1. Thừa nhận Windows 8 sẽ có tương lai tương tự... Windows Vista
Tương tự với Windows Vista, nhiều chuyên gia khẳng định Windows 8 sẽ là một quả bom xịt tiếp theo của Microsoft. Viễn cảnh này không chỉ đến từ lớp người dùng đại trà mà còn đến từ những người dùng doanh nghiệp, những người rất ngại một hệ điều hành có nhiều thay đổi đồng thời không thực sự thân thiện với các thành phần quen thuộc như bàn phím và chuột. Thay đổi lớn trong công nghệ nhân viên tiếp xúc hàng ngày đồng nghĩa với một khoản chi phí lớn cần được rót vào hoạt động đào tạo. Vì lí do này, nếu các doanh nghiệp thực hiện nâng cấp từ Windows XP thì họ sẽ chọn Windows 7 thay vì Windows 8 hay 8.1. Vì đã có kinh nghiệm điều hành khối Doanh nghiệp của Microsoft, Nadella sẽ biết những gì mình cần làm để làm hài lòng tập người dùng rộng lớn nhưng có phần bảo thủ và ngại thay đổi kể trên.
Hiện nay, một số thông tin rò rỉ về bản cập nhật Windows tiếp theo đã cho chúng ta thấy Microsoft đang thực hiện những thay đổi tích cực hơn nữa lên hệ điều hành mới của mình. Trong khi đó, giới thạo tin cũng cho hay Windows 9 nhiều khả năng sẽ lại một lần nữa mang trên mình một giao diện hoàn toàn mới so với phiên bản tiền nhiệm cùng nút Start trở lại và phương thức tương tác thuận tiện, dễ hiểu hơn rất nhiều. Những gì Nadella cần làm là đẩy nhanh tiến độ Windows 9 đồng thời truyền tải thông điệp đối với lớp người dùng doanh nghiệp về việc nền tảng mới sẽ mang lại năng suất công việc được cải thiện như thế nào.
2. “Giết chết” Windows RT
Chiến thắng đến với các công ty công nghệ khi họ biết đặt người dùng vào vị trí tiên quyết. Đáng tiếc, Windows RT, phiên bản Windows được thiết kế riêng cho các thiết bị chạy chip ARM, lại đi ngược lại xu hướng đó.
Trong vòng vài chục năm trở lại đây, Windows chỉ chạy trên các máy tính sử dụng vi xử lý x86 được sản xuất chủ yếu bởi AMD và Intel. Trong khi đó với việc các nhà sản xuất chip ARM như Qualcomm và Nvidia trở nên quan trọng hơn trong vài năm vừa qua, Microsoft cũng đã tung ra một phiên bản Windows hỗ trợ dòng chip này nhưng dường như ông lớn vùng Redmond lại không muốn làm phật ý “anh bạn lâu năm” Intel quá nhiều. Vì thế, Windows RT có giao diện tương tự các bản Windows hiện hành nhưng lại không hỗ trợ rất nhiều ứng dụng.
Tình huống này đặt ra cho vị CEO mới của Microsoft hai phương án: hoặc là “giết chết” Windows RT và ngưng hỗ trợ chip ARM hoặc là dựng lên một phiên bản Windows hoàn toàn bình thường cho các thiết bị đó.
3. Đội ngũ Office và Windows cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn
Windows 8 đã ra đời được 1,5 năm và nó được coi là một nền tảng thân thiện với màn hình cảm ứng thế nhưng chúng ta vẫn chưa được đón nhận một phiên bản hỗ trợ cảm ứng hoàn hảo của bộ Office. Tại sao Microsoft lại có thể thờ ơ với một trong những công cụ năng suất được yêu thích nhất trên thị trường đồng thời là một vũ khí đầy sức mạnh của mình đến vậy? Trước đó không lâu, Microsoft cũng đã chia ra riêng biệt hai đội ngũ phát triển hai nền tảng di động khác nhau là Windows Phone (cho người dùng phổ thông) và KIN (tương tự Windows Phone nhưng tập trung vào lớp người dùng doanh nghiệp) cùng lúc. Đã đến lúc Microsoft cần các chính sách để đội ngũ làm việc của mình có sự phối hợp với nhau cao để tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực mình đang có.
4. Windows Phone cần linh hoạt hơn
Mặc dù đã bỏ rất nhiều công sức vào hoạt động marketing và phát triển nền tảng di động của mình, Windows Phone hiện nay tuy đang đứng thứ ba trên miếng bánh thị phần nhưng khoảng cách giữa nó và iOS hay Android vẫn là quá lớn. Sau khi mua lại mảng thiết bị của Nokia, Microsoft sẽ có nhiều kiểm soát hơn với phần cứng nhưng đây cũng là một lí do hợp lý để các đối tác hiện tại của hãng ngưng sản xuất điện thoại Windows Phone.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề lớn nhất Windows Phone đang gặp phải nằm ở điểm nó mang lại cho người dùng quá ít sự lựa chọn. Trong khi đó, người dùng Android có thể thoải mái sử dụng bàn phím bên thứ ba, thực hiện hàng trăm thay đổi nhỏ về thiết lập, thay đổi launcher, người dùng Windows Phone dường như phải chịu quá nhiều tù túng trong việc kiểm soát chính thiết bị của mình. Đến nay, các đối tác còn sản xuất Windows Phone vẫn chưa thể thực hiện một số thay đổi về hệ thống hay giao diện để làm thiết bị của mình nổi bật hơn như các nhà sản xuất Android có thể.
Chiến lược Apple đang sử dụng không thể áp dụng cho Microsoft, ông lớn vùng Redmond cần mang lại sự linh hoạt cần thiết cho nền tảng di động mà mình đang dốc sức. Nadella nên đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái phong phú và đa dạng như những gì Android đang có hơn là theo đuổi mục tiêu “những bức tường đóng kín” của Apple.
5. Hợp nhất trải nghiệm đa thiết bị
Microsoft tin rằng người dùng sẽ nhận được lợi ích tối ưu từ việc hợp nhất giao diện người dùng trên tất cả các thiết bị. Thế nhưng trong thực tế đáng tiếc là Microsoft dường như hoàn toàn lạc lối khỏi những gì mình tin tưởng khi có đến ba phiên bản khác nhau của Windows: Windows 8.1, Windows RT và Windows Phone.
Microsoft đã hứa hẹn về những trải nghiệm thuần nhất nhưng Windows Phone và Windows 8 vẫn sử dụng bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) khác nhau. Điều này làm các nhà phát triển không thể viết một ứng dụng có thể chạy tốt trên cả hai nền tảng. Microsoft nên mang đến cho các nhà phát triển ứng dụng một bộ giao diện lập trình ứng dụng đơn nhất nếu họ thực sự mong muốn lấp đầy lỗ hổng ứng dụng hiện nay một cách nhanh chóng.
6. Thuyết phục sự hỗ trợ của Google
Tất cả chúng ta đều biết, Google hiện đang nắm giữ rất nhiều công cụ quan trọng. Trong khi người dùng iPhone có thể sử dụng ứng dụng Google Maps, Gmail hay YouTube thì người dùng Windows Phone lại đang bị bỏ rơi.
Đã đến lúc Microsoft cần đàm phán với Google và thuyết phục hãng này cung cấp ứng dụng cho Windows và Windows Phone. Tất nhiên, mục tiêu sau cuối của Microsoft là thuyết phục người dùng sử dụng Internet Explorer, dịch vụ mail của chính mình hay công cụ tìm kiếm Bing nhưng những công cụ của Google đã trở nên quá quen thuộc và không thể thiếu đối với rất nhiều người.