A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood

SplendidRiver, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 25/04/2018

A Quiet Place đánh dấu việc càng có nhiều các nhân vật sử dụng thủ ngữ trong phim Hollywood, một dấu hiệu đáng mừng cho cộng đồng người câm và khiếm thính.

Nếu như để ý kỹ, khán giả có thể thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của các bộ phim Hollywood mà nhân vật trong phim có sử dụng tới một thứ ngôn ngữ đặc biệt: ASL (American Sign Language) – hay còn gọi là thủ ngữ, vốn được sáng tạo ra dành riêng cho cộng đồng những người không có khả năng giao tiếp và tiếp nhận thông tin bằng ngôn ngữ nói.Thủ ngữ sử dụng một hệ thống ra dấu bằng các cử chỉ nhất định của 2 bàn tay và cánh tay để truyền đạt thông tin tới người đối diện. Thủ ngữ có sự khác biệt tùy theo từng ngôn ngữ đặc trưng của các đất nước khác nhau, mà ở Hollywood là tiếng Anh.

Trong thời gian gần đây, đã có một số thành viên của cộng đồng này lên tiếng đề nghị các rạp chiếu phim ở Mỹ đặt phụ đề cho các bộ phim được chiếu ngoài rạp, nhằm giúp họ có thể thưởng thức chúng một cách trọn vẹn giống như những người không khuyết tật khác. Cũng chính vì thế, việc các bộ phim có các nhân vật câm, khiếm thính, hoặc sử dụng ASL là một điều hết sức được cộng đồng này đánh giá cao.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 2.

The Shape of Water (2017) là một trong số những ví dụ gần đây nhất của điện ảnh Mỹ với nhân vật chính không có khả năng nói. Elisa (Sally Hawkins) là một cô lao công câm trong câu chuyện tình với một người cá đến từ Nam Mỹ, đến với nhau hoàn toàn thông qua những giao tiếp của hai bàn tay. Việc Elisa không biết nói không những không tạo ra hạn chế cho bộ phim, mà còn giúp cho diễn xuất của Sally Hawkins càng trở nên xuất thần qua những lời thoại đầy cảm xúc bằng thủ ngữ của mình trong phim. Và cũng chính nhờ thế, mối tình giữa cô và chàng người cá cũng có một sức nặng đặc biệt khi nó được đâm chồi mà không cần tới lời nói.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 3.

Một nhân vật khiếm thính khác chính là Baby (Ansel Elgort) trong Baby Driver (2017) của đạo diễn Edgar Wright. Không hẳn là mất hoàn toàn khả năng nghe, nhưng căn bệnh ù tai đặc biệt của Baby, cũng như việc cha nuôi của cậu là một người khiếm thính hoàn toàn khiến cho kỹ năng ra dấu bằng thủ ngữ là hết sức quan trọng. Bản thân nam diễn viên Ansel Elgort cũng đã khẳng định với báo chí rằng, anh đã bỏ rất nhiều công sức để học ASL. Đặc biệt với sự giúp đỡ của diễn viên khiếm thính CJ Jones đóng vai bố nuôi của anh trong phim, anh đã thể hiện được thứ ngôn ngữ đặc biệt này một cách chân thật nhất.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 4.

Thủ ngữ trong phim điện ảnh Mỹ không chỉ phát huy giá trị kể chuyện của mình với các nhân vật là người, mà còn giúp nhân cách hóa các loài động vật. Ví dụ điển hình nhất có lẽ phải kể đến phiên bản làm lại gần đây nhất của dòng phim Planet of the Apes. Chú vượn Caesar (Andy Serkis) trong phim nhờ thừa hưởng bộ gen tăng cường từ mẹ mình, cũng như được nuôi nấng bởi một nhà khoa học, đã có thể giao tiếp với loài người một cách trôi chảy bằng ASL.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 5.

Không chỉ thế, Caesar còn truyền đạt lại kỹ năng giao tiếp đặc biệt đó cho các đồng loại của mình khi chúng bỏ trốn và thiết lập cả một hệ sinh thái độc lập trong khu rừng Muir ở San Francisco. Ngôn ngữ đã khiến cho xã hội loài linh trưởng của Caesar trở nên phát triển, văn minh, cũng như nâng cao trí tuệ của chúng với một tốc độ chóng mặt.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 6.

Thậm chí ngay cả một bộ phim bom tấn mang tính giải trí đơn thuần như Rampage (2018) cũng đưa thủ ngữ vào để xây dựng chú gorilla George với đầy đủ những tính cách từ sâu sắc cho tới hài hước.

A Quiet Place chính là bộ phim mới nhất mà các nhân vật trong phim phải sử dụng thủ ngữ để giao tiếp, đóng góp trực tiếp vào thủ pháp kể chuyện đặc biệt của phim. Các nhân vật trong phim, nếu không muốn bị xơi tái bởi những quái vật có tốc độ chóng mặt, thì chỉ có cách giao tiếp với nhau bằng các cử chỉ của hai bàn tay. Đây chính là điều góp phần đẩy sự căng thẳng của bộ phim lên đến đỉnh điểm trong những tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" mà họ không thể cất tiếng để gọi hay cảnh báo cho nhau.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 7.

Nhưng John Krasinski đã làm được một điều quan trọng hơn rất nhiều cho A Quiet Place với thủ pháp đặc biệt này cho bộ phim của mình: Truyền tải được những cảm xúc dạt dào từ các nhân vật thông qua cử chỉ trong câm lặng. Không dùng ngôn ngữ nói, nhưng khán giả có thể đồng cảm một cách sâu sắc với tình cảnh của các nhân vật, và đặc biệt dâng trào vào những tình huống then chốt trong phim. Có lẽ chính sự hạn chế đó đã cho nhà làm phim một công cụ kể chuyện mới, và tập trung hơn vào việc xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật thêm sâu sắc.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 8.

Khỏi phải nói cộng đồng khiếm thính phản hồi tích cực ra sao với A Quiet Place. Thật hiếm khi họ có thể thưởng thức một bộ phim nổi tiếng ngoài rạp mà không phải lo về việc phải nghe thấy âm thanh mới hiểu được nội dung phim. Hơn nữa, bản thân nữ diễn viên Millicent Simmonds trong vai cô bé chị cả Regan là một người khiếm thính cũng là một đại diện đáng tự hào cho cộng đồng này ở Hollywood qua diễn xuất giàu xúc cảm vô cùng tuyệt vời của mình.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 9.

Trong thực tế, các rạp chiếu phim ở Mỹ có cung cấp một thiết bị hiện phụ đề cho những người không có khả năng nghe. Nhưng thiết bị này vẫn còn được thiết kế khá "khùng khoằm", và chưa thực sự thân thiện với người sử dụng. Do là một thiết bị gắn rời, nó khiến cho trải nghiệm xem phim của khán giả khá mất tập trung, và còn có phần ảnh hưởng tới các khán giả khác trong rạp.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 10.

Một số thiết bị khác cũng đang được nghiên cứu ứng dụng công nghệ AR (Augmented Reality – Hỗ trợ thực tế ảo) tương tự như Google Glass trước kia, nhưng cũng chưa nhận được sự đón nhận của cộng đồng khiếm thính.

A Quiet Place và sự trỗi dậy của thủ ngữ trong phim Hollywood - Ảnh 11.

Đây vẫn sẽ là một vấn đề nhức nhối đối với những người đam mê điện ảnh nhưng không có khả năng nghe nói. Trong khi chờ đợi một giải pháp hợp lý hơn từ các nhà phát hành, cộng đồng này sẽ phải tiếp tục kỳ vọng vào những bộ phim mà sự xuất hiện của các nhân vật câm và khiếm thính, cũng như thủ ngữ - ASL như A Quiet Place trở nên phổ biến hơn.