6 thói quen nguy hại "đào rỗng" thận mỗi ngày, bỏ càng sớm càng tốt

Phạm Trang, Theo Tổ quốc 21:02 17/08/2023

Một số hành vi, thói quen tưởng chừng đơn giản và không đáng để lưu tâm nhưng cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thận.

1. Chế độ ăn uống thất thường

Người có chế độ ăn uống không điều độ có thể gây ra những tổn thương cho thận. Đặc biệt trong quá trình phát triển của bệnh thận, axit uric trong máu người bệnh tăng cao, nếu thường xuyên ăn những thực phẩm có hàm lượng purin cao sẽ khiến chức năng thận suy giảm rõ rệt.

Nhiều người có thói quen ăn uống không tốt, thường xuyên sử dụng những thực phẩm có hàm lượng purin cao như hải sản, nội tạng động vật... có thể ảnh hưởng đến nồng độ axit uric trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận.

Nếu được chẩn đoán lượng axit uric cao, nên tăng cường bổ sung các chất xơ hòa tan trong như yến mạch, táo, cam, lê, dâu tây, việt quất, dưa chuột, cần tây, cà rốt, bông cải xanh...

6 thói quen nguy hại đào rỗng thận mỗi ngày, bỏ càng sớm càng tốt - Ảnh 1.

2. Thường xuyên nhịn tiểu

Những người thường xuyên nhịn tiểu có nhiều khả năng mắc bệnh thận, đặc biệt là sỏi thận, viêm thận mãn tính hoặc nhiễm độc niệu. Nước tiểu ứ lại trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn có hại, gây ra các chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang. Bàng quang kết nối với hệ thống tiết niệu, bao gồm thận qua một ống dẫn.

Bên cạnh đó, nhịn tiểu trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể không còn khả năng kiểm soát các cơ vòng bên ngoài bàng quang khiến nước tiểu bị rò rỉ. Từ đó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang và thận.

Để tăng cường sức khoẻ, tránh tổn thương thận, điều quan trọng là loại bỏ thói quen nhịn tiểu, đi tiểu kịp thời, tránh tích tụ độc tố ảnh hưởng các cơ quan nội tạng.

3. Uống quá ít nước

Uống quá ít nước là thói quen xấu của nhiều người. Thậm chí, nhiều người chỉ bổ sung nước cho cơ thể khi cảm thấy khát. Tuy nhiên, điều này sẽ vô tình khiến thận không kịp đào thải các chất độc hại trong cơ thể, nước tiểu sẽ có nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Điều này có thể kích thích quá trình hình thành sỏi thận và ảnh hưởng đến chức năng thận. Đồng thời, khi cơ thể xuất hiện triệu chứng mất nước rõ ràng, sức khoẻ có thể bị ảnh hưởng, gây ra tắc nghẽn trong việc bài tiết nước tiểu, nguy cơ sỏi thận cao hơn.

Chính vì vậy, nên hình thành thói quen bổ sung đủ lượng nước cần thiết để cơ thể luôn duy trì trạng thái khoẻ mạnh. Đảm bảo uống khoảng 1600ml nước mỗi ngày để duy trì quá trình tuần hoàn và trao đổi chất diễn ra bình thường.

4. Dùng thuốc sai cách

6 thói quen nguy hại đào rỗng thận mỗi ngày, bỏ càng sớm càng tốt - Ảnh 2.

Những người thường xuyên tự ý sử dụng thuốc, dùng sai cách, lạm dụng thuốc... cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh thận tăng lên đáng kể. Một số loại thuốc như kháng sinh nhóm Aminoglycoside, thuốc kháng lao, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc…có thể gây tổn thương thận, đặc biệt nếu dùng trong thời gian dài.

Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc cần đặc biệt tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn để có thể điều trị bệnh đúng cách, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.

5. Thường xuyên thức khuya

Ban đêm là thời gian tốt nhất để thận nghỉ ngơi, điều chỉnh và tự sửa chữa. Nếu không giữ thói quen nghỉ ngơi điều độ sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, lâu dài sẽ khiến thận tổn thương, suy giảm chức năng.

Ngoài ra, việc thức khuya cũng sẽ khiến cơ thể đối diện với những vấn đề về sức khoẻ khác như cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, kém tập trung, phản ứng chậm. Hệ nội tiết và miễn dịch trong cơ thể suy giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt với những người có sức đề kháng kém hoặc có sẵn bệnh trong cơ thể thì việc thức khuya có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

6 thói quen nguy hại đào rỗng thận mỗi ngày, bỏ càng sớm càng tốt - Ảnh 3.

6. Hút thuốc và uống rượu nhiều

Hút thuốc và uống rượu đối với nhiều thanh niên được coi là những thói quen "thời thượng". Tuy nhiên, thói quen này nếu duy trì trong thời gian dài không chỉ gây tổn thương cho gan mà còn làm suy giảm chức năng thận. Bởi những chất độc hại có trong khói thuốc và rượu có thể làm tăng gánh nặng cho cơ thể, ảnh hưởng nặng nề tới quá trình hoạt động của các cơ quan nội tạng.

Đồng thời, uống quá nhiều rượu có thể thúc đẩy quá trình sản sinh ra các gốc tự do cũng như quá trình oxy hoá khiến thận tổn thương, tăng khả năng viêm nhiễm cũng như tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Chính vì vậy, nên tránh uống rượu thường xuyên.

Nguồn: Abolouwang