Bạn nghĩ biến đổi khí hậu không nghiêm trọng? Hãy xem nó đã làm gì với nước Úc đây này

J.D, Theo Helino 10:42 29/07/2019

Hệ sinh thái biển của Úc bị tàn phá nghiêm trọng vì ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Vậy mà, nhiều người vẫn cho rằng nó không nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, nhưng sự thật là có rất nhiều người vẫn đang xem nhẹ nó.

Dành cho những người có cùng quan điểm như vậy thì mới đây, các chuyên gia từ CSIRO (Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung) và ĐH Queensland (Úc) đã thực hiện một nghiên cứu, hướng đến các ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái biển tại Úc.

Russ Babcock - chuyên gia của CSIRO cho biết ít nhất 45% môi trường ven bờ của Úc đã chịu ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái bị tàn phá mạnh mẽ đến mức rất khó để phục hồi, mà mọi chuyện chỉ ngày càng tệ hơn.

Và hãy xem, biến đổi khí hậu đã làm gì nước Úc đây này.

Cuộc sống vùng ven biển - biến đổi khí hậu quá kinh khủng

San hô, rong biển, tảo bẹ, rừng ngập mặn là những yếu tố tạo ra môi trường sống cho nhiều loài vật ven biển Úc. Chúng hỗ trợ để hình thành hệ sinh thái cho cá, rùa, thú biển và cả các loài không xương sống.

Xét đến hậu quả từ biến đổi khí hậu đến khu vực này, các chuyên gia từ CSIRO nhìn thấy những sự thật đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2011 - 2017, hệ quả đối với hệ sinh thái ven biển đang cực kỳ nghiêm trọng.

Bạn nghĩ biến đổi khí hậu không nghiêm trọng? Hãy xem nó đã làm gì với nước Úc đây này - Ảnh 1.

Những mảng tảo bẹ xanh tốt (trái) nay đã chết hoàn toàn (phải) - Ảnh: Russ Babcock

Tảo bẹ, rừng ngập mặn, rong biển và các rạn san hô đang chết dần. Chúng không phục hồi, mà thực ra là chưa bao giờ có thể phục hồi. Hay nói cách khác, hệ sinh thái tại đây cần được giúp đỡ.

Trong giai đoạn này, các chuyên gia xét cả yếu tố từ 2 hiện tượng El Niño và La Niña - 2 hiện tượng dòng biển trở nên nóng và lạnh bất thường, dẫn đến các sự kiện khí hậu cực đoan xuất hiện.

Như năm 2011, duyên hải Úc phải đón nhận một đợt sốc nhiệt chưa từng có, với nền nhiệt gia tăng từ 2 - 4℃. Lượng acid trong nước biển tăng cao, oxy giảm mạnh, và khiến cho san hô bị nhuộm trắng tới cả ngàn kilomet. Rừng ngập mặn cũng bị hủy hoại trong phạm vi cả trăm kilomet.

Sự kiện cũng tạo ra các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ lụt và lốc xoáy, và khiến rùa biển, bò biển chết hàng loạt.

Ở các năm tiếp theo, phạm vi san hô bị nhuộm trắng ngày càng rộng hơn. Năm 2013, thêm 300km san hô phía Tây Bắc Úc bị ảnh hưởng. Năm 2016, đến lượt 1000km của rạn san hô khổng lồ Great Barrier bị tẩy trắng. Các khu rừng ngập mặn gần như chết hoàn toàn do hạn hán, mực nước biển xuống thấp...

Di sản thế giới bị tàn phá

Rất nhiều khu vực chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đang đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái toàn cầu, vì quy mô và đa dạng sinh học của chúng là quá lớn. Một số còn được xếp vào dạng Di sản thế giới - như Great Barrier (rạn san hô lớn nhất), Vịnh Cá mập (Shark Bay), duyên hải Ningaloo...

Bạn nghĩ biến đổi khí hậu không nghiêm trọng? Hãy xem nó đã làm gì với nước Úc đây này - Ảnh 2.

Rong biển từ xanh tốt đến bị tàn phá trầm trọng tại Vịnh Cá mập (Ảnh: Mat Vanderklift)

Tất cả những khu vực này đang chịu trách nhiệm nền tảng của một hệ sinh thái, cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho vô số các sinh vật khác nhau. Khi chúng chịu tổn hại, nhiều sinh vật sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các loài cá lớn và rùa biển.

Việc thiếu vắng những loài vật này là một tổn thất lớn cho nhân loại, bởi chúng từ lâu đã gắn với văn hóa của người Úc, là nét thu hút khách du lịch cho người dân nơi đây.

Hiện tại, công tác phục hồi dành cho những khu vực này đã được tiến hành, nhưng Babcock đánh giá rằng chúng sẽ không bao giờ hồi phục đến mức độ giống như trước kia. Đây không phải là lời nhận xét suông, mà thông qua một mô hình đánh giá trong dài hạn với nhiều biến số được đưa vào.

Bạn nghĩ biến đổi khí hậu không nghiêm trọng? Hãy xem nó đã làm gì với nước Úc đây này - Ảnh 3.

Những khu rừng ngập mặn bị tàn phá tại sông Flinders (Ảnh: Robert Kenyon)

Theo nghiên cứu của Babcock, thời gian cần để hệ sinh thái phục hồi tối thiểu là 15 năm. Riêng với các loài vật cỡ lớn là 60 năm. Vấn đề nằm ở chỗ con số này chỉ xảy ra nếu khí hậu ngày càng bớt cực đoan, mà đây là điều cực kỳ khó xảy ra.

Hay nói cách khác, việc nhân loại cần làm là sống chậm lại, nhưng thải ra khí nhà kính khiến Trái đất nóng lên. Tuy vậy theo dự đoán thì ngay cả khi cắt giảm được khí thải, ít nhất trong hàng thập kỷ nữa hành tinh này vẫn tiếp tục nóng lên, không có dấu hiệu ngưng lại.

Việc phục hồi vẫn co thể xảy ra, nhưng tốc độ là cực kỳ chậm và đòi hỏi nỗ lực lớn, cùng những giải pháp mang tính đột phá. Đây là điều mà CSIRO và các tổ chức khác đang thực hiện, và thu được những kết quả khả quan.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science.

Tham khảo: Science Alert, The Conversation