4 loại trái cây không nên ăn hạt vì có chứa chất độc, có loại còn gây hôn mê do hạ đường huyết

Vân Anh, Theo phunuvietnam 17:07 07/05/2024

Một số hạt trái cây có thể ăn và có những lợi ích sức khoẻ riêng, nhưng đối với 4 loại trái cây này bạn không nên ăn hạt vì có thể bị ngộ độc.

Thông thường chúng ta sẽ vứt bỏ hạt khi ăn trái cây. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần nên lưu ý 4 loại hạt trái cây có độc để tránh nuốt chúng hoặc bỏ hạt khi làm nước ép.

1. Hạt táo

Táo là một loại trái cây phổ biến và tốt cho sức khỏe, có câu "mỗi ngày ăn một quả táo, sẽ không cần tới gặp bác sĩ" ý nói về tác dụng của loại quả này.

Tuy nhiên, không giống như vỏ hay phần thịt, hạt táo lại có chứa chất độc có thể gây nguy hại đối với sức khoẻ.

Hạt táo chứa một lượng thấp hợp chất được gọi là amygdalin. Nếu một người nghiền nát hoặc nhai hạt, điều này sẽ giải phóng amygdalin bên trong dạ dày. Amygdalin sau đó sẽ phản ứng với các enzym trong dạ dày để tạo ra chất độc được gọi là hydro xyanua.

Xyanua là một chất độc có thể gây đau đầu, chóng mặt lú lẫn, giãn đồng tử. Nghiêm trọng hơn, chất này có thể gây mất ý thức, huyết áp thấp, co giật, hôn mê, thậm chí đe doạ tính mạng.

Nhưng thật may, ăn một vài hạt táo dường như không gây ra triệu chứng và không quá nguy hiểm. Liều xyanua gây chết người là khoảng 50–300 miligam (mg). Một phân tích năm 2018 của nghiên cứu trước đây cho biết một người sẽ phải ăn khoảng 83–500 hạt táo mới có thể bị ngộ độc xyanua cấp tính.

Nếu bạn ép nước táo có hạt, trong nước ép cũng vẫn có chứa một lượng nhỏ amygdalin nhưng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở mỗi người sẽ có những phản ứng với lượng xyanua khác nhau. Do vậy, tốt hơn hết khi ép nước hoặc ăn táo, bạn hãy bỏ hạt, đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ mang thai.

4 loại trái cây không nên ăn hạt vì có chứa chất độc, có loại còn gây hôn mê do hạ đường huyết - Ảnh 1.

Hạt táo chứa một lượng thấp hợp chất được gọi là amygdalin - chất này có thể chuyển thành chất độc xyanua trong dạ dày (Ảnh: Internet)

2. Hạt vải

Hầu như mọi người đều vứt bỏ hạt khi ăn vải. Tuy nhiên, Y học dân gian sử dụng hạt vải để giảm đau, và người dân ở miền Bắc Ấn Độ từ lâu đã sử dụng hạt vải dạng bột để chữa rối loạn tiêu hóa. Theo truyền thống, hạt vải được uống như trà làm từ hạt bột.

Tuy nhiên, hạt vải có các hợp chất độc hại mạnh được gọi là hypoglycin A và methylene cyclopropyl-glycine (MCPG). Hai chất độc này có liên quan đến bệnh não do hạ đường huyết (lượng đường trong máu trong cơ thể cực thấp có thể gây hôn mê). Các chất độc còn cản trở việc sản xuất glucose trong cơ thể.

Do vậy, mọi người không nên sử dụng hạt vải làm thuốc hay thử ăn loại hạt này. Đặc biệt, nên lưu ý đối với trẻ nhỏ.

4 loại trái cây không nên ăn hạt vì có chứa chất độc, có loại còn gây hôn mê do hạ đường huyết - Ảnh 2.

Hạt vải có các hợp chất độc hại mạnh có thể gây hôn mê do hạ đường huyết (Ảnh: Internet)

3. Hạt mãng cầu (hạt na)

Thông thường không ai ăn hạt mãng cầu nhưng loại hạt này thường được sử dụng để loại bỏ chấy rận trên tóc và chăm sóc da mặt, nó có tác dụng rất tốt ngoại trừ khi tiếp xúc với mắt.

Theo một nghiên cứu, khi mắt tiếp xúc với bột hạt mãng cầu sẽ bị kích ứng, đau dữ dội, mẩn đỏ, chảy nước mắt, sưng mí mắt và sợ ánh sáng.

Theo nghiên cứu, các hợp chất hoạt động như alkaloid, cyclohexapeptide và acetogenin có trong hạt mãng cầu gây ra sự bất thường về tính toàn vẹn của biểu mô.

Nghiên cứu còn tiết lộ thêm rằng việc tiếp xúc với bột hạt mãng cầu gây ra hiện tượng bào mòn và trầy xước giác mạc, kích ứng kết mạc và loét mắt. Trong vòng 6 đến 12 giờ, độc tính có thể dẫn đến viêm kết giác mạc nhiễm độc.

Tạp chí Nhãn khoa Ấn Độ cũng lưu ý rằng độc tính có thể dẫn đến viêm giác mạc do vi khuẩn nếu điều trị sai thuốc. Tệ hơn nữa, người ta có thể bị mù nếu nước hạt mãng cầu rơi vào mắt. Mặc dù có độc tính nhưng việc vô tình nuốt phải hạt nhân sẽ không gây nguy hiểm gì vì nó vẫn còn nguyên vẹn.

Do vậy, mọi người nên vứt bỏ hạt mãng cầu, không nghiền nát hay đùa nghịch với loại hạt này. Đặc biệt, sau đó không nên cho tay lên mắt. Mọi người cũng nên lưu ý tránh sử dụng bột hạt mãng cầu để điều trị tóc hoặc tẩy da chết vì có thể vô tình tiếp xúc với mắt.

4 loại trái cây không nên ăn hạt vì có chứa chất độc, có loại còn gây hôn mê do hạ đường huyết - Ảnh 3.

Hạt mãng cầu bị cắn nát khi tiếp xúc với mắt có thể gây kích ứng, bỏng rát (Ảnh: Internet)

4. Hạt lê, mơ và hạt anh đào

Cũng giống như hạt táo, các loại hạt của quả lê, mơ và anh đào cũng chứa amygdalin. Nếu vô tình nhai và nuốt loại hạt này, amygdalin sẽ phản ứng với enzyme trong dạ dày và tạo ra chất độc xyanua.

Tuy nhiên, đối với hạt mơ khi nướng có thể làm giảm độc tố. Do vậy bạn vẫn có thể an toàn khi ăn trong các sản phẩm chế biến sẵn, như bánh quy hạnh nhân.

Hạt lê, mơ và anh đào cũng chứa amygdalin có thể chuyển thành chất độc xyanua trong dạ dày (Ảnh: Internet)

Vậy những loại trái cây nào có thể ăn hạt?

Có một số thắc mắc: "Ăn hạt trái cây có an toàn không?". Ngoài những loại hạt trái cây đã được đề cập trên, một số trái cây có thể ăn hạt và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, chẳng hạn:

- Dưa hấu: Hạt dưa hấu rất giàu khoáng chất, bao gồm magiê, kẽm, sắt, canxi, phốt pho và kali. Loại hạt này cũng chứa protein, chất béo, folate và carbohydrate. Thay vì nhổ hạt ra khi ăn dưa hấu, bạn hãy nhai chúng cùng với thịt dưa.

- Lựu: Hạt lựu chứa nhiều chất dinh dưỡng: chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

- Đu đủ: Hạt đu đủ có thể ăn được và đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ nhờ có chứa chất xơ, axit béo lành mạnh và các hợp chất có lợi khác, bao gồm polyphenol và flavonoid. Tuy nhiên, phụ nữ có thai và cho con bú không nên ăn hạt đu đủ. Tránh ăn hạt này với số lượng nhiều vì có thể gây tiêu chảy.