một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là đối tượng học trò của chúng ta phấn khích ủng hộ những bài thi phản cảm, những cách hành xử không phù hợp với môi trường sư phạm."
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày