40 năm trước, phụ nữ Trung Quốc từng muốn lấy người ngoại quốc để có cuộc sống tốt, giờ ngược lại: Vì sao?

Minh Khôi, Theo Thể Thao Văn Hoá 20:55 14/04/2023

Trong vòng chưa đầy 40 năm, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một quốc gia nghèo thành một siêu cường mới nổi, một quá trình đã cách mạng hóa thái độ của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài.

Mail-order bride là thuật ngữ chỉ các cô dâu được cánh đàn ông chọn, cưới về thông qua các công ty mai mối, qua chuyên mục trên truyền hình…

Tại Mỹ, hiện tượng "cô dâu đặt hàng qua thư" (Mail-order bride) có thể bắt nguồn từ thế kỷ 19 và 20, khi những người lao động da trắng tìm vợ từ bờ biển phía đông.

Trong thời đại đó, các cặp đôi trao đổi ảnh và thư qua dịch vụ bưu chính. Ngày nay, giao tiếp này đã được thay thế bằng email và các dịch vụ hẹn hò.

Thông thường, các cơ quan này kết nối phụ nữ từ các nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan hoặc Colombia với nam giới từ các nước có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh hoặc Úc. Họ đại diện cho một ngành "công nghiệp" trị giá 2,5 tỷ đô la.

Kết hôn với người nước ngoài từng được xem là để có cuộc sống tốt đẹp

Theo một nghiên cứu tiến hành tại 3 công ty hẹn hò xuyên quốc gia khác nhau ở Trung Quốc, và phỏng vấn những phụ nữ đã đăng ký dịch vụ, nam giới phương Tây bay đến Trung Quốc để gặp những người được mai mối, từ năm 2008 đến 2019, đã có một sự thay đổi đáng kể trong nhu cầu trên thị trường hẹn hò quốc tế.

Trong lịch sử, đàn ông châu Á bị định kiến ở cả Trung Quốc và phương Tây là yếu đuối và kém hấp dẫn hơn đàn ông da trắng.

Trong thời kỳ đầu cải cách, hầu hết đàn ông Trung Quốc nghèo hơn đáng kể so với đàn ông da trắng thuộc tầng lớp lao động ở nước ngoài, và một số lượng lớn phụ nữ Trung Quốc coi thị trường hôn nhân xuyên quốc gia là con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngày nay, phụ nữ Trung Quốc "chê" rể tây

Nhưng giờ không còn như vậy. Lấy Vivien làm ví dụ. Ly hôn và ở độ tuổi ngoài 30, Vivien vướng vào một cuộc tình ngoài luồng với một doanh nhân Trung Quốc đã có gia đình tên là Kuan trong khi vẫn đính hôn với một chàng trai người Mỹ, John. Cô muốn bỏ John để lấy Kuan, chỉ cần Kuan đồng ý.

40 năm trước, phụ nữ Trung Quốc từng muốn lấy người ngoại quốc để có cuộc sống tốt, giờ ngược lại: Vì sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giống như Vivien, nhiều phụ nữ trong nghiên cứu bị thu hút bởi những người đàn ông thể hiện được "nam tính", thể hiện ở sự thành công trong việc điều hành các công ty toàn cầu, được đánh giá cao ở Trung Quốc trong thời đại thị trường.

Là một doanh nhân ăn mặc sành điệu, Kuan rất tự tin, quyết đoán và hòa đồng. Ngược lại, John tỏ ra ngượng ngùng.

Hành vi của Kuan và John phù hợp với địa vị xã hội của họ. Kuan, người sở hữu và quản lý một công ty 500 nhân viên ở Trung Quốc, trong khi John, chỉ làm công việc kỹ thuật ở Mỹ.

Vivien còn từ chối Edmond, một lính cứu hỏa người Mỹ da trắng, người mà cô ngay lập tức cho là người tỉnh lẻ khi gặp mặt trực tiếp. Cũng trong khoảng thời gian đó, cô cũng tìm hiểu một giám đốc kinh doanh người Anh gốc Pakistan.

Vivien nhớ lại: "Anh ấy là người sang trọng, hay đi du lịch và đẹp trai - một sự thu hút về tổng thể", Vivien nhớ lại.

Sở thích của Vivien cho thấy sự thay đổi trên thị trường hẹn hò quốc tế khi một tầng lớp tư bản giàu có nổi lên bên ngoài phương Tây. Vivien thích Kuan và vị doanh nhân người Anh gốc Pakistan, mặc dù họ da màu, trong khi cô thấy John và Edmond kém hấp dẫn hơn nhiều, mặc dù họ là người da trắng.

Mong muốn của Vivien khá phổ biến trong phụ nữ Trung Quốc. Ví dụ, Kristin, cũng từ chối những người theo đuổi phương Tây thuộc tầng lớp lao động. Kristin đã từng hẹn hò với các doanh nhân hoặc quan chức Trung Quốc "ăn nói nhỏ nhẹ".

Sau khi nhìn thấy làn da rám nắng, thô ráp, cánh tay có hình xăm của một người Mỹ được mai mối, cô gần như không thể cầm tay anh ta. Tương tự, Lucy, một biên tập viên tạp chí, đã từ chối một số người theo đuổi phương Tây từ các vùng nông thôn vì những lý do tương tự.

Ít nhất một phần của sự thay đổi này có thể là do sự giàu có ngày càng tăng của một số phụ nữ Trung Quốc. Trong số 30 khách hàng nữ Trung Quốc đảm bảo được an toàn về tài chính, chỉ có 12 người kết hôn với đàn ông phương Tây.

Những người còn lại chọn sống độc thân ở Trung Quốc.

Trong trường hợp của Trung Quốc, sự trỗi dậy về kinh tế của nước này về cơ bản đã làm thay đổi mối quan hệ địa chính trị của nước này với phương Tây.

Hệ thống phân cấp chủng tộc cũ do đàn ông da trắng thống trị đang sụp đổ, và một tầng lớp tư bản mới do giới tinh hoa kinh doanh địa phương thống trị đang nổi lên thế chỗ.