Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ

LÊ HẰNG - ĐÔNG SƯƠNG, Theo Helino 11:30 04/04/2019

Từ đời thật cho đến phim ảnh, vấn nạn bạo lực, bắt nạt tại trường học luôn để lại những hậu quả khiến người xem phải lạnh tóc gáy.

Câu chuyện cô bé ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về bạo lực học đường. Đây là một vấn nạn không hề mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ. Phim ảnh từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh về biểu hiện hay hậu quả nghiêm trọng khi con cái bị bạn bè bắt nạt ngay tại trường lớp. Tiếc thay, chúng vẫn bị xem nhẹ với lối giải quyết qua loa, lấp liếm.

1. The Final (Điều Cuối Cùng, 2010)

Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ - Ảnh 1.

Dù nạn nhân có vùng lên chống lại hay âm thầm chịu đựng thì bạo lực học đường cũng đã để lại cho họ một vết thương tinh thần sâu sắc. Như trong bộ phim kinh dị The Final, một nhóm học sinh gồm Emily, Jack, Ravi and Andy và Dane quyết định trả đũa những kẻ bắt nạt mình theo cách thức tàn bạo nhất. Họ dụ "kẻ thù" đến một căn nhà gỗ sâu trong rừng và tẩm thuốc ngủ vào đồ ăn thức uống.

Khi tỉnh dậy, những kẻ xấu tính kia đã bị cột chặt vào ghế. Từ đây, một màn báo thù đẫm máu diễn ra với những "chiêu trò" vô cùng tàn bạo. Bộ phim khiến người xem ớn lạnh với độ máu me nhưng cũng đặt ra câu hỏi về những uất ức mà những nạn nhân phải gánh chịu để bộc phát thành bạo lực.

2. Carrie (Cơn Thịnh Nộ Của Carrie, 2013)

Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ - Ảnh 2.

Ra mắt từ hàng chục năm trước nhưng những cuốn tiểu thuyết kinh dị của Stephen King vẫn còn giá trị làm phim cho đến hiện tại khi lồng ghép rất nhiều vấn nạn xã hội nhức nhối. Một trong số đó là Carrie với bắt nạt học đường. Trong phiên bản điện ảnh năm 2013, Chloe Grace Moretz vào vai Carrie - một cô bé nhút nhát và thiếu trầm trọng kiến thức xã hội khi được nuôi dạy bởi một bà mẹ cuồng tín.

Những "đức tính" này khiến cô bé trở thành nạn nhân của những trò trêu chọc, bắt nạt bởi những đứa bạn học xấu tính. Chúng thậm chí còn bày hẳn một kế hoạch độc ác khiến cô bé bẽ mặt trước cả trường ngay trong buổi lễ tốt nghiệp. Xui thay, Carrie lại có siêu năng lực để trả thù chứ không cam chịu hay tìm tới cái chết như nhiều nhân vật khác.

3. Cyberbully (2015)

Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ - Ảnh 3.

Với công nghệ hiện đại và mạng xã hội, bạo lực học đường không chỉ là những cú đánh trực tiếp mà còn là lời nói xấu, chửi bới gián tiếp. Đây cũng chính là nội dung chính của Cyberbully - bộ phim chỉ gói gọn trong căn phòng và chiếc màn hình máy tính của Casey (Maisie Williams).

Mọi chuyện bắt đầu khi cô nàng nhờ cậu bạn cùng lớp Alex (Jake Davies) hack tài khoản của người yêu cũ để "trả thù". Casey tỏ ra khoái trá khi thấy người khác điêu đứng trước những câu nói xấu của mình. Thế nhưng, nữ sinh này dần nhận ra người đang giúp cô không phải Alex mà là một kẻ ẩn danh nào đó.

Hắn đã lợi dụng sự cả tin và hack toàn bộ các tài khoản mạng của Casey, từ đó phơi bày ra bộ mặt thật của cô - kẻ chuyên đi bắt nạt người khác với đủ các câu chuyện giả, những trò bẩn, những video bôi nhọ,... Cyberbully chính là lời cảnh phụ huynh trong việc quản lí mạng xã hội của con cái khi nhiều cái chết thương tâm do bị cộng đồng mạng tẩy chay từng diễn ra.

4. A Girl Like Her (Vạch Trần Bộ Mặt Thật, 2015)

Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ - Ảnh 4.

Được thực hiện theo phong cách phóng sự, A Girl Like Her đã thể hiện được sự tuyệt vọng và sợ hãi của nạn nhân trước nạn bắt nạt học đường. Phim bắt đầu khi cô nữ sinh Jessica Burns (Lexi Ainsworth) được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì tự sát bằng thuốc ngủ.

Cuộc điều tra của các nhà làm phim dần phát hiện ra chính cô bạn cũ Avery Keller (Hunter King) là người ăn hiếp Jessica mỗi ngày vì không cho chép bài kiểm tra. Thậm chí, cậu bạn thân Brian (Jimmy Bennett) đã bí mật quay lại những thước phim Avery hành hạ cô gái tội nghiệp cả về mặt thể chất lẫn tinh thần bằng hàng loạt tin nhắn và thư điển tử dọa giết.

Tuy nhiên, Jessica không cho phép Brian công bố vì xấu hổ và sợ Avery. Tâm lí sợ hãi, không dám chia sẻ cùng ai đã khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ cho đến khi Jessica tự sát vì chẳng tìm được lối thoát.

5. Moonlight (Ánh Trăng, 2016)

Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ - Ảnh 5.

Cho tới hiện tại, nhiều fan vẫn cho rằng La La Land (2016) xứng đáng nhận giải Oscar Phim xuất sắc hơn. Nhưng đó là vì họ chưa xem Moonlight - một kiệt tác từ cấu trúc kể chuyện đến sự truyền tải cảm xúc, màu sắc và quay phim. Với cách thể hiện gồm 3 mốc thời gian trong hành trình trưởng thành của Chiron, người xem dễ dàng cảm nhận được những ảnh hưởng nỗi đau và cảm xúc thuở bé ảnh hưởng ra sao đến nhân vật lúc lớn.

Từ việc được nuôi dưỡng bởi người mẹ nghiện ngập cho đến tuổi thơ thường xuyên chạy trốn khỏi những kẻ bắt nạt đã biến anh chàng thành một tay buôn ma túy, gieo rắc đau khổ cho chính những đứa trẻ như mình lúc trước. Tất cả như một vòng tuần hoàn đáng sợ khiến người xem phải suy ngẫm.

6. 13 Reasons Why (13 Lý Do Vì Sao, 2017)

Ám ảnh cực độ với 6 bộ phim vạch trần nạn bạo lực học đường đáng sợ - Ảnh 6.

Cùng khai thác về đề tài bạo lực học đường, 13 Reasons Why của Netflix từng làm dậy sóng trên nhiều trang mạng xã hội bởi cách khai thác khía cạnh mới lạ. Thay vì tập trung vào bạo lực thể chất, bộ phim khắc họa thế giới tinh thần bị giày xéo, tuyệt vọng và sợ hãi của nạn nhân.

Nội dung phim bắt đầu khi Clay Jensen (Dylan Minnette) trở về nhà và bất ngờ nhận được 7 cuộn băng thu âm 2 mặt của cô bạn thân Hannah Baker (Katherine Langford) vừa tự sát 2 tuần trước. Từ đây những sự thật ám ảnh về cái chết của cô dần được hé lộ.

13 mặt băng cũng chính là 13 lý do đã đẩy một cô gái xinh xắn, giỏi giang như Hannah đến con đường tự sát. Mặt trái của thế giới học đường được khắc họa một cách u ám, từ những hành vi miệt thị, tấn công tình dục, tin đồn ác ý cho tới cả bạo lực thể chất,...

Bạn có biết một bộ phim bạo lực học đường gây ám ảnh hoặc có ý nghĩa nào nữa không?