Các "đại gia" công nghệ chung tay bảo vệ Facebook

, Theo Trí Thức Trẻ 17:03 09/08/2014

Từ Google, Microsoft cho tới đối thủ Twitter đều lên tiếng bảo vệ Facebook trong vụ kiện lớn liên quan tới quyền riêng tư của người dùng.

Mới đây, Facebook đã bị hàng chục nghìn người dùng đâm đơn kiện vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Theo những đơn kiện này thì mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang thu thập dữ liệu người dùng để định hướng quảng cáo cũng như đe dọa tới sự riêng tư của người dùng trên Facebook. Vụ kiện này nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng Facebook toàn cầu cũng như giới công nghệ. 

Hàng loạt cáo buộc được đặt ra cho Facebook khi người dùng khẳng định rằng mạng xã hội hàng đầu đang đánh cắp thông tin, theo dõi người dùng một cách trái phép.

Nếu như Facebook thua kiện, đây sẽ là sự kiện lớn nhất từ trước tới giờ của Facebook cũng như thế giới mạng xã hội. Không những thế, nó sẽ làm mất danh dự của Facebook khi thu thập dữ liệu người dùng, tạo môi trường không an toàn trên internet.

Để bảo vệ Facebook cũng như những mạng xã hội nói chung, các công ty công nghệ lớn trên thế giới có thể kể tới như Dropbox, Foursquare, Google, Microsoft, Pinterest, Tumblr và thậm chí là cả đối thủ Twitter đã lên tiếng ủng hộ Facebook cũng như sẽ có những hành động để bảo vệ mạng xã hội này trước bất kì vấn đề pháp lý nào liên quan.

Sự việc lần này, Facebook được hậu thuẫn bởi hàng loạt công ty công nghệ cũng như nhiều tổ chức lớn tại Mỹ.

Đại diện của nhóm các công ty bảo vệ Facebook cho rằng những điều khoản trên Facebook đều rất chặt chẽ, người dùng khi thực hiện các hành động trên mạng xã hội nhiều khi bỏ qua những quy định đã được Facebook công bố trước đó. Thế nên việc Facebook bị tố cáo vi phạm quyền riêng tư của người dùng hoàn toàn không có căn cứ nếu người dùng trên vi phạm.

Vấn đề về quyền riêng tư đang căng thẳng hơn bao giờ hết khi hàng loạt người dùng bị theo dõi, tiết lộ thông tin cá nhân dẫn tới những rắc rối trong đời sống thực.

Ở phía nhóm những người kiện Facebook, họ yêu cầu Facebook cung cấp danh sách 381 người dùng đang bị Facebook theo dõi tới tòa án New York để thẩm định. Nhóm người này cho rằng hành động của Facebook mang tính một chiều và những người dùng nói trên không vi phạm bất kì quy định nào của Facebook để mạng xã hội này tùy tiện theo dõi họ.

Sau vụ "rùm beng" của NSA cũng như những tiết lộ động trời của Edward Snowden, người dùng internet mới hiểu tầm quan trọng của bảo mật thông tin trong thời đại số.

Trong khi đó Hội bảo vệ sự bình đẳng người dùng New York cũng lên tiếng bảo vệ Facebook khi cho rằng những thông tin người dùng chia sẻ trên mạng xã hội đều đa phần nhạy cảm, từ những chuyện cá nhân cho tới định hướng xã hội hoặc xu hướng bầu cử đều được chia sẻ riêng tư trên Facebook với một đối tượng người dùng nhất định. Đây là những thông tin riêng tư nhất của người dùng nên luôn được Facebook bảo vệ ở mức cao nhất.


Đây chưa phải là lần đầu tiên Facebook gặp sự cố như trên, vào năm ngoái, Facebook từng bị nghi cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ, hợp tác cùng NSA để theo dõi người dùng. Sau khi những sự việc liên quan tới NSA bị phát tán, niềm tin của người dùng vào một Facebook an toàn đang mất đi từng ngày. Facebook cho rằng họ chỉ cung cấp những thông tin quá phổ cập, nhiều người dùng biết đến và có thể dễ dàng tìm kiếm trên internet nên không gây ảnh hưởng tới người dùng. Có vẻ như tương lai về bảo mật trên Facebook vẫn còn quá mập mờ khi mà mạng xã hội này không chịu hợp tác cùng người dùng để đi tới thỏa thuận hợp lý nhất.