Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng đối với mỗi "chiến binh" trước khi "ra trận". Với môn Văn bạn nên mang khoảng từ 2 đến 3 cây bút cùng màu (trừ màu đỏ) đề phòng tắc mực hoặc xảy ra sự cố ngoài ý muốn, nên là bút mực (bút chữ @) vì khi viết sẽ làm nét chữ mềm mại và sáng tờ giấy thi hơn là bút bi thông thường. Đồng thời, bạn cần mang thêm một chiếc đồng hồ để kiểm soát thời gian làm bài và một cây thước kẻ 30cm, để làm gì? Đọc phần tiếp theo sẽ rõ!
Ngoài ra, tinh thần thoải mái là yếu tố quyết định đến sự thăng hoa khi viết văn. Bạn nên mang theo một chai nước khoáng (nên bóc hết lớp vỏ bên ngoài trước khi mang vào phòng thi) và có thể nhai một vài viên kẹo cao su bạc hà nếu muốn. Nếu trong phòng thi "bí" quá thì chắc chắn đây là giải pháp cực kì hữu hiệu đối phó với sự nóng bức của mùa hè.
Việc đầu tiên khi nhận đề từ giám thị, các bạn cần phải kiểm tra cẩn thận số trang và chất lượng in đề thi. Nếu cảm thấy từ nào trong đề bị mờ hoặc không đọc rõ thì phải yêu cầu giám thị đổi tờ đề khác ngay lập tức.
Theo như đề minh họa Bộ Giáo dục đã ra từ tháng 1/2018, môn Ngữ văn năm nay sẽ có 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn.
Đề thi minh họa môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra tháng 1/2018
Phần Đọc hiểu 3 điểm, gồm 4-5 câu hỏi phân theo các cấp độ từ dễ đến khó. Trong đó, 2 câu đầu ở cấp độ thông hiểu và nhận biết, thường chỉ cần đọc kĩ dữ liệu đề bài đã cung cấp thì sẽ tìm ngay ra đáp án nằm trong đó. Các câu còn lại sẽ thuộc cấp độ vận dụng thấp và vận dụng cao, khó hơn một chút. Đối với các câu này các bạn sử dụng kỹ năng suy luận, giải thích vấn đề đồng thời khéo léo đưa ra quan điểm cá nhân, suy nghĩ của bản thân. Lưu ý, trình bày ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng, mạch lạc. Đối với phần này, thí sinh nên làm trong khoảng 20-30 phút.
Phần Làm văn:
Đối với câu Nghị luận xã hội 2 điểm phải xác định đúng vấn đề cần nghị luận ở đây là gì? Dạng nghị luận ở đây là dạng tư tưởng, đạo lý hay hiện tượng đời sống? Để tránh viết lan man, dài dòng mà tập trung đi thẳng vào vấn đề. Năm nay, đề yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nên dung lượng thích hợp là từ 1-1,5 trang giấy thi. Lưu ý, cho dù là viết đoạn văn nhưng vẫn đảm bảo có câu mở đoạn và câu kết đoạn, tuyệt đối không xuống dòng để tránh mất điểm bố cục. Đồng thời, thể hiện khéo léo 6 phần: giải thích, phân tích, bình luận, dẫn chứng, bài học (nhận thức và hành động) và liên hệ bản thân. Thí sinh nên trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, câu chủ đề nằm ngay đầu đoạn văn để làm nổi bật chủ đề được nói tới. Ở câu này, thí sinh nên làm trong khoảng 15-20 phút.
Nghị luận văn học 5 điểm. Ở câu nhiều điểm nhất, đầu tiên chúng ta cần phải xác định đúng dạng đề, vấn đề cần nghị luận. Theo đề minh họa năm nay, câu này sẽ rơi vào dạng so sánh 2 tác phẩm văn học. Chúng ta cần xác định rõ đề yêu cầu so sánh 2 đoạn trích thơ/văn bản cho trước hay so sánh 2 hình tượng/nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm, việc này sẽ giúp chúng ta phân tích đúng hướng và không bị lạc đề.
Trong quá trình làm bài, thí sinh cần vận dụng khéo léo các thao tác lập luận mà đề bài yêu cầu đối với dạng đề này đó là: giải thích, phân tích, bình luận, chứng minh và so sánh. Đối với câu này có đặc thù là dung lượng dài, nhiều chữ vì vậy thí sinh cần chia mỗi luận điểm thành một đoạn văn nhỏ, như vậy sẽ tạo cảm giác thoáng chữ và nhớ dùng lối viết diễn dịch (câu chủ đề ở đầu đoạn) để tạo sự thuận lợi cho người chấm không bị sót ý của bạn.
Ngoài ra, ở phần cuối nếu còn thời gian thì các bạn nên liên hệ, mở rộng với các tác phẩm khác bên ngoài có cùng chủ đề để nâng cao bài học, biết đâu đây sẽ là một điểm cộng cho bài viết của bạn thì sao nhỉ?
Thứ nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc hình thức của một đoạn văn và bài văn. Đối với đoạn văn thì không được phép xuống dòng, có câu mở và kết đoạn và nên viết theo lỗi diễn dịch để thể hiện rõ quan điểm cá nhân. Còn đối với bài văn, đảm bảo đúng bố cục mở bài, thân bài và kết bài. Nên nhớ rằng, trong barem chấm điểm chắc chắn có điểm cho phần trình bày đúng bố cục nhé!
Thứ hai, có thể kẻ/gấp nếp lề từ 1,5-2cm tính từ mép trái giấy thi (sử dụng thước kẻ 30cm). Việc này sẽ giúp người chấm có khoảng không gian để ghi điểm sang bên cạnh đồng thời nó cũng khiến bài viết trở nên thoáng đãng, rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc kẻ lề cũng giúp các bạn "ăn gian" một chút xíu diện tích giấy thi, lúc này viết văn sang tờ thứ 2, thứ 3 trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, tuyệt đối không lạm dụng khi để lề quá nhiều vì việc này cũng có thể khiến bạn mất điểm trình bày và cũng không được kẻ lề bằng bút, khuyến khích kẻ bằng móng tay, nó sẽ hạn chế việc bạn tạo kí hiệu riêng trong bài thi mà điều này sẽ không tốt cho bạn chút nào.
Để lề với khoảng cách vừa phải sẽ tạo cảm giác thoáng mắt cho bài thi
Thứ ba, áp dụng triệt để quy tắc "câu cách câu 2 dòng, ý cách ý 1 dòng". Ví dụ: Khi bạn làm xong câu 1 phần đọc hiểu bạn nên cách ra 2 dòng để bắt đầu câu 2 nghị luận xã hội. Tương tự, khi làm xong ý 1 bạn nên cách ra 1 dòng để làm tiếp ý 2. Việc này sẽ khiến bài viết được thoáng đãng, không ríu rít giữa các phần, đặc biệt ở những phút cuối cùng khi làm bài bạn chợt nhớ ra cần bổ sung thêm ý gì đó thì những dòng trống này sẽ là "cứu tinh" cho điểm trình bày của bạn đó!
Thứ tư, hạn chế tối đa việc gạch xóa, sai chính tả. Chữ bạn có thể hơi xấu nhưng bắt buộc phải dễ đọc.
Điều này hoàn toàn không nằm trong quy định chấm đối với môn Văn nhé! Viết ngắn hay dài là tùy vào năng lực mỗi người, chỉ cần đủ ý thì người chấm sẵn sàng cho bạn điểm, thậm chí là tối đa khi trong bài viết có từ khóa. Vậy viết với dung lượng như thế nào là phù hợp?
Đối với câu Đọc hiểu bạn cần viết ngắn gọn, rõ ràng và đủ ý nên từ 1-2 trang giấy là vừa đẹp.
Còn câu Nghị luận xã hội, vì đề bài đã có "dấu hiệu" giới hạn là 200 chữ nên từ 1-1,5 trang là hợp lý.
Cuối cùng là câu Nghị luận văn học, câu này nhiều điểm nhất nên chúng ta cũng nên "ưu ái" trong khoảng từ 4-6 trang, đủ để bạn trình bày tất cả những luận điểm, luận cứ cho dạng bài so sánh.
Như vậy, dung lượng phù hợp đối với toàn bài thi môn Ngữ văn năm nay sẽ dao động từ 6-9 trang giấy tương ứng khoảng 2-3 tờ giấy thi là hoàn hảo.
Trong trường hợp này, bạn nên chuẩn bị sẵn trong đầu kiểu mở bài và kết bài theo dạng "mẫu số chung" cho mọi tác phẩm, tức là vào đề nào chúng ta cũng có thể sử dụng được. Việc này cũng rất cần thiết trong những phút cuối cùng khi mà bạn vẫn chưa kịp phân tích xong thì ngay lập tức sử dụng kết bài đã chuẩn bị trước này là một giải pháp vô cùng hữu hiệu.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần phải nắm chắc cách làm, khung dàn ý chung cho từng dạng đề so sánh để cho dù đi thi rơi vào tác phẩm nào thì chúng ta cũng biết cách xử lý để không bị mất điểm một cách lãng phí.
Ngoài ra, khi đứng trước nhiều đáp án mà không biết chắc đáp án nào chính xác thì nên ghi hết các phương án đó ra, người chấm sẽ chỉ trừ điểm hoặc không tính điểm nếu đáp án đó sai còn nếu bạn có đáp án đúng trong số đó thì biết đâu thầy cô sẽ "linh động" một chút thì sao nhỉ?
Đối với môn văn quan trọng nhất là phải luôn tỉnh táo, không được cẩu thả. Viết xong nên dành ra 2-3 phút đọc lại bài của mình để soát các lỗi chính tả, ngữ pháp, tránh bị mất điểm oan ở những lỗi mà chúng ta có thể ngăn chặn ngay từ đầu.