Bài học từ chuyện TikToker tố quán phở đuổi vì ngồi xe lăn: Các chủ quán và khách hàng nói gì?

Hạ Linh x H.Trang, Theo Phụ nữ số 17:11 17/01/2024

Sau câu chuyện này, nhiều hàng quán cũng đã rút ra các bài học cho mình về chuyện làm dịch vụ, các khách hàng cũng có thêm những góc nhìn khác.

Những ngày vừa qua, câu chuyện lùm xùm liên quan đến một TikToker tố quán phở đuổi vì ngồi xe lăn không ngừng lan truyền trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Sau đó, phía quán phở cũng đã lên tiếng và trích xuất camera để giải thích cho vấn đề trên.

Sau câu chuyện này, không chỉ quan tâm đến các nhân vật hay bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người còn rút ra những bài học cho mình, cụ thể là các chủ quán hay các vị thực khách.

Động lực để các chủ quán mang đến dịch vụ tốt hơn nữa

Dịch vụ hàng quán là một câu chuyện muôn thuở đã được nhắc đến trong vô vàn tình huống và lần này cũng không ngoại lệ.

Đứng trên cương vị một người kinh doanh hàng quán, anh T.B, chủ một quán phở ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: "Về bài viết của bạn nam trên mạng xã hội, tôi cũng có xem và thấy mọi người tranh luận rất gay gắt. Đối với tôi, thông tin bài viết này mới chỉ có góc nhìn đến từ một phía nên tôi cũng không có ý kiến gì nhiều. Có thể đây là sự thật, cũng có thể là câu chuyện của bạn nam này bịa ra vì trong thời điểm hiện nay, không ít bạn cố tình tạo drama để câu view, câu like.

Thế nhưng chung quy lại đây cũng là lời cảnh báo cho các chủ dịch vụ ở Việt Nam nói chung cũng như chủ dịch vụ ở Hà Nội nói riêng cần có những sự thay đổi đối với sự tiếp đón với khách hàng. Vì thực sự chất lượng dịch vụ ở Hà Nội mới đang được cải thiện dần dần, vẫn còn tồn đọng những hàng quán có thái độ kém văn minh với khách hàng. Câu chuyện này cũng được coi là một động lực và bài học cho các hàng quán cải thiện, thay đổi chất lượng dịch vụ để khách thấy vui vẻ, mang đến sự hài lòng cho tất cả các đối tượng khách hàng".

(Ảnh minh hoạ)

Luôn tâm niệm về vấn đề phục vụ khách hàng, nên ưu tiên đối tượng nào, chủ tiệm cơm 2K (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã áp dụng vào chính tiệm cơm của mình:

"Vụ việc này mình nghĩ có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Theo kinh nghiệm cá nhân khi đã trải nghiệm khá nhiều quán ăn ở khắp Việt Nam và nhất là Hà Nội, việc từ chối phục vụ theo cách phản cảm như trong bài viết là rất khó xảy ra. Cũng có thể có trường hợp quán nhỏ, không đủ không gian và điều kiện để phục vụ bạn nam phải ngồi xe lăn trong bài.

Như quán của mình chẳng hạn, có khoảng 200 chỗ ngồi, tuần nào cũng có những hôm phải phục vụ 700-800 suất ăn, những bà con đến sau buộc phải xếp hàng chờ đến lượt. Tuy nhiên những trường hợp bệnh nhân ngồi xe lăn, trẻ em - nhất là những trẻ em là bệnh nhân, sẽ được ưu tiên phục vụ trước, và mọi người xếp hàng đều rất vui lòng nhường nhịn.

May mắn là quán mình có điều kiện để phục vụ cho người khuyết tật, đi xe lăn. Có thể lời từ chối của chủ quán (trong câu chuyện trên) chưa khéo, gây nên sự bức xúc cho nhân vật, cộng với việc khơi dậy sự giận dữ của cộng đồng mạng cũng là một yếu tố dễ viral, nên mới tạo nên nội dung nói trên. Vụ việc này nên có sự đối chứng giữa các bên, giúp làm rõ sự việc, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở kinh doanh".

Bài học từ chuyện TikToker tố quán phở đuổi vì ngồi xe lăn: Các chủ quán và khách hàng nói gì? - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Có thể nói, các tình huống trớ trêu ở các hàng ăn uống xảy ra rất nhiều. Và dù nguyên nhân đến từ đâu thì dịch vụ hàng quán là điều mà các chủ quán cần quan tâm. Thế nên câu chuyện về TikToker trên đây cũng được các chủ quán xem như bài học và động lực làm tốt hơn công việc của mình.

Thực khách thông cảm cho chủ quán: "Nên hoan hỉ vì người bán hàng đôi lúc cũng có cái khó"

Đối với các thực khách, khi đi ăn uống ở bất kì đâu, thì họ không chỉ quan tâm đến hương vị mà ngay cả dịch vụ cũng là yếu tố quyết định xem có quay lại ăn nữa hay không. Anh H.T (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ:

"Đối với mình, khi đi ăn ở hàng quán thì mình kì vọng rất cao vào dịch vụ. Khi lựa chọn quán ăn, mình thường sẽ chọn hàng có dịch vụ tốt hơn cho dù đồ ăn có thể không ngon bằng hàng còn lại. Tất nhiên mình biết cũng có những người thích đồ ăn ngon và có thể bỏ qua việc phục vụ hơi kém. Nhưng tất nhiên là trong trường hợp có thể chấp nhận được thôi, chứ quá đáng quá thì mình nghĩ quán khó có thể tồn tại lâu dài được.

Về câu chuyện đang viral gần đây về một hàng phở, theo kinh nghiệm đi ăn của mình, dù từng gặp những hàng dịch vụ kém nhưng mình không tin là chủ quán có thể nói những lời khó nghe tới mức đó. Mong rằng đó chỉ là một sự hiểu lầm, cả chủ và khách hoan hỉ để dịch vụ ăn uống ở các nơi đều sẽ tốt lên".

Bài học từ chuyện TikToker tố quán phở đuổi vì ngồi xe lăn: Các chủ quán và khách hàng nói gì? - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Chị N.A (30 tuổi, Hà Nội) cho biết cũng đã đi ăn ở những hàng quán "gắt gỏng" nhưng hiểu được lý do nên có thể thông cảm. Dù vậy, chị cũng vẫn kì vọng tương lai thì mọi hàng quán đều phát triển theo hướng tích cực hơn:

"Mình đi ăn ở một số quán lâu đời thì đúng là các cô chủ quán nói chuyện đôi khi hơi gắt gỏng thật. Ban đầu cũng thấy hơi sợ nhưng sau mới biết là do họ quen nói chuyện theo cách như thế chứ không có ý gì xấu hay thái độ với khách hàng đâu, thậm chí nói chuyện với họ sẽ thấy thật ra các cô cũng vui vẻ lắm. Thế nên mình nghĩ mọi người cũng hãy hoan hỉ, dẫu biết khách hàng là thượng đế nhưng có thể chủ quán hay nhân viên đôi khi cũng có cái khó của họ.

Tất nhiên ở Hà Nội, lại có nhiều du khách quốc tế thì mình cũng mong dịch vụ hàng quán sẽ dần dần được cải thiện. Hiện tại mình thấy dịch vụ ở các hàng quán đều đang dần tốt lên, và mình tin là trong tương lai sẽ còn làm tốt hơn nữa".

Có thể nói, chuyện đi ăn uống thôi đôi khi cũng dẫn đến những tình huống khó xử cho chủ quán, nhân viên hay các vị khách hàng. Thế nên sau câu chuyện này, không chỉ các nhân vật mà cả các cư dân mạng cũng có những suy nghĩ của riêng mình.