Loạt sự thật cực "cool" về điện thoại di động (Phần 1)

Lê Vũ Lâm, Theo 11:02 05/08/2011

Cùng xem bạn đã biết những gì về chú dế quen thuộc nào...

Hầu như mỗi teen đều đang sở hữu một chú dế (thậm chí nhiều hơn), tuy nhiên vẫn còn những bí mật mà chúng ta có thể chưa biết đến. Hãy cùng chúng tớ khám phá qua bài viết sau đây nào...
 
Điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới
 
Cuộc gọi di động được thực hiện đầu tiên trên thế giới bởi nhân viên Motorola có tên Martin Cooper vào năm 1973 tại New York. Phát biểu trên BBC, Cooper chia sẻ: "Tôi đã gọi cho Joel Engel của AT&T – đối thủ và có thể xem như công ty lớn nhất bấy giờ, còn chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp nhỏ tại Chicago. Khi ấy tôi đã nói với Joel rằng mình là Martin Cooper, đang gọi điện từ một chiếc điện thoại di động, nhỏ gọn và có thể cầm tay, một sản phẩm thực sự".
 
"Từ sự im lặng của đối phương, tôi đoán rằng Joel Engel hẳn đang tức điên lên và nghiến răng ken két" - Cooper nói tiếp.   
 
 
Thiết bị mà Cooper sử dụng chính là nguyên mẫu của Motorola DynaTAC. Một thập kỷ sau, sản phẩm trở thành điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới.
 
Motorola DynaTAC lên kệ năm 1983 với giá mức 3.995 USD (ước tính bằng 9.000 USD hiện nay, tương đương 180 triệu đồng), giống như biểu tượng của thập niên 80 khi xuất hiện trong hàng loạt bộ phim nổi tiếng và được giới thượng lưu ưa chuộng.
 
Smartphone đầu tiên trên thế giới
 
Simon, mẫu điện thoại thông minh (smartphone) đầu tiên trên thế giới chào đời năm 1993 tại hội nghị không dây toàn cầu, tổ chức tại Florida (Mỹ). Model được giới thiệu bởi BellSouth Cellular, sở hữu trọng lượng khoảng 0,45 kg và màn hình LCD cảm ứng.
 
 
Sự kiện được cánh báo chí hết lời ca ngợi: "Do IBM thiết kế, ngoại hình và cách làm việc của Simon giống di động bình thường nhưng mang tới vô số điều tuyệt vời. Trên thực tế, khách hàng có thể sử dụng Simon như cỗ máy không dây với chức năng nhắn tin, check mail, lịch, lên kế hoạch, sổ địa chỉ, máy tính… mà giá bán chưa tới nghìn đô".
 
Nghe đâu, chỉ khoảng 2000 sản phẩm đến tay người dùng và bây giờ Simon chủ yếu thuộc sở hữu của dân sưu tập.
 
Giới hạn 160 ký tự
 
Có những giai thoại khác nhau xung quanh câu hỏi tại sao một tin nhắn di động chỉ dài 160 ký tự. Tuy nhiên, câu chuyện nhận được ủng hộ nhất thuộc về người đàn ông Đức có tên Friedhelm Hillebrand.
 
 

Được biết, Hillebrand làm việc tại GSM và giới hạn 160 ký tự là sáng tạo kỳ lạ của chú ấy. Vào năm 1985, Hillebrand đã thử nghiệm với những tin nhắn của mình và thấy rằng tổng số chữ cái, dấu chấm câu và các khoảng trống đều nhỏ hơn 160 ký tự.
 
Sau đó, kiểm tra trên bưu thiếp hay điện tín, Hillebrand cũng bắt gặp tình huống tương tự. Kết quả năm 1986, GSM bị thuyết phục và thiết lập tiêu chuẩn giới hạn 160 ký tự trong một tin nhắn. Đồng thời, các nhà mạng bắt buộc phải tuân lệnh và đến nay vẫn còn áp dụng rộng rãi.
 
Suy nghĩ thêm chút nữa, teen có thể bắt gặp di sản của Hillebrand trên mạng xã hội Twitter, mỗi thông điệp bao gồm tối đa 140 ký tự và cộng thêm 20 ký tự để ghi tên người dùng. Vậy cũng vừa đủ 160 ký tự rồi nhé!
 
Những cuộc gọi “ma”
 
Hẳn bạn cảm giác rất khó chịu nếu bắt máy mà chẳng thấy người ta nói gì. Nguyên nhân có thể do đối phương vô tình chạm vào bàn phím và thực hiện cuộc gọi trong vô thức. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều với những số điện thoại khẩn cấp của quốc gia.
 
 
Theo báo cáo, những cuộc gọi “ma” đến tổng đài 911 của Mỹ chiếm tới 70% tại một số khu vực. Riêng tại Anh, con số lên tới 11.000 cuộc gọi mỗi ngày. Teen biết đấy, điện thoại đang khóa vẫn hỗ trợ thực hiện cuộc gọi cho những tình huống khẩn cấp. Thậm chí, nhiều thiết bị còn cho phép gọi 911 cả khi bạn giữ phím số 9 hơi lâu chút.
 
Bởi vậy mà có những chuyện cười ra nước mắt. Năm ngoái, hai người đàn ông bị bắt quả tang trong vụ trộm xe khi một kẻ vô tình gọi đến 911. Hoặc vào tháng 5/2011, một tên buôn ma túy phải vào tù sau khi dế cưng tự động quay số 911 trong lúc thương thảo làm ăn. Đáng kể hơn, một người đàn ông còn bị thẩm vấn do mobile liên tục gọi cho cảnh sát mà khổ chủ chẳng hề hay biết.
 
Điện thoại đắt nhất thế giới
 
Vào năm ngoái, thợ kim hoàn người Anh Stuart Hughes đã tạo ra chiếc điện thoại đắt nhất thế giới. iPhone 4 Diamond Rose sở hữu mức giá lên tới 5 triệu bảng Anh (8,2 triệu USD - khoảng 164 tỷ đồng).
 
 
Siêu phẩm "trái táo khuyết" có đường viền bao gồm 500 viên kim cương nhỏ, tổng trọng lượng 100 carat. Bên cạnh đó, biểu tượng Apple bổ sung thêm 53 viên kim cương và 1 viên kim cương hồng đặc biệt 7,4 carat thay thế phím Home. Stuart Hughes còn sẵn sàng thay thế viên kim cương 7,4 carat bằng cục cưng 8 carat to hơn nếu khách hàng yêu cầu.