Toàn cảnh bức tranh thị trường máy tính bảng 2012.

Cú Mèo, Theo Mask Online 12:58 27/12/2012

Thị trường máy tính bảng 2012 đã chứng kiến cuộc chiến khốc liệt giữa Apple, Google, Samsung, Amazon và Microsoft.

2012 quả là một năm phân mảng máy tính bảng được khai thác triệt để. Amazon, Google và Microsoft bắt đầu cuộc chơi. Apple đáp trả lại ngay sau đó. Samsung “ngấm ngầm” với những kế hoạch chờ ngày trở lại mạnh mẽ hơn. Cùng điểm lại những gì năm “ông lớn” này đã làm được trong năm qua. 

Apple

Vào tháng Ba, Apple thông báo về chiếc iPad thế hệ thứ ba, và chỉ ngay tháng Mười, nó bị thế chỗ bởi iPad thế hệ bốn. Chưa dừng lại, cùng lúc đó chiếc iPad mini ra đời như một mối đe dọa lớn với các sản phẩm máy tính bảng 10 inch của Apple.

Toàn cảnh bức tranh thị trường máy tính bảng 2012. 1
iPad Mini đang được xem là "cái gai trong mắt" đối với các sản phẩm cỡ lớn của Apple.

Đây là lần thứ hai Apple cho ra mắt các sản phẩm phản hồi lại yêu cầu của thị trường về kích thước máy (lần đầu tiên là trường hợp của iPhone 5 với màn hình lớn hơn truyền thống sau khi xu hướng này xuất hiện tràn ngập trên thị trường). Với chiếc iPad Mini, Apple sớm nhận thức được rằng, không giống như điện thoại thông minh, máy tính bảng nên được sản xuất ở nhiều kích thước khác nhau bởi có thể khách hàng sẽ muốn một sản phẩm nhỏ và nhẹ hơn đồng thời sự đa dạng về mức giá cũng là một tiêu chí đang được người dùng quan tâm nhiều.

Bằng cách đó, Apple cho ra mắt một chiếc máy tính bảng kém mạnh mẽ hơn một chút, màn hình phân giải kém hơn một chút và tất nhiên với một mức giá phải chăng hơn. Trong khi những số liệu về doanh thu chính thức chưa được công bố, những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản phẩm này được đón nhận nhiệt tình hơn Apple đã tính toán. Câu hỏi về vấn đề liệu rằng doanh thu của iPad Mini có làm giảm doanh thu của dòng iPad truyền thống hay không vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Google

Google đã chứng kiến đủ cảnh hệ điều hành iOS thống trị phân mảng thị trường máy tính bảng, và điều gì đến cũng đã đến. Chiếc Nexus 7 phiên bản 1.0 đã ra đời vào tháng Sáu năm nay.

Tháng Mười, Google làm mới thiết bị này bằng cách cho ra mắt Nexus 7 3G và Nexus 10. Nghiễm nhiên, Nexus đã có mặt trên cả hai thị trường máy tính bảng cỡ lớn và cỡ nhỏ, và mặc dù ASUS mới là nhà sản xuất thì Google cũng không ngần ngại đưa ra thông điệp tuyên chiến với các đối thủ khác trên thị trường.

Toàn cảnh bức tranh thị trường máy tính bảng 2012. 2
Google có một năm rất thành công với Nexus 7.

Một lần nữa, chúng ta lại chưa có những con số về doanh thu chính thức, thế nhưng dòng máy Nexus đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của những người mê công nghệ. Để đảm bảo hiện thực hóa kế hoạch biến Android thành hệ điều hành phổ biến nhất trên máy tính bảng, Google đã nhận ra họ phải bước vào cuộc chơi phần cứng.

Samsung

Samsung đang thận trọng theo dõi những bước đi của Google. Trong năm 2012, có lẽ đây là công ty im hơi lặng tiếng nhất trên thị trường máy tính bảng trong 5 “ông lớn” chúng ta bàn đến ở đây. Thế nhưng, yên lặng không đồng nghĩa với việc Samsung khoanh tay đứng nhìn.

Toàn cảnh bức tranh thị trường máy tính bảng 2012. 3
Những sản phẩm máy tính bảng của Samsung không nổi bật trong năm 2012.

Vào tháng Hai, Samsung chính thức thông báo về chiếc Galaxy Tab 2 và Galaxy Note 10.1. Sau đó vào tháng Mười, Samsung Galaxy Note 2 ra đời. Năm nay, Samsung không cho ra mắt nhiều máy tính bảng mới trên thị trường (so với nhưng gì người ta mong đợi Samsung sẽ làm), thế nhưng cũng đủ để họ nắm chắc vị trí số hai trên bảng thống kê doanh thu máy tính bảng theo số liệu mới được công bố của quý IV 2012. Sản phẩm mới nhất của Samsung phối hợp cùng Nexus 10 đang được xem là chiếc máy tính bảng có cấu hình tốt và chắc chắn Nexus 10 sẽ trở thành xu hướng mới trong năm 2013.

Amazon

Cũng theo số liệu tổng kết về doanh thu máy tính bảng quý IV, Amazon chiếm vị trí số 3 và không phải ngẫu nhiên mà họ đạt được thành tích này. Trong năm 2012, Amazon tiếp tục tận dụng hệ thống thương mại điện tử có tiếng của mình để quảng bá thiết bị đến với hàng triệu khách hàng.

Toàn cảnh bức tranh thị trường máy tính bảng 2012. 4
Mặc dù Kindle Fire rất hấp dẫn nhưng Amazon đang có những bước đi quá chậm.

Vào tháng Chín, Amazon cho ra mắt máy tính bảng thứ 2 mang tên Kindle Fire HD, ở cả hai kích thước 7 inch và 8,9 inch. Với hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình, rõ ràng Amazon có một lợi thế nổi trội hơn các đối thủ khác, nhưng để mở rộng được thị phần của mình, điều Amazon cần làm đó là phát triển các nội dung quốc tế để bắt kịp với các đối thủ còn lại. Ngoài ra, giá thành các sản phẩm so với cấu hình và hiệu năng của Amazon vẫn đang kém cạnh hơn so với các sản phẩm tới từ Google.

Microsoft

Theo truyền thống, Microsoft chỉ tham gia vào cuộc chơi máy tính bảng ở phần mềm, thế nhưng cũng như Google, họ nhận ra chỉ phần mềm là không đủ để tăng doanh số cho mình.

Toàn cảnh bức tranh thị trường máy tính bảng 2012. 5
Surface của Microsoft đang được xem là một hiện tượng trên thị trường máy tính bảng năm nay.

Vào tháng Sáu, Microsoft cho ra mắt máy tính bảng Microsoft Surface, hai phiên bản chạy Windows RT và Windows 8 – một bước tiến của “ông hoàng” phần mềm này. Để làm mình khác biệt với các đối thủ khác, Microsoft còn đặc biệt quan tâm và muốn đảm bảo máy tính bảng của họ có thể đảm bảo hiệu suất công việc hiệu quả. Với mục đích này, người dùng có thể mua kèm chiếc Surface một bàn phím không dây được thiết kế khá bắt mắt.

Cuộc chiến giá cả, kích thước và dịch vụ

Trên thị trường máy tính bảng phân khúc nhỏ, chiếc Apple iPad mini có giá 329 USD (khoảng 7 triệu đồng), Google Nexus có giá 199 USD (hơn 4 triệu đồng), trong khi đó giá của Amazon Kindle Fire HD 7’’ và Samsung Galaxy Tab 2 lần lượt là 199 USD (hơn 4 triệu đồng) và 249 USD (khoảng 5,2 triệu đồng) . Microsoft chưa tham gia vào cuộc chơi máy tính cỡ nhỏ này.

Còn với máy tính bảng cỡ lớn, Apple iPad và Microsoft Windows RT có giá “chát” nhất 499 USD (khoảng 10,5 triệu đồng). Google Nexus 10 và Samsung Galaxy Tab 2 10.1 cùng được phân phối vói mức giá 399 USD (khoảng 8,4 triệu đồng). Và 299 USD (khoảng 6,2 triệu đồng) là giá của Amazon Kindle Fire HD 8.9’’.

Trên hết, có rất nhiều máy tính bảng đời cũ hơn vẫn đang trôi nổi trên thị trường với giá được giảm đi đáng kể. Và như đã nói ở trên, cuộc chiến về giá cả đang diễn ra và không ai hết, chính khách hàng là người hưởng lợi từ điều này. Hơn thế nữa, trước đây nếu bạn phân vân giữa một chiếc máy tính bảng 7-inch và 10-inch, rất có thể bạn sẽ cần cân nhắc giữa các thương hiệu khác nhau, thế nhưng 2012 các thương hiệu đã phát triển sản phẩm của mình ở nhiều kích thước để bắt kịp xu hướng này.

Một điểm khác biệt quan trọng nữa đó là các máy tính bảng nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng đều có những những dịch vụ đi kèm tuyệt vời. Hệ điều hành nào cũng có các chế độ ưu đãi các nhà phát triển để mang lại nhiều ứng dụng và trò chơi hơn đến với thiết bị của mình.

2013 và tương lai

Có thể bạn sẽ thấy lạ bởi vì cuộc chiến bản quyền không hề được nhắc tới với nhiều điểm nhấn đáng chú ý trong năm. Chắc chắn vấn đề bản quyền sẽ có ảnh hưởng rất lớn vào những năm tiếp theo. Thế nhưng nó sẽ chẳng bao giờ làm chùn bước các ông lớn trong cuộc chơi máy tính bảng cả vì đơn giản sân chơi này quá hấp dẫn để chối từ.

Apple chắc chắn sẽ liên tục cho ra mắt các phiên bản mới, tiếp tục giữ giá của mình cao hơn các nhà sản xuất khác nhưng đồng nghĩa với sản phẩm chất lượng hơn.

Google sẽ tiếp tục cuộc chiến phần cứng cùng với đó là phát triển các dịch vụ đi kèm. Bên cạnh ASUS, rất có thể năm tới Google sẽ làm việc sâu hơn với Motorola.

Máy tính bảng Samsung sẽ đi theo chính xác những gì công ty Hàn Quốc này vạch ra cho điện thoại Android trong khi đó Amazon sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm ở phân mảng máy tính bảng giá rẻ. Microsoft sẽ mạnh tay hơn để thực hiện chiến lược Windows8/RT của mình.

Tất cả những ý tưởng cũng như dự đoán trên không thể cùng tồn tại. Một khi năm ông lớn cùng ra tay, chắc chắn sẽ có kẻ thắng, người thua. Sẽ có những đột phá nào? Ai sẽ là người chiến thắng? Hãy cũng chờ đợi vào những gì năm 2013 sẽ trả lời cho chúng ta!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày