500h dựng lại nhan sắc của Nefertiti - nữ hoàng bí ẩn nhất Ai Cập, kết quả gây tranh cãi khủng khiếp

Oct, Theo Helino 14:03 10/02/2018

Một nữ hoàng tuyệt sắc giai nhân của AI Cập cổ đại, và cũng là nữ hoàng bí ẩn nhất lịch sử. Và giờ đây, câu chuyện nhan sắc của bà lại tiếp tục được lôi ra tranh cãi.

Nefertiti được biết đến là vị nữ hoàng nổi tiếng vì sắc đẹp, đồng thời cũng là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thời cổ đại. Đặc biệt, do vị trí lăng mộ của bà vẫn luôn nằm trong bóng tối (năm 2015 người ta tin rằng đã tìm ra lăng mộ của Nefertiti, nhưng chưa khi nào xác thực được), thế nên bà cũng đồng thời được nhìn nhận là nữ hoàng bí ẩn nhất lịch sử.

Hiển nhiên, các chuyên gia luôn mong muốn dựng lại được khuôn mặt của một giai nhân tuyệt sắc và bí ẩn như Nefertiti. Và giờ đây họ đã có thể làm được, nhờ sự trợ giúp của công nghệ dựng hình 3D mới nhất đến từ ĐH Bristol.

500h dựng lại nhan sắc của Nefertiti - nữ hoàng bí ẩn nhất Ai Cập, kết quả gây tranh cãi khủng khiếp - Ảnh 1.

Khuôn mặt được dựng lại của Nefertiti

Để dựng lại được khuôn mặt của nữ hoàng, các chuyên gia đã sử dụng công nghệ định hình kỹ thuật số để làm khuôn, sau đó nghệ nhân Elisabeth Daynes sẽ tái tạo lại khuôn mặt của nữ hoàng theo bộ khuôn đó - một quá trình tốn đến 500h đồng hồ. Ngoài ra, bức tượng còn được gắn trang sức do các nghệ nhân của Dior chế tác.

Tuy nhiên, chịu hao tổn bao công sức là vậy, nhưng thành quả được đưa ra lại khiến cộng đồng mạng tranh cãi kịch liệt.

Yếu tố gây tranh cãi chính là màu da của bà. Theo rất nhiều tài khoản trên Twitter, các chuyên gia đã tạo hình màu da của Nefertiti quá sáng, trong khi bà sinh sống tại châu Phi.

500h dựng lại nhan sắc của Nefertiti - nữ hoàng bí ẩn nhất Ai Cập, kết quả gây tranh cãi khủng khiếp - Ảnh 2.

Một tuyệt sắc giai nhân với nước da ngăm đen - đó mới là ngoại hình hợp lý hơn cho Nefertiti.

Tuy vậy, vẫn có người ủng hộ các học giả. Lý do là vì theo các tài liệu lịch sử, người Ai Cập cổ có vẻ gần gũi hơn với cộng đồng người sinh sống tại châu Âu. Thế nên, nước da của họ có phần sáng hơn, nhạt hơn bình thường.

Hơn nữa, bản thân người Ai Cập ngày nay cũng có nhiều màu da khác nhau - từ nâu nhạt, nâu đỏ, vàng, đến đen. Đàn ông thường da tối hơn phụ nữ, thế nên, màu da của tạo hình này có thể không hề sai.

Nhiều chuyên gia khác cũng tin như vậy. Theo tiến sĩ Aidan Dodson từ ĐH Bristol, khuôn mặt này tương đối chuẩn so với các tài liệu về nhan sắc của Nefertiti.

Được biết, tạo hình của tượng Nefertiti được lấy từ khuôn mặt xác ướp mang tên "The Younger Lady". Xác ướp này được khai quật từ Thung lũng hoàng gia vào năm 1898. Đến năm 2010, nhờ vào công nghệ ADN, người ta xác định được xác ướp này là mẹ sinh học của Pharaoh Tutankhamen (hay Tutankhamun - tức King Tut). Điều này có nghĩa, bà chính là Nefertiti.

"Nefertiti được xem là một trong những tuyệt sắc giai nhân trong lịch sử" - Josh Gates, một chuyên gia khác cho biết.

"Là một Pharaoh nữ đầy quyền lực trong thế giới cổ đại. Nhưng cũng giống như các nhà cầm quyền nữ, di sản của bà thường bị giấu đi."

Nefertiti là nữ hoàng đã trị vì Ai Cập cổ khoảng 3.300 năm trước - trong giai đoạn 1353 - 1336 TCN. Bà là mẹ, hoặc mẹ kế của Pharaoh Tutankhamun.

Tên đầy đủ của bà là Neferneferuaten Nefertiti - có nghĩa "Người đẹp nhất trong số những người đẹp của vùng Aten."

Cùng với chồng mình - Pharaoh Akhenaten, họ cùng nhau tạo dựng nên giáo phái Aten tôn thờ thần Mặt Trời, đưa thần trở thành vị thần tối cao của Ai Cập.

Cái chết của Nefertiti vẫn luôn là điều bí ẩn. Đến nay, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là vì dịch hạch đã xâm phạm Ai Cập vào đúng thời điểm bà trị vì.

Nguồn: Daily Mail