Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Google là cái tên thống lĩnh mảng tìm kiếm trên Internet. Cụ thể, hiện nay Google đang phục vụ 66,9% tổng lưu lượng tìm kiếm trên toàn thế giới (bỏ xa dịch vụ đứng thứ hai là Bing với 14,8%). Có thể ngay lúc này bạn đang nghĩ đến viễn cảnh có lẽ phải còn rất lâu nữa mới xuất hiện một cái tên có thể hạ bệ ông lớn trên, tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.
Theo các chuyên gia đánh giá, trong tương lai không xa, phương thức tìm kiếm truyền thống sẽ chuyển dịch dần sang tìm kiếm xã hội. Điều này có nghĩa là các dữ liệu trên web sẽ được kết hợp với các yếu tố xã hội liên quan đến chính người tìm kiếm để có thể mang lại những kết quả chính xác nhất.
Vậy nếu nhìn từ xu hướng tìm kiếm xã hội, những công ty nào đang nắm trong tay cơ hội tiên quyết để vươn lên vượt mặt Google?
1. Facebook
Có lẽ nhìn từ phương diện tìm kiếm xã hội, Facebook là đối thủ lớn nhất mà Google phải đối mặt. Trở lại thời điểm tháng 1 năm nay, chính Mark Zuckerberg cũng đã “ngầm” khiêu chiến với Google. Cụ thể, dẫn lời Mark cho hay: “Facebook đang có trong tay lượng dữ liệu vô cùng lớn và bộ phận trí thông minh nhân tạo của Facebook đang làm việc để cung cấp lượng dữ liệu này cho công cụ tìm kiếm Graph Search. Phiên bản hoàn thiện của sản phẩm này cũng sẽ có mặt trên nền tảng di động, cho phép người dùng truy vấn thông qua tính năng nhận diện giọng nói”.
Mark nhấn mạnh công cụ tìm kiếm của Facebook có thể giải đáp cả những thắc mắc cá nhân và mang lại cho người dùng những lời khuyên hữu ích. Tất nhiên, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại Graph Search được định hướng không phải là một dịch vụ tìm kiếm web như Google. Thay vào đó, nó cung cấp cho người dùng khả năng tìm kiếm thông qua các thông tin cá nhân trên Facebook. Tuy nhiên, trong tương lai, những yếu tố “thông minh nhân tạo” mà Mark nhắc tới bên trên sẽ cách mạng hóa công cụ tìm kiếm này và thực sự cho Google một vài lí do để lo lắng.
Được biết, kế hoạch hoàn thiện Graph Search của Facebook sẽ kéo dài trong khoảng 10 năm.
2. Twitter
Là mạng xã hội phổ biến thứ hai trên thế giới, Twitter cũng có cơ hội “cắt xén” miếng bánh thị phần Google đang sở hữu. Twitter, tương tự Facebook, khác biệt với Google ở điểm dịch vụ tìm kiếm của Twitter không bao quát toàn bộ web mà chỉ tập trung vào các dữ liệu bên trong hệ sinh thái mà mình sở hữu.
Tuy nhiên, Twitter cũng có sự khác biệt so với Facebook. Cụ thể, khi người dùng tìm kiếm trên Facebook, kết quả họ có được chỉ gồm các thông tin đến từ mạng lưới bè bạn hoặc các thông tin được để ở dạng “công khai”. Twitter tìm kiếm không gói gọn trong mạng lưới bạn bè của một người mà tận dụng được toàn bộ dữ liệu được đăng trên mạng xã hội này.
Một điểm yếu của Twitter so với Google và Facebook là việc mạng xã hội “chim xanh” không có các thông tin về địa điểm trong cơ sở dữ liệu để tận dụng cho khả năng tìm kiếm. Tuy nhiên thì hồi tháng 6 năm ngoái hãng này đã mua lại Spindle, ứng dụng có khả năng tận dụng tốt thông tin về địa điểm cho các công cụ tìm kiếm, để bù đắp cho thiếu hụt nêu trên.
3. Apple
Apple cũng đang rục rịch nhón chân vào sân chơi tìm kiếm xã hội. Chỉ một vài tháng trước, hãng đã tiến hành thâu tóm nền tảng tìm kiếm mạng xã hội và Twitter mang tên Topsy Labs với mức giá 200 triệu USD. Rõ ràng thay vì việc tự mình phát triển một mạng lưới xã hội, Apple đang chọn cách đi đường tắt bằng chiến lược thâu tóm, hợp tác và mua lại.
Apple đã và đang hoàn thiện công cụ tìm kiếm Siri của mình với sự hợp tác của Bing. Cùng Topsy và những thương vụ thâu tóm trong tương lai đồng thời có tiềm lực tài chính dồi dào, Apple đang nắm giữ những lợi thế rõ ràng để phát triển trong mảng tìm kiếm xã hội.