5 chi tiết mà "Blade Runner 2049" vay mượn từ những tác phẩm khác

Khắc Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 24/10/2017

Phần tiếp theo của kiệt tác "Blade Runner" chứa đựng nhiều chi tiết "học lóm" từ các tác phẩm viễn tưởng khác.

Ra đời năm 1982, Blade Runner được xem là bộ phim khai sinh ra dòng cyberpunk mà nhiều tác phẩm sau này vẫn được truyền cảm hứng. Sau 35 năm, phần tiếp theo mang tựa đề Blade Runner 2049 ra rạp nhưng trong phim lại có rất nhiều chi tiết được học hỏi từ nhiều tác phẩm khác nhau.

1. Tập đoàn khổng lồ từ Alien (1979)

5 chi tiết mà Blade Runner 2049 vay mượn từ những tác phẩm khác - Ảnh 1.

Tập đoàn Weyland và Tyrell có rất nhiều điểm chung

Trong Blade Runner, Tyrell là tập đoàn khổng lồ chi phối gần như toàn bộ đời sống ở cả trái đất lẫn thuộc địa. Họ thu lợi nhuận cực lớn từ việc chế tạo người nhân bản làm công cụ lao động cho nhân loại. Ở Alien (1979), Weyland-Yutani cũng là tập đoàn chi phối toàn bộ đời sống con người.

Một chi tiết trùng hợp là Tyrell sau nhiều thất bại liên tiếp và cái chết của Eldon Tyrell thì bị tập đoàn Wallace mua lại và sát nhập. Điều tương tự cũng xảy đến với Weyland-Yutani khi tiền thân của nó, Weyland, cũng bị Yutani sát nhập sau khi lụn bại vì cái chết của Peter Weyland. Dĩ nhiên, cả hai loạt phim trên đều do Ridley Scott tạo ra nên sự trùng hợp có thể chấp nhận được.

2. Thiết kế khối từ Ghost in the Shell (2017)

5 chi tiết mà Blade Runner 2049 vay mượn từ những tác phẩm khác - Ảnh 2.

Sự khác biệt rõ rệt giữa "Blade Runner 2049" và "Ghost in the Shell" với "Blade Runner"

Như đã nói, nhiều bộ phim theo phong cách cyberpunk sau này vẫn lấy cảm hứng từ Blade Runner, một trong số đó là Ghost in the Shell. Có thể thấy rõ ảnh hưởng đó thông qua những tấm banner, những ảnh quảng cáo ba chiều đậm phong cách Nhật Bản. Đường phố không hề có cỏ cây mà tràn ngập những tòa cao ốc u ám.

Tuy nhiên, Blade Runner 2049 lại "học lóm" từ chính Ghost in the Shell. Tông màu của phim chuyển từ vàng sẫm của phần đầu tiên sang tối đen. Thiết kế không còn theo hình thang mới lạ trước đây mà chuyển sang khối trụ y hệt các dòng game viễn tưởng. Tác phẩm của Denis Villeneuve dường như đang sao chép từ chính những kẻ sao chép mình.

3. Cảnh quan hệ giống Her (2013)

5 chi tiết mà Blade Runner 2049 vay mượn từ những tác phẩm khác - Ảnh 3.

Joi và K có cảnh phim y hệt Theodore và Samantha

Trong Blade Runner 2049, sĩ quan K (Ryan Gosling) có tình yêu với cô nàng người ảo Joi (Ana de Armas). Đau buồn vì mối quan hệ chỉ có thể thông qua chuyện trò, Joi thuê một gái mại dâm người nhân bản để đóng vai trò thân xác cho mình. Trí tuệ nhân tạo đồng bộ với cơ thể của cô gái và quan hệ với K. Chi tiết này hoàn toàn giống với Her ra mắt cách đây 4 năm.

Her lấy bối cảnh tương lai năm 2025, nơi con người chế tạo ra các hệ điều hành có trí tuệ và khả năng học hỏi, giao tiếp như con người. Theodore (Joaquin Phoenix) phải lòng trí tuệ nhân tạo tên Samantha (Scarlett Johansson). Họ chỉ có thể trò chuyện với nhau chứ hoàn toàn không có quan hệ xác thịt. Qua đó, Samantha cũng gợi ý Theodore thuê một cô gái khác để đóng vai trò cơ thể cho mình.

4. Người máy nổi loạn như Westworld (2016)

5 chi tiết mà Blade Runner 2049 vay mượn từ những tác phẩm khác - Ảnh 4.

"Blade Runner" chuyển sang hướng người máy nổi loạn của "Westworld"

Trong phần phim đầu tiên, Ridley Scott chỉ muốn nói đến sự tự nhận thức bản thân của người nhân bản. Liệu họ có linh hồn, có cảm xúc? Hay thậm chí họ có mơ như con người? Sự nổi loạn của Roy Batty chỉ nhằm mục đích kéo dài sự sống để có thể trải nghiệm những điều tuyệt diệu của cuộc đời. Sự nhập nhằng cảm xúc giữa người nhân bản và con người là thứ giúp Blade Runner trở thành kiệt tác.

Sang Blade Runner 2049, chi tiết này bị làm yếu đi rất nhiều để chừa chỗ cho âm mưu nổi loạn của người nhân bản. Chỉ kém chút nữa là phim sẽ biến thành Terminator hay Ex-Machina thứ hai. Chi tiết này cũng khá giống với loạt phim Westworld. Trong show truyền hình của HBO, những "vật chủ" được chế tạo với cơ thể giống con người nhưng buộc phải tuân lệnh. Họ được đặt vào các công viên chủ đề để những kẻ giàu có có thể trải nghiệm cuộc sống mới lạ. Dĩ nhiên, nhóm nhân vật này cũng tự hỏi về bản thân rồi nổi loạn ngay sau đó.

5. Nội dung giống với Tron: Legacy (2010)

5 chi tiết mà Blade Runner 2049 vay mượn từ những tác phẩm khác - Ảnh 5.

Nội dung xoay quanh 2 nam chính đi tìm cha

Blade Runner 2049 và Tron: Legacy đều xoay quanh hành trình tìm cha, cũng là nhân vật chính của phần đầu tiên, của những đứa con trai. Tác phẩm của Denis Villeneuve theo chân K, sĩ quan Blade Runner điều tra vụ việc một nữ người nhân bản có thể mang thai. Trong khi điều tra vụ án, anh chàng tìm ra các bằng chứng rằng mình chính là đứa trẻ mất tích đó. Vụ án chuyển sang hướng K đi tìm cha mẹ - cựu sĩ quan Deckard (Harrison Ford) và Rachael (Sean Young).

Còn với Tron: Legacy, nhân vật chính là Sam Flynn (Garrett Hedlund). Anh chàng trở thành trẻ mồ côi sau khi Kevin Flynn (Jeff Bridges) mất tích nhiều năm trước. Khi trưởng thành, Sam cũng lên đường đi tìm cha và lạc vào mạng lưới.

Blade Runner 2049 hiện đang được khởi chiếu trên toàn quốc.