5 lý do bạn chưa nên vội mua BPhone

N.C, Theo Trí Thức Trẻ 16:14 29/05/2015

Đây là những luận điểm mà nhiều người cho rằng BPhone chưa đáng mua, ít nhất là tính tới thời điểm hiện tại, đưa ra.

Không thể phủ nhận BPhone là một trong những sự kiện công nghệ Việt có sức ảnh hưởng lớn nhất kể từ đầu năm cho đến nay và những gì CEO Nguyễn Tử Quảng công bố trong sự kiện diễn ra vào ngàu 26 tháng 5 vừa qua cũng khá ấn tượng. Sau khi BPhone trình làng, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra liên quan đến việc có nên mua BPhone hay không. Dưới đây là 5 dẫn chứng mà những người cho rằng BKAV BPhone chưa thực sự hấp dẫn đưa ra.

1. Phiên bản đầu khó tránh khỏi những thiếu sót

BPhone là một khởi đầu táo bạo và đáng chú ý nhưng vẫn cần thời gian để hoàn thiện.

Quá trình tạo dựng lên một thương hiệu là một hành trình dài và là kết quả của sự phát triển, đúc rút kinh nghiệm trong nhiều năm. Không có gì đáng trách nếu như BPhone có thể vẫn còn có nhiều điểm trừ và người dùng hoàn toàn có quyền hoài nghi về chất lượng của sản phẩm này. Thực tế, khi Apple trình làng chiếc iPhone đầu tiên, bên cạnh lượng lớn những phản hồi tích cực, máy vẫn có hai yếu điểm đáng chú ý so với các sản phẩm cũng phân khúc lúc bấy giờ là không hỗ trợ tin nhắn đa phương tiện và không hỗ trợ kết nối 3G. Phải đến dòng máy thứ hai Apple mới khác phục được hai đặc điểm nói trên.

Đối với những người dùng không quá rủng rỉnh về "hầu bao" và không thích mạo hiểm, BPhone đời đầu không phải một lựa chọn tối ưu.

2. Giá bán thiếu cạnh tranh

Không ít người muốn ủng hộ BPhone cũng phải đắn đo vì mức giá.

Mặc dù đã thấp hơn so với tin đồn trước đó, mức giá khởi điểm của BPhone ở mức 10.980.000 VND (đã tính thuế giá trị gia tăng) vẫn được coi là một tầm giá cao so với sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Nhất là đặt trong bối cảnh thị trường di động Việt Nam đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các dòng smartphone xách tay, mức giá của BPhone thực sự không hấp dẫn. Đó là chưa kể đến trong cùng tầm giá này, BPhone cũng gặp phải nhiều đối thủ là các sản phẩm chính hãng của các nhà sản xuất đã có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng nếu BPhone lên kệ với tầm giá dao động trong khoảng từ 7.000.000 VND đên 8.000.000 VND thì máy sẽ được cộng đồng yêu công nghệ Việt hưởng ứng nhiều hơn.

3. Tính năng chưa thực sự hữu ích

Nhìn nhận một cách thực tế, TransferJet trên BPhone cho tới thời điểm hiện tại không quá hấp dẫn.

Một trong những tính năng chưa thực sự hữu ích trên BPhone là TransferJet. Theo đó, TransferJet (được BKAV giới thiệu bằng tên gọi Burst Transfer) là một trong những điểm nhấn được hãng này tập trung giới thiệu trong buổi lễ ra mắt sản phẩm. Theo những gì BKAV khẳng định, BPhone là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có công nghệ truyền dữ liệu không dân tầm gần siêu tốc này. Theo lý thuyết, TransferJet có thể truyền dữ liệu nhanh gấp 500 lần NFC và màn trình diễn demo của BKAV khi giới thiệu BPhone cũng nhận được khá nhiều sự hưởng ứng. Tuy nhiên, TransferJet nhanh nhưng có thực sự tiện ích?

Thực tế, để chuyển nhận được dữ liệu thông qua TransferJet, cả hai thiết bị di động đều phải mở loại kết nối tầm gần này và việc BPhone là chiếc điện thoại đầu tiên (và duy nhất) có TransferJet khiến việc chuyển dữ liệu từ BPhone đến những chiếc điện thoại của các hãng khác là không thể. Sẽ thật tuyệt vời nếu BPhone có cả NFC và TransferJet, thế nhưng thật đáng tiếc khi NFC đã thiếu vắng trên thiết bị này trong khi nó là công nghệ phổ biến hơn.


TransferJet và NFC có thế mạnh và công dụng chính khác nhau.

Hơn thế nữa, việc so sánh tốc độ truyền dẫn dữ liệu giữa TransferJet và NFC cũng có phần khập khiễng bởi hai công nghệ này có những công dụng chủ yếu khác nhau. Cụ thể, công dụng và thế mạnh chính của TransferJet là đồng bộ dữ liệu, chuyển nhận dữ liệu và phát stream video/audio trong khi đó công dụng chính của NFC nằm ở xác thực, gắn thẻ thông minh và thanh toán điện tử.

Ngoài ra, cũng nên chú ý rằng để truyền được dữ liệu từ BPhone vào laptop thông qua TransferJet, bạn sẽ cần mua thêm một thiết bị phụ kiện TransferJet cho laptop (trong trường hợp laptop không được tích hợp sẵn tính năng này) và hiện nay giá bán của loại phụ kiện nêu trên vẫn chưa được BKAV công bố.

4. Phương thức phân phối lạ lẫm với người Việt

BPhone sẽ được phân phối trực tuyến, giao hàng toàn quốc. Đợt mở bán đầu tiên sẽ bắt đầu từ 10 giờ đến 22 giờ ngày 2 tháng 6 tới.

Đúng như thông tin ban đầu, BKAV BPhone sẽ được BKAV phân phối trực tuyến. Với hình thức phân phối này, BKAV sẽ thu được mức lợi nhuận cao hơn từ mỗi máy bán ra do tiết kiệm được nhiều chi phí trung gian, tuy nhiên bản thân nó lại trở thành một "bước cản" để BPhone đến tay nhiều người hơn. Lý do đến từ việc hành vi và thói quen mua sắm của người Việt hiện nay vẫn là thích được "sờ tận tay" và trải nghiệm sản phẩm trước khi quyết định mua, đặc biệt là với một mẫu máy mới và chưa có danh tiếng như BPhone.

Để giải quyết vấn đề này, BPhone đã tung ra chính sách đối trả 14 ngày 100% giá trị máy khá hấp dẫn, tuy nhiên nó vẫn là chưa đủ để thuyết phục một bộ phận người dùng.

5. Phụ kiện ít và giá cao

Danh sách phụ kiện của BPhone.

Website hiện nay của BKAV có niêm yết thông tin về các loại phụ kiện bán kèm cho BPhone bao gồm ốp lưng, tai nghe, cục sạc, cáp sạc và phụ kiện TransferJet. Trong đó, ngoại trừ adapter TransferJet chưa được công bố giá bán, các phụ kiện còn lại đều có giá tương đối cao. Cụ thể, ốp lưng BPhone loại thường có giá 299.000 VND trong khi đó ốp lưng cao cấp có giá 599.000 VND. Ngay củ sạc thường và cáp kết nối của máy đã có giá 299.000 VND. Để có thể trải nghiệm công nghệ sạc nhanh, bạn cần mua củ sạc cao cấp với giá 390.000 VND.

Hiện chưa rõ BKAV sẽ bán kèm BPhone những phụ kiện nào và những phụ kiện nào người dùng phải mua rời.

(Tổng hợp)