A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn "bỏ chạy"

Tuyết Nhung, Theo Pháp luật và bạn đọc 21:10 16/11/2021

Thật khó để diễn tả hương vị của món ăn này, cách duy nhất là phải tự mình trải nghiệm nhưng vấn đề là liệu bạn có dám thử hay không.

A-Ping hay Tarantula (nhện đen) là tên gọi phổ biến cho món nhện chiên - một món ăn truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở Campuchia. Món ăn này được bày bán ở nhiều nơi tại xứ sở chùa tháp nhưng tập trung nhiều nhất là ở thị trấn Skuon, huyện Cheung Prey, tỉnh Kampong Cham, cách thủ đô Phnom Penh 75 km về phía Bắc.

Ban đầu, nhện cũng như các loài côn trùng khác đều được xem như một loại thực phẩm chứa protein, thường được những người nông dân bắt được trong lúc canh tác rồi mang về nhà chế biến thành thức ăn.

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 1.

A-Ping - món nhện chiên trứ danh của người Campuchia

Trong giai đoạn những năm 1970, Campuchia rơi vào ách cai trị tàn độc của chế độ Khmer Đỏ, lúc này nhện lại trở thành nguồn thực phẩm chủ yếu giúp người dân vượt qua cơn đói. Sreynoch - chủ một cửa hàng chuyên bán nhện nói: "Mọi người ăn bất cứ thứ gì miễn là chúng có thể giúp họ bớt đói. Theo lời mẹ tôi kể, người ta thậm chí còn ăn cả tắc kè và các loài thằn lằn khác".

Hương vị khó tả

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 2.

Một cửa hàng bán nhện chiên đủ loại hương vị ở thị trấn Skuon

"Thấy ghê quá. Đáng sợ quá" - đây có lẽ là cảm nhận chung của hầu hết du khách khi lần đầu tiên nhìn thấy món ăn này. Ngay cả người dân địa phương cũng khó giải thích được mùi vị của A-Ping. Một số người nói rằng nó có vị giống cua nhưng cách tốt nhất để xác định hương vị của món ăn này chính là tự mình trải nghiệm.

Thông thường nhện cái sẽ được bán với giá gấp đôi nhện đực do phần trứng ngon tuyệt trong bụng. Trước khi được mang đi chiên, những con nhện sẽ được rửa sạch bằng nước, giữ nguyên nội tạng rồi cho vào nồi chiên cùng với một số gia vị hoặc tẩm ướp trong nước sốt rồi mang đi nướng.

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng A-Ping có vị giống cua nhưng chỉ có nếm thử mới có thể cảm nhận được hương vị đặc biệt của nó

Phần đầu tiên nên ăn khi thưởng thức A-Ping chắc chắn chính là chân nhện. Sau khi được chiên, chân nhện giòn tan, ăn vào có phần giống như món tempura của Nhật Bản. Phần bụng nhện hơi đắng vì có nội tạng bên trong, riêng phần trứng nhện là ngon đến bất ngờ. Các phần còn lại chủ yếu mang hương vị của các loại gia vị được tẩm ướp.

Đối với nhiều người dân địa phương, món ăn vặt đáng sợ này là đỉnh cao của sự ngon miệng. Nhưng nhiều du khách lại chỉ dám ăn A-Ping sau khi đã nốc đầy bia Angkor vào người để lấy thêm can đảm.

Cách bắt nhện

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 4.

Nhện đen thường sống trong những cái hố rất sâu

Những con nhện đen thường sống trong hố sâu, miệng hố được bao phủ bởi một lớp mạng nhện mỏng. Khi những người săn nhện - chủ yếu là nông dân tìm thấy một cái hố, họ sẽ đào cho đến khi tìm thấy con nhện.

Nếu hố quá sâu, khó có thể tiếp tục đào thêm, mọi người sẽ dùng một cái lá để dụ con nhện chui ra. Nhưng hiện tại một vài người còn sử dụng cả chất hóa học. Khi con nhện xuất hiện, họ sẽ tóm lấy lưng rồi dùng dao hoặc kềm cắt móng để loại bỏ răng nanh của con vật. Không có răng nanh, nhện đen sẽ bắt đầu chết.

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 5.

Nhện đen sẽ được loại bỏ răng nanh trước khi mang đi chế biến

Thỉnh thoảng, nếu không may, một vài người có thể bị nhện cắn trước khi kịp loại bỏ răng nanh. Và nếu bị cắn phải, cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ đồng hồ. Chất độc của nhện đen khiến tim bạn đập nhanh, không có ảo giác, chỉ là cơ thể cảm thấy vô cùng đau đớn.

Chỉ còn là kí ức

Kong Hi - một trong những người chuyên bán nhện chiên ở thị trấn Skuon cho biết gia đình anh đã bắt đầu làm công việc này từ năm 1995. Nhện đen được cho là tốt cho cổ họng, phổi và các bệnh về tim, đồng thời còn giúp chữa trị các vấn đề về hô hấp, đau lưng, tăng ham muốn và làm đẹp cho phụ nữ.

Khi kinh tế phát triển, nhiều người bắt đầu đi du lịch hơn, những người giàu lại bắt đầu có sở thích truy tìm các loại thực phẩm quý hiếm mà A-Ping là một trong số đó. Điều này khiến cho nhu cầu mua bán A-Ping đặc biệt tăng cao.

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 6.

Một con nhện thường có giá từ 2000 - 3000 riel (khoảng 11.000 - 17.000 đồng)

Hầu hết những người mua nhện đen đều là dân địa phương để chế biến thành món ăn. Trung Quốc và Việt Nam cũng là 2 thị trường tiêu thụ nhện đen lớn để làm thuốc.

Mach - một người bán nhện ven đường cho biết cứ 3 ngày cô sẽ mua một lô nhện mới. Mỗi ngày cô sẽ thức dậy lúc 5 giờ sáng để chiên nhện trước khi mang ra bán ở ngã tư đường. "Tôi thường mua 400 - 500 con nhện. Nếu có nhiều người qua lại, tôi có thể bán đến 100 con một ngày" - Mach nói.

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 7.

Nguồn cung khan hiếm khiến giá cả của A-Ping ngày càng tăng

Tuy nhiên từ năm 2001 - 2007, Campuchia đã mất khoảng 2,06 triệu hecta rừng, tương đương 23% độ che phủ. Riêng khu vực Cheung Prey, Skuon bị giảm đến 47% độ che phủ do phá rừng để canh tác, quy hoạch đồn điền với quy mô lớn.

Điều này khiến cho số lượng nhện đen giảm nhanh và có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn lùng quá nhiều. Việc săn bắt nhện ngày càng trở nên khó khăn hơn khiến cho giá nhện cũng ngày càng tăng cao. Hiện tại nhện chiên có giá từ 2000 - 3000 riel (khoảng 11.000 - 17.000 đồng) cho một con.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp diễn, rất có thể món ăn gắn liền với nhiều thế hệ của người Campuchia này sẽ chỉ còn là kí ức.

A-Ping - đặc sản trứ danh của Campuchia khiến nhiều du khách vừa nhìn liền muốn bỏ chạy - Ảnh 8.

Món ăn vặt gắn bó với nhiều thế hệ người Campuchia trong tương lai có thể chỉ còn là kí ức do số lượng nhện đen đang bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng