Chân dung SOPA - Kẻ hủy diệt mạng internet

Quỳnh Trang, Theo 00:02 19/01/2012

Sẽ ra sao nếu bạn phải vào tù chỉ vì chia sẻ video ca nhạc lên YouTube?

Khắp thế giới đang sôi sục với SOPA (Stop Online Privacy Act), dự luật chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng được Quốc hội Mỹ nghiên cứu. Theo giới chuyên môn, SOPA sẽ khiến mạng internet sụp đổ nếu được thông qua. Điều này cũng dễ hiểu khi Mỹ đang có ảnh hưởng toàn cầu trên nhiều phương diện, thậm chí cả khía cạnh trực tuyến.
 
Hôm nay, chúng mình hãy tìm hiểu kỹ hơn về SOPA và ảnh hưởng sát sườn của dự luật qua bài viết tại trang Mashable.
 
"Dao mổ"
 
Về cơ bản, SOPA cho phép Chính phủ Mỹ có quyền tiến hành các biện pháp ngăn chặn trang web nước ngoài, nếu chúng đăng tải nội dung vi phạm bản quyền hoặc tạo điều kiện cho hành động này. Đáng nói hơn, không có tiêu chuẩn rõ ràng xem thế nào là vi phạm. Bởi vậy, nếu người dùng đăng tải hình ảnh, bình luận hoặc chia sẻ liên kết thì đều phạm luật, khi được hiểu theo nghĩa "tạo điều kiện thuận lợi".
 

 
Nếu Chính phủ Mỹ muốn chống lại một website bất kỳ, những hành động sẽ tiếp diễn như sau:
 
- Các nhà cung cấp dịch vụ internet bị yêu cầu chặn trang web vi phạm.
- Các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing... buộc phải loại bỏ kết quả tra cứu hay tài liệu tham khảo về trang web vi phạm.
- Các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải ngừng quảng cáo cho trang web vi phạm.
- Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phải chấm dứt dịch vụ liên quan đến trang web vi phạm.
 
 
Trên thực tế, SOPA cho phép Tổng chưởng lý giữ quyền lực cực lớn nhằm kiểm duyệt mọi website nước ngoài, như trang Wikileaks đình đám sẽ không còn "đất diễn" tại đây. Quyền lực được trao cho Chính phủ Mỹ rất đáng sợ và chỉ dựa vào đây cũng đủ khiến mọi người kịch liệt phản đối SOPA.
 
Chúng ta đều xâm phạm
 
Theo SOPA, đối tác thanh toán và quảng cáo phải ngừng cung cấp dịch vụ trong 5 ngày kể từ lúc nhận lệnh của Tổng chưởng lý, trừ khi họ nhận được thông báo phản đối của chủ website. Tuy nhiên, website vi phạm thường không hay biết việc ngăn chặn truy cập. Họ chỉ phát hiện sự việc sau một khoảng thời gian dài nếu chăm chỉ theo dõi lượng khách viếng thăm.
 
Chưa hết, thông báo phản đối của chủ nhân website chỉ được chấp nhận khi họ cam kết trang web của mình không phạm luật theo định nghĩa của SOPA. Nhưng hãy coi chừng, điều này khó như "lên trời" và rất dễ bị kết tội khai man.
 
 
Chưa dừng lại ở đây, sau khi yêu cầu cắt dịch vụ, nguyên đơn có thể khởi kiện đối phương ra tòa. Trong tình huống xuất nhất, họ chiến thắng và bạn không chịu bồi thường (mình sống tại nước ngoài mà, lo gì), bạn sẽ mất luôn tên miền béo bở này.
 
"Búa tạ"
 
Nếu những thông tin trên chưa khiến bạn lo lắng bởi chúng chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế thì bạn quá nhầm. SOPA quy định cả mức độ vi phạm và có thể khiến chủ nhân website phải lĩnh án hình sự. Cụ thể, nếu quá trình vi phạm tiếp diễn trong hơn 180 ngày và giá trị sản phẩm vi phạm lớn hơn 2.500 USD (khoảng 53 triệu đồng), bạn sẽ bị khép vào trọng tội.
 
 
Ví dụ, bạn tải một ca khúc lên YouTube, nếu bài hát có giá 1 USD (khoảng 21k VNĐ) và thu hút trên 2.500 lượt, bạn đã phạm tội hình sự. Thêm nữa, nếu chủ sở hữu bài hát khởi kiện, bạn sẽ chịu cáo buộc "Cố ý xâm phạm lợi ích thương mại". Đấy là chưa kể việc ghi thông tin vào hồ sơ, khiến bạn hết đường xin việc tại các công ty lớn.
 
Kết luận
 
Tóm lại, bản chất của SOPA là:
 
- Cung cấp Cho chính phủ Mỹ quyền đơn phương kiểm duyệt trang web nước ngoài.
- Tạo công cụ cho những tác giả và chủ sở hữu tài sản trí tuệ chống lại chủ nhân trang web phạm luật.
- Khiến một người phạm tội hình sự chỉ vì chia sẻ... một video ca nhạc.
 
Chắc chắn rồi, SOPA sẽ biến tất cả chúng ta thành tội phạm. Nếu không muốn bị như vậy, bạn đừng sử dụng mạng internet nữa nhé!