4 điều khác biệt giữa đại học và học phổ thông ai cũng phải gật đầu công nhận

Vi An, Theo Trí Thức Trẻ 00:28 13/06/2016

Sự khác biệt giữa môi trường học đại học và học phổ thông vừa là trải nghiệm vừa là thử thách với các bạn sinh viên năm nhất.

Môi trường học tự do

Hẳn là bạn vẫn còn nhớ những ngày học cấp 3 thường phải cuống cuồng chạy đến lớp để kịp giờ học, nghỉ một buổi học phải viết giấy xin phép với đầy đủ chữ ký của phụ huynh?… Thế nhưng, khi lên đại học, hầu như việc bạn có đến lớp hay không, đi đúng giờ hay đi muộn cũng chẳng mấy ai bận tâm, miễn là bạn đảm bảo đủ số giờ học cần thiết để được thi cuối kỳ.

Vì thế, trốn tiết, bùng học cũng đã trở thành điều quá quen thuộc với nhiều bạn sinh viên. Giữa giảng đường với hàng trăm người, sau một vài phút điểm danh, sinh viên có thể ngồi ngủ say sưa trong một góc khuất nào đó, nghịch điện thoại dưới gậm bàn hay rì rầm buôn chuyện mà không lo bị "hứng" một viên phấn vào đầu hay bị giảng viên phạt đứng góc lớp như những ngày học phổ thông.

Tuy nhiên, chính môi trường học tập tự do ở đại học lại vô tình tạo ra thử thách đối với tất cả các sinh viên. Bạn có học hành nghiêm túc hay trượt dài theo sự lười biếng, điều đó phù thuộc hoàn toàn vào sự tự ý thức của bản thân.

4 điều khác biệt giữa đại học và học phổ thông ai cũng phải gật đầu công nhận - Ảnh 1.

Trang phục đi học "freestyle"

Đây có lẽ là điều khiến các tân sinh viên thích thú nhất. Nếu như ở phổ thông, bạn đã quá quen với việc hình ảnh của mình và bạn bè "đóng khung" trong những bộ đồng phục áo trắng, sơ vin hay áo dài thướt tha thì khi lên đại học, bạn sẽ được ăn mặc theo phong cách thoải mái hơn, tự do thể hiện cá tính của bản thân hơn. Sẽ không còn cảnh những nam sinh vội vàng "đóng thùng" trước khi bước vào cổng trường, các nữ sinh cũng không còn phải sợ sệt giám thị và thầy cô khi trót lỡ nhuộm tóc hơi sáng màu một chút.

Nhưng đôi khi, chính sự thoải mái trong môi trường Đại học, khiến nhiều sinh viên ăn mặc theo phong cách thái quá, thể hiện cá tính một cách quá đà mà không quan tâm người khác nghĩ gì. Nếu như không muốn một ngày đẹp trời nào đó hình ảnh của mình xuất hiện trên facebook hoặc báo chí với tiêu đề: "Sinh viên Đại học ăn mặc hở hang" hay "Thời trang 'mát mẻ' của sinh viên trên giảng đường" thì đừng biến giảng đường thành sàn diễn thời trang với những style phản cảm như quần short, váy ngắn hay áo mỏng tang nhé.

Giáo viên chỉ là người hướng dẫn

Khác với hình ảnh của những giáo viên chủ nhiệm ngày nào cũng đến lớp, theo dõi tình hình học tập của cả lớp, gần gũi, quan tâm tới tất cả các thành viên như hồi học phổ thông…, đa phần giáo viên chủ nhiệm ở đại học là người gần như… xa lạ với sinh viên. Các thầy cô chủ nhiệm chỉ xuất hiện chớp nhoáng một vài lần vào mỗi năm học khiến nhiều bạn thậm chí còn chẳng nhớ mặt nhớ tên. Các giảng viên khác cũng không là ngoại lệ, thầy cô đến lớp giảng bài và ra khỏi lớp khi hết tiết, rất khi nhớ mặt nhớ tên sinh viên nếu bạn không thật sự là người nổi bật.

Như vậy, ở đại học giáo viên chỉ có vai trò hướng dẫn, không còn là người kèm cặp, nhắc nhở thường xuyên bạn như ngày phổ thông. Hãy gạt bỏ thói quen phụ thuộc vào giáo viên như những ngày xưa đi nhé.

4 điều khác biệt giữa đại học và học phổ thông ai cũng phải gật đầu công nhận - Ảnh 2.

Đại học = Tự học

Với nhiều bạn sinh viên, ký ức về những ngày học phổ thông là thầy đọc - trò chép, thầy đặt câu hỏi - trò tìm đáp án trong sách giáo khoa để phát biểu… Cách học thụ động này sẽ phải hoàn toàn chấm dứt khi lên đại học.

Ở đại học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, không kèm cặp từng li từng tí cho sinh viên, vì thế sinh viên phải tự tìm ra phương pháp học phù hợp với mình, phải chủ động trong tư duy để tìm hiểu kiến thức, tự tìm đọc thêm các nguồn tài liệu khác ngoài giáo trình và bài giảng của thầy cô, phải đặt câu hỏi để thảo luận, phản biện với giáo viên hoặc với sinh viên khác… Khi đến kì thi, bạn cũng phải tự mình ôn luyện, "vật lộn" cùng với cuốn giáo trình dầy cộp, mà đôi khi không có bất cứ sự định hướng nào.

Vào đại học nghĩa là ít nhất bạn đã 18 tuổi – đã bước vào tuổi trưởng thành, vì vậy hãy tự tạo cho mình thói quen chủ động, tự lập trong tất cả mọi việc.