Những "trào lưu" khiến người dùng Facebook “điên đầu”

Mũm Mĩm, Theo Mask Online 18:07 20/09/2014

Cùng với sự tăng trưởng “dân số” chóng mặt, Facebook đang dần trở thành mảnh đất... “lắm người nhiều ma” – đầy rẫy những chuyên gia gây khó chịu cho người khác.

Sau hàng loạt chiêu trò câu like đầy phản cảm, các ứng dụng độc hại như “Ai quan tâm bạn nhất?”, “Đổi tên Facebook không giới hạn”... bị vạch trần và lên án mạnh mẽ, những tưởng Facebook sẽ trở nên thanh bình và an toàn hơn. Tuy nhiên, gần đây trên mạng xã hội này lại xuất hiện thêm nhiều tình trạng câu like, spam tràn lan hay lừa đảo tinh vi khiến những người dùng chân chính một lần nữa lại phải chật vật đối phó.

1. Thủ đoạn “Vẽ chibi miễn phí”


Trong thời gian qua, tranh chibi trở thành một trào lưu mạnh mẽ, được đặc biệt yêu thích bởi nét vẽ đáng yêu và được nhiều người sử dụng làm ảnh cá nhân trên Facebook. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng để tạo một bức tranh cho riêng mình. Lợi dụng điều đó, nhiều kẻ xấu đã tung lên mạng những hướng dẫn vẽ chibi miễn phí hết sức chi tiết tỉ mỉ, nhưng trên thực tế đấy lại là những đoạn mã độc.

Khi người dùng hoàn thành các thao tác như hướng dẫn cũng là lúc “cái bẫy” sập xuống khiến họ vướng vào không ít rắc rối như: tự động post lên tường hoặc tag hàng loạt bạn bè vào những bình luận nhảm nhí chỉ mang tính quảng cáo, add bạn bè vào các group vô thưởng vô phạt... mà không nhận được bức tranh chibi nào.

Chiêu trò này thực chất đã tồn tại từ khá lâu và chỉ “biến hoá” sao cho phù hợp với trào lưu hiện tại, thế nhưng không ít người dùng vẫn ngây thơ tin theo để rồi tự biến mình thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo láu cá.

2. Bình luận biến thành chỗ... “Điểm danh”


Cụm từ “điểm danh”, "xin top" đang là vấn đề gây “nhức mắt” cho nhiều người dùng Facebook không kém hiện nay. Lướt qua một vài Fanpage lớn nhỏ, không khó để bắt gặp hàng loạt bình luận chung một cú pháp “Fan ABC điểm danh”, “Cú đêm điểm danh”, “Ai thấy hay điểm danh”...

Mục đích của những comment này không gì khác ngoài câu kéo like để bình luận của mình lên hàng đầu. Nhiều bạn trẻ dường như có niềm đam mê bất tận với những nút like ảo trên mạng xã hội.

Ban đầu khi có những bình luận trên, không ít người nhấn “thích” hưởng ứng vì sự vui vẻ đơn thuần, nhưng khi nó xuất hiện tràn lan dày đặc thì người ta chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm và dần dần ngại để lại những chia sẻ chân thành về nội dung bài đăng.

3. Vấn nạn “Hack tiền nhà mạng di động”


Thời gian gần đây, nhiều người chia sẻ trên Facebook bài hướng dẫn nạp thẻ điện thoại. Theo đó, nhờ lợi dụng kẽ hở của nhà mạng, người nạp thẻ sẽ nhận được số tiền gấp 10 lần so với giá trị thẻ nạp.

Số lượng chia sẻ bài viết xuất hiện với tần số “chóng mặt” hàng ngày, không những thế, nội dung lừa đảo này còn được nguỵ trang khéo léo dưới hình thức là những thông tin chính thống từ các báo đài hoặc các nguồn tin thân cận với tác giả: “Theo thông báo mới nhất từ các kênh thông tin...”, “Bác mình làm trong Viettel vừa tiết lộ một tin cực hay...”, "Nhà có ông chú làm Viettel vừa tiết lộ...".

Với tâm lí “thử một lần chắc không mất gì”, nhiều chú cừu non đã tự mình “dâng” tiền cho kẻ gian. Bên cạnh những người dùng tỉnh táo để nhận ra đây là một thủ đoạn lừa đảo, không ít người đã “cắn câu” bởi “miếng mồi” mà kẻ gian đưa ra quá béo bở, khi nạp 20.000 đồng được 200.000 đồng, hay 500.000 đồng được tận 5 triệu đồng.

Với những thông tin khuyến mãi dạng này, người dùng cần cảnh giác hơn để không mắc bẫy một cách dễ dàng. Có thể thấy, Facebook là chốn không dành cho những người ngây thơ.

(Tổng hợp)