Từ một người di cư tránh nạn Pol-Pot Khmer Đỏ với 3 số 0: Không tiền, không tiếng, không người thân, ông Kao Siêu Lực đã từng bước xác lập vị trí vua bánh mì tại Việt Nam, được giới kinh doanh và người dân nể trọng bởi ông luôn hết mình trong công việc, luôn đồng cảm và chia sẻ, đặc biệt với người nông dân.
Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa tại Campuchia, sau khi đến Việt Nam, trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, ông Kao Siêu Lực đã từng bước tạo dựng nên thương hiệu ABC Bakery với một chuỗi cửa hàng tại TP.HCM.
Đầu năm 2020, sau chuyến công tác tại miền Tây, ông Kao Siêu Lực lại “gây bão” cộng đồng mạng khi cho ra đời bánh mì thanh long, giúp hàng trăm hộ dân trồng thanh long thoát khỏi cảnh tay trắng khi loại trái cây này chất đống tại cửa khẩu, không xuất ra nước ngoài vì đại dịch.
“Mục đích của tôi ban đầu về miền Tây không phải kiếm thanh long mà kiếm sầu riêng. Rồi đến khi đứng nói chuyện, một người dân chạy qua kể có 300 container thanh long không thể xuất qua cửa khẩu, tôi nhìn ra vườn của bà ta thì thấy thanh long đang chín nhiều. Lúc đó, tôi cảm thấy tội cho người nông dân.
Tôi hứa với bả sẽ mua 1-2 tấn về cho công nhân ăn ủng hộ, nhưng mua 1-2 tấn thì không giải quyết được gì. Trên xe về, tôi nghĩ đến hình ảnh bả rớt nước mắt, nó ám ảnh lắm. Tôi mới nghĩ tại sao không kết hợp thanh long với bánh mì, nếu thành công thì lượng thanh long tiêu thụ sẽ nhiều. Ngay sau khi về đến công ty, tôi tổ chức họp khẩn, rồi bắt tay vào nghiên cứu, cũng thất bại mấy lần mới cho ra được sản phẩm bánh mì thanh long”, ông Kao Siêu Lực nói.
Ngày đầu tiên tôi chỉ sản xuất 300 ổ bánh, tôi nghĩ trong bụng chỉ mong bà con đến mua ủng hộ, cùng nhau giải cứu thanh long. Nhưng tôi không ngờ được mọi người ủng hộ nhiều như vậy, nó làm tôi rớt nước mắt luôn.
Nhìn thấy bà con xếp hàng mua bánh mì thanh long, tôi phấn khởi lắm. Dù làm việc cật lực rất là mệt nhưng tôi và anh em trong công ty đều hồ hởi làm bánh mì để vừa giúp bà con thưởng thức bánh mới, vừa giúp được người trồng thanh long.
Khi việc tiêu thụ lên đến 1 tấn/ngày, tôi mới khởi động làm ra máy lớn để sản xuất, 1 tiếng có thể làm ra 7.000 bánh mì, rồi nâng lên 1 ngày tiêu thụ hết 2,5 tấn thanh long.
Tôi muốn nó lên giá mà, nó lên giá cao thì nông dân mới đỡ khổ. Nhiều bạn bè nói tôi: Anh đụng vô bây giờ thanh long nó mắc rồi. Tôi trả lời nếu thanh long không tăng giá là tôi thất bại, còn nếu giúp thanh long tăng giá nghĩa là tôi thành công.
Đừng nghĩ tôi là doanh nghiệp, mua nguyên liệu giá cao thì tôi buồn, giúp được người nông dân bán được giá cao mới là điều làm tôi hạnh phúc.
Lúc đó tôi nghĩ, dù ABC Bakery có tiêu thụ 2,5 tấn thanh long/ngày vẫn không là gì cả. Tôi mới bàn với con cái, tung công thức lên mạng, để hẳn số điện thoại cho ai thắc mắc về cách làm, cần hướng dẫn có thể liên hệ.
Một mình tôi không thể tạo ra “sóng bão” gì, mọi người phải đoàn kết thì mới làm được. Sau đó phở thanh long, bánh tráng thanh long… ra đời, tôi còn đi chia sẻ kinh nghiệm cho bên Đài Loan, Úc, Thụy Điển. Mình thành lập các hiệp hội để làm gì, để chia sẻ cho nhau, chứ chỉ có một mình mình biết thì sao gọi là cống hiến. Đi đâu thấy bánh mì thanh long cũng là của Việt Nam, nó làm cho tôi tự hào. Tôi thấy vui thì tôi làm thôi.
Nông sản Việt Nam rất nhiều nhưng cần người biết cách khai thác, tăng giá trị nông sản lên, bản thân tôi cũng không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để làm sao giúp nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Tôi xuất phát điểm cũng từ một người nông dân, tôi hiểu được những khó khăn mà người nông dân phải trải qua. Ở Việt Nam có rất nhiều loại trái cây ngon, chất lượng nhưng chưa được đặt đúng vị trí của nó.
Ngoài thanh long, tôi còn sử dụng sầu riêng 6 Ri, hoa đậu biếc để làm bánh. Ban đầu, khi tôi nói mua sầu riêng để làm bánh, người nông dân không vui. Họ nghĩ nếu lấy làm bánh, tôi chỉ mua loại sầu riêng không ngon, đồ dạt bỏ với giá thành thấp.
Nhưng KHÔNG, tôi lựa loại ngon nhất. Tôi chấp nhận mua đắt hơn. Trong nguyên tắc kinh doanh của tôi, muốn có một chiếc bánh ngon thì việc đầu tiên nguyên liệu phải ngon. Thứ 2 là kỹ thuật cao, tôi tự tin tôi có kỹ thuật, và cuối cùng là máy móc thiết bị hiện đại để làm ra một chiếc bánh không để người tiêu dùng thất vọng.
Ngày nào tôi cũng trực tiếp xuống xưởng, làm cùng nhân viên của mình, công việc này giống như một món quà của ông trời giúp tôi vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Thật sự đại dịch bùng nổ không ai ngờ trước, không lường được sẽ khủng khiếp đến như vậy. Lúc đó, tôi cảm thấy đội ngũ y bác sĩ, tuyến đầu chống dịch rất tội nghiệp, họ không nghĩ đến tính mạng của bản thân để đi vào tâm dịch, cứu chữa, giúp đỡ mọi người.
Tôi thương về cái điều đó, tôi làm bánh để tặng họ, coi như góp một chút sức lực cùng mọi người sẻ chia trong đại dịch. Về phía công ty, tôi nghĩ đến việc mình cần phải sản xuất tiếp, tôi làm 3 tại chỗ, khám sức khỏe đàng hoàng và chăm lo cho nhân viên của tôi.
Lúc đó tôi “mất máu” rất nhiều, lỗ, nhưng tôi lấy phần dự bị ra để làm, để bù lỗ, để cứu công ty, cứu nhân viên của mình, tôi chấp nhận điều đó. Rất may mắn là ABC Bakery đã làm được, đó cũng là nỗ lực của tôi và của mọi người để vượt qua đại dịch.
Việc giá xăng dầu tăng mạnh (đỉnh điểm trong tháng 6/2022), kéo theo vật giá leo thang, hình thành cơn bão giá, đó không phải do hàng hóa không có mà do bị cấm vận, hạn chế về việc vận chuyển.
Là một doanh nghiệp, mình phải đánh giá được việc giá cả tăng như vậy có tăng mãi hay không? Hay chỉ là một thời điểm, một giai đoạn. Đối với tôi, tôi quyết định không tăng giá sản phẩm, tôi chấp nhận làm lời ít hoặc không lời. Bởi người ta đã làm giá ảo rồi, mình cũng làm giá ảo hay sao?
Xăng dầu tăng lên rồi có xuống không? Tất nhiên là có, chẳng lẽ xăng dầu xuống rồi mình lại không xuống, làm vậy nó không hay.
Mỗi lần tăng giá lên, mình nhìn thấy người tiêu dùng không vui, người tiêu dùng không vui, tôi cũng không vui. Nên tôi không tăng giá, rồi giá cũng sẽ bình ổn trở lại thôi chứ có tăng liên tục đâu.
Việc tăng giá lên theo giá xăng dầu, xong xăng dầu giảm nhưng sản phẩm lại không giảm. Đối với người tiêu dùng, điều đó KHÔNG CÔNG BẰNG!
Khi muốn lên giá sản phẩm, mình phải chứng minh được cái nào lên giá. Việc giá cả lên xuống, không ai biết sao? Ai cũng biết hết, vậy giờ xăng dầu xuống rồi, mình không xuống sao? Có phải nhục không? Tôi biết trước như vậy rồi nên tôi không có làm.
Thật ra mình không thể nói là có gian thương hay không? Bởi có khi người ta không có vốn, không có dự bị, người ta mua về cao thì bán ra phải cao thôi, mình không nói được. Nhưng một khi đã giảm giá thì phải giảm cho người tiêu dùng, đừng để người tiêu dùng chịu thiệt.
Như bản thân tôi đều có sự chuẩn bị trước, tôi ký hợp đồng 6 tháng, trong 6 tháng này tôi mua với giá này, mình chốt trước để mình bảo vệ mình. Làm ăn cần phải có sự tính toán.
Mỗi người có một phương pháp làm ăn riêng nhưng theo tôi, thị trường cần phải được bình ổn, nên khi đánh giá tình hình, mình không phải thấy người ta tăng lên mình cũng tăng lên, như vậy là lợi dụng tình hình, làm khổ người tiêu dùng.
Tôi cung cấp cho hệ thống thức ăn nhanh, mỗi lần lên giá đâu có dễ. Muốn lên giá thì phải chứng minh được lên cái gì, rồi trong hợp đồng phải kèm theo điều khoản khi nào hạ phải hạ theo. Vì vậy nên lúc xăng dầu tăng giá liên tiếp, tôi chấp nhận lời ít để không tăng giá. Khách hàng vui thì tôi cũng vui, nếu mình bình ổn được thì họ cũng bình ổn, giúp cho thị trường bình ổn.
Trong xuyên suốt buổi trò chuyện, ông Kao Siêu Lực luôn cười rất tươi, hào sảng chia sẻ mọi thứ. Dù là chủ một doanh nghiệp lớn, được mọi người kính trọng với danh xưng “vua bánh mì” nhưng ông luôn gần gũi và giản dị.
Với những người ở công ty, ông Kao Siêu Lực không chỉ là ông chủ mà còn là một người anh, người thầy, là chú Ba mà bất cứ ai cũng yêu mến, kính nể.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, ông Kao Siêu Lực luôn nở một nụ cười đầy tự hào, ông hạnh phúc vì chặng đường mình đã đi qua, về những gì ông đã đối mặt.
“Tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi có quyết tâm, tôi không bao giờ chịu thua những thất bại của mình. Có lúc tôi chán nản, làm thất bại nhiều khiến tôi không tin tưởng bản thân mình nữa. Nhưng rồi suy nghĩ lại, tôi tự nói với chính mình 'tôi làm được mà'. Tôi chưa bao giờ dừng lại, càng làm tôi càng say mê, càng muốn nghiên cứu, nâng cấp hơn nữa để mang lại những giá trị tốt nhất cho mọi người”, ông Kao Siêu Lực nói.
Tôi không bao giờ đặt áp lực cho bản thân, tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Hôm nay tôi làm không được, tôi xếp lại đó, ngày mai tôi làm tiếp. Miễn là tôi không từ bỏ, luôn cố gắng trong giới hạn của tôi.
Với những người anh em theo tôi nhiều năm, nếu trước đây họ chỉ là thợ làm bánh, tôi muốn họ phải hiểu biết về kinh doanh để phát triển hơn nữa. Tôi vui vì mình cũng đã làm được điều gì đó cho xã hội, như trao những suất học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ anh em…
Thật sự năm 2005 là cuộc ly hôn đau đớn, phần này tôi không đổ lỗi cho ai, hai người sống chung không được thì phải chia tay thôi.
Mà chia tay sao phải tranh giành. Tôi thấy nó vô nghĩa, bà thích thì tôi cho bà, tôi qua Việt Nam với 2 bàn tay trắng, tôi còn làm được mà. Giờ tôi cũng còn có chút chút nên tôi không tranh giành. Hai bên chia tay hòa bình để các con nó cũng đánh giá cao về ba mẹ đều có thiện chí dù không còn sống chung.
2005 cũng là thử thách lớn nhất của tôi. Nếu là người khác có thể không vượt qua được đâu.
Điều lớn nhất mà tôi có được lúc đó là những đứa con của tôi. Các con tôi nói: “Ba ơi, ba đứng lên để dẫn tụi con đi”, nó là động lực để tôi tiếp tục. Rồi một số thợ, đệ tử của tôi ôm tôi khóc và hi vọng tôi không buông bỏ.
Tôi nói với họ giờ tôi chỉ còn 2 bàn tay trắng, chưa chắc có tiền trả lương cho anh em nhưng tất cả đều nói với tôi, họ không cần tôi trả lương. Nhờ vậy, tôi lại tiếp tục, tôi mới có được thành công như ngày hôm nay.
Riêng với nghề bánh tôi có 3 nguyên tắc: Một là nguyên liệu phải tốt, thứ 2 là kỹ thuật, tay nghề phải điêu luyện, thứ 3 là máy móc, thiết bị phải hiện đại mới có thể làm ra một chiếc bánh ngon. Trong kinh doanh, uy tín là hàng đầu, phải xây dựng từng bước thật vững chắc, cái gì nhanh lên thì nhanh xuống, “khởi nghiệp nan giữ nghiệp càng nan”.
Như tôi đã chia sẻ, tôi cảm ơn Việt Nam đã cứu mạng tôi (tay đặt trước ngực). Tôi sẽ báo hiếu Việt Nam.
Tôi sẽ giúp Việt Nam tạo ra được nhiều tay nghề, khắp đất nước luôn, tôi vui khi mình làm được điều đó. Không phải cứ cho tiền là hay đâu, phải tạo ra tay nghề giỏi, nó mới quý. Khi mình thương người ta thì người ta cũng thương mình thôi.
Tôi có được ngày hôm nay là nhờ có Việt Nam, tôi sẽ báo hiếu Việt Nam.