Bphone - Khi niềm tự hào của thế hệ vàng thành trò đùa cho giới trẻ

Van Vu, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 28/05/2015

Là sản phẩm smartphone cao cấp đầu tiên của người Việt, do người Việt thiết kế, Bphone nhận được sự ủng hộ lớn từ lớp người trung niên nhưng lại trở thành chủ đề để bêu xấu của giới trẻ trên mạng xã hội.

Là một quốc gia trẻ khi nhắc tới công nghệ, Việt Nam vẫn cần có những cú huých lớn để khẳng định mình với thế giới, khởi nguồn với chú chim Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, bạn bè quốc tế đã dần biết tới Việt Nam và khẳng định sự phát triển nhanh chóng của nền công nghệ nước nhà. Việc ra mắt chiếc smartphone cao cấp đầu tiên do người Việt thiết kế sẽ trở thành một bước tiến tiếp theo đưa Việt Nam tiến xa hơn trên trường công nghệ.

Bphone - Chiếc smartphone cao cấp của người Việt.

Mặc dù vậy, trên các phương tiện đại chúng, internet cùng mạng xã hội, người Việt đang tự chối bỏ chính thành quả phát triển của nền công nghiệp di động nước nhà. Đau lòng thay, những phát ngôn tưởng chừng ngây ngô đó lại được nói ra bởi giới trẻ, thành phần sẽ tiếp nối thành quả hiện tại để phát triển hơn trong tương lai.

Nếu như bạn chưa biết Bphone là gì, đây là sản phẩm smartphone do người Việt tự thiết kế, lựa chọn phần cứng cũng như tự tái tạo lại hệ điều hành cùng các tính năng do chính chúng ta sự sản xuất nên. Được phát triển bởi BKAV, sản phẩm smartphone nói trên sẽ bán ra thị trường trong tháng tới.

CEO Nguyễn Tử Quảng giới thiệu về Bphone trong lễ ra mắt vừa qua.

Đáng lẽ ra những gì chúng ta nên nói phải là tự hào, sự khẳng định khả năng của người Việt Nam. Nhưng không, "xấu, dởm, nổ, quăng bom, rẻ tiền" lại là những gì cộng đồng nói về dấu mốc quan trọng của làng công nghệ Việt.

Niềm tự hào của thế hệ vàng

Khác với giới trẻ, những người hàng ngày tiếp cận với internet, công nghệ cao cùng những sản phẩm điện thoại đắt tiền, lớp trung niên ít có cơ hội nắm bắt các xu thế mới hơn nhưng vẫn luôn chứng tỏ được sự trưởng thành của mình. Qua trao đổi phỏng vấn với chúng tôi, đại đa số người được phỏng vấn trong lớp trung niên đều ủng hộ chiếc smartphone Việt, số còn lại chỉ có những suy tư ngắn về việc sản phẩm Việt sẽ cạnh tranh ra sao trên thị trường quốc tế, thứ mà dường như vẫn còn rất xa với ngành công nghệ nước nhà. 

Dưới đây là một số phát biểu từ những người thuộc tầng lớp thế hệ vàng của Việt Nam. Độc giả xin lưu ý đây là những nhận định cá nhân và danh sách phía dưới là những người đã biết về chiếc smartphone Việt.

Bác Thắng, sinh sống tại Hà Nội khi được hỏi về Bphone đã cho biết: "Qua lời kể của con cháu, trên các phương tiện báo đài, tôi rất ủng hộ điện thoại Bphone của người Việt Nam. Không những nó chứng tỏ được cho thế giới thấy rằng Việt Nam đang phát triển rất mạnh mà tôi nghĩ nó sẽ còn giúp được người mình tự hào hơn khi dùng sản phẩm do chính ta sản xuất, chúng ta nên ủng hộ và sử dụng sản phẩm của chúng ta, của người Việt!".


Còn chú Sơn, đang làm kinh doanh tại khu vực Hà Đông cho hay: "Mấy đồ điện tử giờ đa phần mình phải nhập từ nước ngoài về, tổng cộng các chi phí khi đến tay mình đã bị thiệt tương đối nhiều. Giờ trong nước cũng tự sản xuất được tại sao không dùng hàng trong nước mà cứ phải mua của nước ngoài? Các bạn trẻ giờ có xu hướng hướng ngoại nhiều quá, cái gì cũng phải thương hiệu rồi sản xuất ở nước ngoài thì mới chịu sử dụng.

Về điện thoại Bphone, tôi thấy tự hào khi mình tự làm được những gì mà thế giới cũng đang làm. Tất nhiên, sản phẩm trong nước bao giờ cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau và hiện tại chưa bằng được các mẫu thế giới, nhưng Việt Nam tự cho ra mắt được Bphone là một thành công lớn mà tôi nghĩ phải nhiều năm nữa chúng ta mới có thể làm được".


Cô Thủy, hiện đang công tác tại một công ty ở Hà Nội lại không giấu nổi sự hoài nghi về sản phẩm trong nước: "Tất nhiên là người mình làm ra thì mình phải tự hào, khoảng vài năm trước cô cũng không nghĩ là nước mình sẽ tự sản xuất được điện thoại thông minh. Giờ mình hòa nhập với thế giới, cũng cần có một số sản phẩm để cho người nước ngoài thấy rằng Việt Nam mình cũng làm được, chúng ta không thua kém.

Thế nhưng, giờ điện thoại thông minh đang xuất hiện nhiều quá rồi, mình ra hơi chậm so với thế giới nên cô nghĩ sẽ khó cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài, còn về trong nước thì tại sao người Việt mình không dùng hàng Việt? Sử dụng sản phẩm trong nước đâu có gì phải xấu hổ mà không dùng?"

Giới trẻ nghĩ gì về dấu mốc quan trọng của ngành công nghệ Việt?

Khác với nhận định của lớp trung niên, những người thuộc thế hệ vàng thì giới trẻ tỏ ra khá hoài nghi về những gì mà Bphone có thể làm được. Lý do chủ yếu được họ đưa ra tới từ cách thức quảng bá sản phẩm của BKAV và sản phẩm không hấp dẫn như những gì đã được mô tả trước đó.

Bạn L.T.T (xin phép giấu tên) cho hay: "Tất nhiên, smartphone là thứ mà ai cũng phải có trong thời đại này. Thế nhưng, theo mình yếu tố quan trọng nhất của smartphone là phải đẹp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dùng thêm vào đó yếu tố thương hiệu cũng góp phần quan trọng. Giờ nếu như không có thương hiệu, chẳng ai biết bạn đang dùng điện thoại nào, các tính năng của điện thoại đa phần giống nhau nên nếu không có thương hiệu mạnh và thiết kế đẹp thì sản phẩm chưa thành công.

Về Bphone, mình biết tương đối nhiều về sản phẩm này, cả Facebook lẫn báo chí nói cũng nhiều rồi. Theo ý kiến của mình thì Bphone còn chưa đẹp, giá còn cao và các tính năng vẫn chưa bằng được sản phẩm nước ngoài. Nếu như giá thành tương đương, mình nghĩ sẽ không chọn Bphone mà chọn một sản phẩm có uy tín, thương hiệu lớn từ trước đó".

Thiết kế không đẹp, thương hiệu không tốt và quá đắt so với thực tế?

Bạn Minh Tú, một sinh viên đang theo học tại Hà Nội cho biết: "Thật sự thì mình chưa được dùng Bphone nên nếu để nói trải nghiệm ra sao hay các tính năng thế nào, mình không dám chắc. Vì chưa được trải nghiệm nên mình cũng không rõ mức giá của sản phẩm có hợp lý hay không. Thế nhưng, nếu Bphone giảm giá có lẽ mình sẽ sở hữu một sản phẩm vì nhu cầu sử dụng cũng như một phần là ủng hộ thương hiệu Việt. Mức giá hiện tại có lẽ mình sẽ lựa chọn các thương hiệu khác vì độ tin cậy cao hơn, các tiện ích đi kèm cũng sẽ nhiều hơn là sản phẩm mới ra mắt chưa lâu".


Cùng suy nghĩ với L.T.T và Minh Tú, bạn Đình Kiên cho hay: "Bphone là tâm huyết của BKAV cũng như anh Nguyễn Tử Quảng, thế nhưng mức giá hiện tại của sản phẩm chưa hợp lý hoặc đây chỉ là bước khảo sát thị trường của thương hiệu BKAV khá mạnh trong nước. Với mức giá hiện tại, có lẽ tôi sẽ chọn một thương hiệu hay một chiếc smartphone khác thay cho Bphone khi mà ở mức giá của Bphone có quá nhiều sản phẩm thương hiệu tốt và hấp dẫn hơn".

Hiệu ứng truyền thông "ngược" hay trò đùa hội đồng của cư dân mạng?

Tự những bài viết chê bai dài, những bình luận tiêu cực cho tới các hình ảnh "chế" không hợp được đăng tải lên mạng xã hội hay internet, có thể thấy rõ rằng giới trẻ Việt Nam chẳng mấy quan tâm tới Bphone, những hành động hiện tại âu có lẽ chỉ là vào hùa với luồng thông tin trên mạng xã hội. Nhiều nhận định cho hay cư dân mạng Việt Nam được tích hợp tính năng "auto chê" (tự động chê) mỗi khi có sản phẩm Việt nào xuất hiện trên thị trường, hành động này được đánh giá có tính bầy đàn để hùa theo dư luận khi mà đại đa số thậm chí còn chưa được sử dụng sản phẩm Bphone.

Những gì còn lại trên mạng xã hội về sản phẩm quan trọng mang tên Bphone là ảnh chế, những lời chê bai và một tương lai mờ mịt cho ngành công nghệ Việt.

Bphone sẽ được bán ra vào tháng 6 tới đây, để đảm bảo an tâm cho người dùng, BKAV cho phép người dùng trả lại sản phẩm trong vòng 14 ngày nếu như không thấy thích hoặc trải nghiệm sản phẩm chưa đủ. Tương lai của chiếc smartphone cao cấp do người Việt thiết kế vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với giới công nghệ ở thời điểm hiện tại thế nhưng đối với tính cách "sính ngoại" của người dùng Việt Nam ở thời điểm hiện tại, đâu sẽ là tương lai cho ngành công nghệ nước nhà?

(Tổng hợp)